WaPo: Chỉ "đấm vỡ mũi" Syria không đủ, Mỹ cần mạnh tay hơn nếu muốn thị uy với Triều Tiên

Hồng Anh |

Có thể Triều Tiên đang thận trọng theo dõi nhất cử nhất động của Tổng thống Trump trong những ngày gần đây.

* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả Marc A. Thiessen được đăng tải trên trang Washington Post.

Ngày 6/4/2017, theo mệnh lệnh của Tổng thống Donald Trump, 59 quả tên lửa hành trình Tomahawk đã được phóng từ các tàu chiến Mỹ vào một căn cứ không quân của Syria.

Thông qua cuộc tấn công này, Washington đã gửi thông điệp đến Tổng thống Syria Bashar al-Assad rằng Mỹ sẽ không tiếp tục dung thứ việc Syria sử dụng vũ khí hóa học. 

Tuy nhiên, phía sau cuộc không kích này còn ẩn chứa mục đích sâu xa hơn: Đó là đòn thị uy đối với các quốc gia khác, đồng thời cũng là lời cảnh báo rằng kỷ nguyên của ông Obama và nước Mỹ yếu đuối đã chấm dứt.

Tóm lại, ông Trump cho cả thế giới biết rằng: Chính sách của Mỹ đã thay đổi dưới sự lãnh đạo của người chủ mới, và kẻ thù của nước Mỹ hãy liệu mà tính toán lại kế sách!

Giờ đây, sau một năm, một vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học nữa lại xảy ra ở Syria. Mỹ đã lên tiếng cáo buộc Syria và Nga gây ra vụ việc, nhưng chính quyền hai ông Putin và Assad đều bác bỏ cáo buộc ấy.

Chính quyền ông Trump đã thề sẽ đáp trả vụ tấn công này. Ông Trump liên tục đưa ra những lời đe dọa đối với Syria và Nga, và khí tài quân sự của các nước cũng đã sẵn sàng trực chiến sau tuyên bố của ông hôm 9/4.

Tuy nhiên, cho đến hôm nay (13/4), đã 2 ngày trôi qua so với hạn chót của ông Trump, Mỹ dường như vẫn "án binh bất động".

Không chỉ Syria hay Nga, Mỹ còn muốn 'răn đe' Triều Tiên

Tất nhiên, Syria sẽ không phải là quốc gia duy nhất bị đòn đáp trả của Mỹ ảnh hưởng, nếu như Mỹ định tấn công thật. Trong bối cảnh hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều sắp diễn ra, ông Trump hiểu rõ rằng không chỉ Damacus, Tehran, hay Moskva, mà cả Bình Nhưỡng cũng đang theo dõi sát sao nhất cử nhất động của Mỹ.

Vì vậy, rất có thể ông Trump sẽ dùng đòn tấn công Syria làm "một mũi tên trúng hai đích", vừa để trừng phạt Tổng thống Assad, vừa để thị uy lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Gần đây, bán đảo Triều Tiên đã có nhiều biến chuyển rất tích cực, và ông Kim cũng có vẻ thiện chí hơn nhiều so với lúc trước. Tuy nhiên, mối lo ngại về khủng hoảng hạt nhân vẫn còn đó, và Mỹ có thể nhân cơ hội này để khiến Triều Tiên e sợ, nếu Bình Nhưỡng vẫn còn ý định phát triển các loại vũ khí hạt nhân.

Theo ông Jack Keane, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ, cuộc không kích Syria hồi tháng Tư năm ngoái là chưa đủ đối với chính quyền ông Assad. Theo ông này, kể cả khi Mỹ gia tăng đòn tấn công thì điều đó vẫn chưa đủ. "Điều Mỹ cần làm hiện nay là phá hủy triệt để toàn bộ khí tài và cơ sở quân sự của Syria".

Nói cách khác, theo ông này, một "cú đấm vỡ mũi" - kể cả mạnh hơn - cũng không đủ đối với Syria. 

Mỹ cần một chiến dịch toàn diện để phá hủy toàn bộ kho vũ khí hủy diệt hàng loạt của Syria, trong đó bao gồm các kho vũ khí hóa học. Nếu chiến dịch này được thực hiện, thì nó sẽ trở thành đòn răn đe nhãn tiền đối với ý định phát triển và thử nghiệm vũ khí hạt nhân của ông Kim.

Mỹ muốn chứng minh rằng mình không "nói khoác"

Bằng cách hành động quyết liệt tại Syria, ông Trump còn chứng minh được với Trung Quốc rằng những lời đe dọa tấn công Triều Tiên của Mỹ không phải là "nói khoác".

Năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tham dự hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Mar-a-Lago khi ông Trump quyết định không kích Syria, và sau đó Bắc Kinh cũng thực hiện cam kết gia tăng áp lực kinh tế với Bình Nhưỡng.

Việc ông Trump thực hiện chiến dịch giải trừ vũ khí của Syria trên quy mô lớn sẽ là lời cảnh tỉnh đối với Trung Quốc, rằng Mỹ sẵn sàng hành động tương tự đối với Triều Tiên. Như vậy, điều này cũng có thể tạo ra động lực để Trung Quốc gia tăng áp lực và thúc đẩy quá trình phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên.

Ngoài ra, ông Trump cần ngừng phát ngôn về việc rút quân khỏi Syria. Việc Mỹ rút quân khỏi khu vực này không chỉ giúp chính quyền Assad tự do, mà rất có thể Triều Tiên sẽ cho rằng hành động quân sự của Mỹ không đủ kiên quyết.

Như vậy, hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều thành hay bại, còn phụ thuộc vào việc ông Trump có thể chứng tỏ mình nghiêm túc khi đưa ra các quyết định quân sự hay không. Mỹ cần nhớ rằng Triều Tiên đang dõi theo từng cử chỉ của họ.

Lực lượng tác chiến của Hải quân Mỹ đang được triển khai sát bờ biển Syria

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại