"Tại sao chỉ vì con điểm mà chúng ta tiến hóa ngược lại từ người thành thú vậy?"

Ngân Hà |

Những ngày nay, người ta vẫn chưa thôi bàng hoàng về trường hợp một nam sinh lớp 10 gieo mình từ tầng 4 xuống sân trường do áp lực điểm số.

"Học để sống, nhớ nha con"

Đó là thông điệp mà chị Thu Hà, một nhà báo hiện đang sống và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ trong bài viết xoay quanh câu chuyện về áp lực học hành đang đè nặng lên vai con trẻ.

Chị là người truyền cảm hứng nuôi dạy con tới rất nhiều bậc cha mẹ qua những bài chia sẻ chân thực được viết ra từ những kinh nghiệm nuôi dạy hai cô con gái: Xu và Sim.

Mới đây nhất, xung quanh câu chuyện về một học sinh THPT ở thành phố Hồ Chí Minh gieo mình từ tầng 4 xuống sân trường tự tử do áp lực học tập, chị Thu Hà đã có bài tâm sự về chủ đề này, thu hút hơn một triệu lượt quan tâm.

Tại sao chỉ vì con điểm mà chúng ta tiến hóa ngược lại từ người thành thú vậy? - Ảnh 1.

Quan điểm xoay quanh chuyện áp lực học hành với con trẻ của nhà báo Thu Hà nhận được hơn 1 triệu lượt người xem

Nội dung bài viết:

"Mấy ngày nay có một chuyện khủng khiếp xảy ra mà em cứ buồn và suy nghĩ mãi. Em có người anh, thành đạt, gia đình mẫu mực, hai con đều đẹp trai, học giỏi, ngoan ngoãn. Thế rồi bi kịch xảy ra.

Vào kỳ thi sát hạch đầu năm, bé bị điểm 3 môn Anh Văn, môn học mà bé giỏi và tự tin nhất. Bị thầy cô trách mắng, và phần nhiều là tự trách bản thân, bé bị trầm cảm nặng và không muốn đi học. 

Gia đình đã đưa đi khám tâm lý các nơi, rồi ba mẹ túc trực ở nhà để trông nom chăm sóc bé. Thế mà trưa thứ 2 tuần rồi bé đã nhảy từ lầu 5 xuống và không qua khỏi..."

Tôi vừa nhận được tin nhắn này chiều qua. Đọc mà muốn điên lên.

Con cần sống, hơn là cần điềm 10. Con cần sống, trước khi cần thành đạt !

Tiếng Anh làm gì nếu chưa nghe được tiếng Con?

Tiếng Anh làm gì nếu không nghe được tiếng nói bên trong Chính Mình?

Tiếng Anh làm gì, nếu trong nhà không nói được tiếng Gia đình?

Trước khi hiểu những người bên kia bán cầu nói gì thì làm ơn hiểu chính cơ thể mình đang nói gì đã!

Với chính mình, với con, chúng ta còn dùng ngoại ngữ, nên thậm chí tiếng kêu cứu, mà người mình yêu nhất, ở ngay cạnh cũng không nghe được.

Tại sao chỉ vì con điểm mà chúng ta tiến hóa ngược lại từ người thành thú vậy? - Ảnh 2.

"Tôi biết, những bé có nguy cơ trầm cảm, là trong cơ thể con bẩm sinh đã sẵn có cơ chế sinh hóa không cân bằng, chất dẫn truyền thần kinh không như số đông người bình thường, nên tâm lý nhạy cảm, và khó chống chọi với áp lực"

Tôi đã từng trải qua cảm giác mất người bạn thân vì trầm cảm. Tôi biết, hơn mọi loại ung thư, hơn mọi loại bệnh tật, cảm xúc có thể giết chết con cái và chính chúng ta nhanh nhất.

Thế nhưng nó ko chụp chiếu X quang, hay chụp CT được. Nó không lở loét, không chảy máu, chảy mủ. Nó không sốt, không ho. Nó hơn tất cả những triệu chứng đó, vì nó hủy hoại bên trong một cách thầm lặng.

Cầu mong câu chuyện của bé có thể cảnh báo nhiều gia đình khác, cứu được nhiều em bé khác mà tôi biết vẫn đang sống trong áp lực.

Nhiều ba mẹ đã trao cho điểm số cái quyền lực quá lớn, nhiều ba mẹ làm cho con mình hiểu rằng điểm kém sẽ hủy hoại cả cuộc đời con. Nhiều gia đình không vứt nổi những nặng nề ngoài bậu cửa.

Điểm số là cái đinh gỉ gì đâu.

Tổ tiên chúng ta, triệu triệu năm trước không có điểm số vẫn tiến hóa được lên làm người là gì?  Tại sao chỉ vì con điểm mà chúng ta tiến hóa ngược lại từ người thành thú vậy?

Bạn không thể học giỏi trong một lần, không thể thành chuyên gia trong một lần. Vậy tại sao không cho con được quyền thất bại nhiều lần? Tại sao nhìn chuyện thất bại như kẻ thù bên kia chiến tuyến?

Cùng lắm, nếu con không học giỏi, không có bằng tốt nghiệp trường top, con có thể thiệt vài triệu tiền lương những tháng thử việc đầu tiên. Nhưng nếu con không hiểu tiếng nói bên trong cơ thể mình, nếu con đánh mất niềm vui sống là mất rất rất lớn!

Học để sống, nhớ nha con".

Đừng phớt lờ lời kêu cứu không thành tiếng của con

Vấn đề áp lực học tập từ lâu đã không còn quá xa lạ. Chỉ cần gõ dòng chữ "học sinh tự tử vì áp lực" trên mạng, gần 800.000 kết quả được đưa ra trong chưa đầy 1 giây.

Hàng loạt bài báo với tiêu đề: "Báo động học sinh chịu áp lực dẫn đến tự tử", "Học sinh trầm cảm vì điểm số"... có thể khiến nhiều người giật mình.

Tại sao chỉ vì con điểm mà chúng ta tiến hóa ngược lại từ người thành thú vậy? - Ảnh 4.
Tại sao chỉ vì con điểm mà chúng ta tiến hóa ngược lại từ người thành thú vậy? - Ảnh 5.

Một cô gái cũng lên mạng "kể khổ" giúp em gái khi phải chịu áp lực bài vở quá lớn.

Theo một nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc tại Việt Nam, áp lực học tập là một trong những nguyên nhân chính khiến trẻ em Việt Nam rối loạn về sức khỏe tâm thần, bị trầm cảm, lo âu, rối loạn cảm xúc.

Nhìn vào lịch học của nhiều học sinh từ cấp tiểu học tới THPT, nhiều người phải lắc đầu. Bố mẹ đi làm 8 tiếng/ngày, nhưng con cái đi học nhiều hơn 8 tiếng/ngày.

Nhà giáo dục Nguyễn Quốc Vượng chia sẻ quan điểm: "Thèm khát con cái thành đạt thông qua thi cử đã làm cho nhiều phụ huynh trở nên mù quáng.

Học ở trường, ở trung tâm - chưa đủ. Phụ huynh cho con đến học ở cả nhà thầy cô. Học ngày, học đêm, vừa ăn vừa học, vừa đi xe vừa học.

Mỗi ngày chỉ có 24 giờ, sức lực con người chỉ có hạn. Hệ quả là sức khỏe của học sinh bị ảnh hưởng nghiêm trọng cả về thể xác và tinh thần"

Tại sao chỉ vì con điểm mà chúng ta tiến hóa ngược lại từ người thành thú vậy? - Ảnh 6.

Những kỳ vọng của người lớn áp đặt lên trẻ vô tình trở thành cánh cửa đấy các em vào bệnh viện chứ không phải vào một tương lai sáng lạn. (Ảnh minh họa)

Về phía chị Thu Hà, chị khẳng định bản thân không buông tự do để con học kém: "Mình tìm nhiều cách để con ham học và biết tự học.

Nói thật là chỉ tuần đầu tiên, tháng đầu tiên là Xu Sim bị điểm thấp thôi, còn sau đó thì cả mẹ con cùng phải nỗ lực kiên trì để tìm ra cách học hiệu quả hơn".

Tuy nhiên chắc chắn một điều, nữ nhà báo không bao giờ ép con học quá mức. Thông qua bài viết của mình, chị cũng muốn gửi gắm lời nhắn nhủ đến các bậc phụ huynh về tác hại khi tạo áp lực đè nặng lên vai con trẻ.

Bài viết nhận được sự đồng tình, tán thành không chỉ của các bậc làm cha, làm mẹ mà ngay chính cả các em học sinh.

Chị Mai Hươnh cho hay: "Con gái em lớp 8, điểm tiếng Anh thường xuyên dưới 5. Em bảo: "Con chỉ cần học để không ở lại lớp thôi, nếu con không vào được Đại học thì sẽ đi học nghề con thích là nấu ăn và làm bánh. Tiếng Anh cần nhưng học sau vẫn được".

Vậy nên đi học về chị ấy vẽ vời, đọc sách truyện và giúp mẹ việc nhà vì chả đi học thêm gì, còn bài ở trường thì con đã tranh thủ làm ở lớp rồi"

Nguyễn Thùy Linh, một học sinh cấp 3 thì chia sẻ câu chuyện của chính mình: "Từ khi học cấp II đến gi, ba mẹ rất ít khi gây áp lực về học tập và cháu cảm thấy thật may mắn.

Nhưng cháu có một bé bạn, luôn luôn bị mẹ la mắng, bắt xếp hạng 1 và điểm trung bình trên 9 tất cả các môn.

Suốt ngày đi học và bị ám ảnh điểm số như vậy, nên nó cứ lầm lì, thui thủi. Có lần vì điểm số không như mong đợi, nó đã có ý định tự tử. Và nó im lìm không bao giờ đôi co với mẹ vì chuyện này, một phần vì mẹ chẳng hiểu nó.

Cảm thấy thật buồn và bất lực".

Người lớn đâu biết, họ đang vô tình đặt áp lực lên vai con trẻ bằng những kỳ vọng về điểm số, thành tích. Khi những sự việc đau lòng xảy ra, nhà trường, phụ huynh mới giật mình hối hận vì chưa kịp quan tâm sâu sắc hơn tới con em mình.

Thế nhưng, điều đó đã thực sự quá muộn. Thay vì chữa bệnh, tại sao chúng ta không phòng bệnh?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại