Chiến dịch ngăn chặn robot "sát thủ" sẽ được Liên Hiệp Quốc đưa ra vào ngày mai!

Hoa Hướng Dương |

Không còn là một viễn cảnh trong phim, giờ đây robot "sát thủ" đang trở thành mối đe dọa tới tương lai của con người.

Tháng tư năm 2018 đánh dấu mốc 5 năm kể từ khi Chiến dịch Ngăn chặn Robot Sát thủ được bắt đầu, đây cũng là lần thứ 5 chính phủ nhóm họp tại cuộc họp về Hiệp ước về Một số loại vũ khí thông thường (CCW) của Liên Hiệp Quốc tại Geneva, Thụy Sĩ.

Xem video:

Video tuyên truyền từ Chiến dịch Ngăn chặn Robot Sát thủ. Nguồn: Guardian

Tại đây, những nhà chức trách sẽ cùng thảo luận về hệ thống vũ khí tự quản có khả năng gây chết người hay còn gọi là "robot sát thủ". Chiến dịch này nhóm họp các thành viên tham gia Hội nghị Chuyên gia Chính phủ CCW vào ngày 9/04 sắp tới ở Mỹ.

Chiến dịch ngăn chặn robot sát thủ sẽ được Liên Hiệp Quốc đưa ra vào ngày mai! - Ảnh 2.

Hội nghị là cơ hội để các quốc gia cùng ngồi lại với nhau để tìm ra tiếng nói chung về vấn đề robot "sát thủ". Ảnh: Stopkillerrobots

Với hơn 80 quốc gia tham dự và thảo luận, đây thật sự là một cuộc họp lớn của thế giới để cùng bàn luận về mối nguy hiểm tiềm ẩn mà robot có thể gây ra trong tương lai.

Đôi nét về Hiệp ước về Một số loại vũ khí thông thường (CCW) của Liên Hiệp Quốc

Đây là hiệp ước được phê chuẩn thông qua và có hiệu lực kể từ năm 1980 bởi Liên Hiệp Quốc nhằm cấm hoặc hạn chế việc sử dụng bừa bãi một số loại vũ khí có thể bị xem là có thể gây thương tổn quá đáng với con người.

Với tổng số 125 quốc gia đã ký hiệp ước này, trong đó bao gồm cả nhiều tổ chức như Hội Chữ thập Đỏ - Red Cross (ICRC) và tổ chức phi chính phủ Campaign to Stop Killer Robots (Chiến dịch Ngăn chặn Robot Sát thủ).

Năm nay, cuộc họp về Hiệp ước về Một số loại vũ khí thông thường (CCW) sẽ có hai cuộc họp từ ngày 9 đến 13 tháng 4 và từ ngày 27 đến 31 tháng 8.

Những ai sẽ tham gia vào Chiến dịch Ngăn chặn Robot Sát thủ?

Năm nay, sẽ có 35 người tham gia từ các tổ chức phi chính phủ (NGO) thuộc các quốc gia như: Cameroon, Canada, Colombia, Ai Cập, Đức, Nhật Bản, Hà Lan, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Anh, Mỹ và Zimbabwe và nhà phát ngôn chính là nhà khoa học máy tính Noel Sharkey.

Tại sao cuộc họp lại liên quan tới vấn đề robot sát thủ?

Đầu tiên chúng ta cần hiểu về khái niệm robot "sát thủ" (killer robot): Đó là một hệ thống vũ khí được nhận dạng, lựa chọn để tiêu diệt mục tiêu mà không cần tới bàn tay điều khiển của con người.

Nhiều người sẽ hình dung các robot sát thủ sẽ có hình dạng như con người giống hình tượng trong các bộ phim viễn tưởng nhưng thực tế chúng lại rất đa dạng, thậm chí một máy bay không người lái (drone) có thể thả bom cũng được xem là một robot "sát thủ trên không".

Chiến dịch ngăn chặn robot sát thủ sẽ được Liên Hiệp Quốc đưa ra vào ngày mai! - Ảnh 3.

Robot sát thủ không còn là chuyện trong phim khoa học viễn tưởng. Ảnh: Ars Technica

Nhiều quốc gia bao gồm Mỹ, Israel, Hàn Quốc, Nga và Anh là những nước phát triển công nghệ quân sự cao như Trí thông minh Nhân tạo AI, trong đó có nhiều vũ khí thậm chí tấn công mục tiêu mà không cần sự điều khiển của con người.

Cơ quan Các dự án nghiên cứu quốc phòng hiện đại (DARPA) của Mỹ cũng phát triển chương trình hệ thống vũ khí sát thương tự động (LAWS) mà các robot được chế tạo có thể theo dõi, lựa chọn và tiêu diệt mục tiêu mà không cần nhận mệnh lệnh từ con người.

Tại sao cần có bàn tay can thiệp của con người?

Có thể thấy, dù có tinh vi đến mức nào, chúng cũng là những cỗ máy giết người chết chóc, máu lạnh chỉ hoạt động dựa vào lập trình cho trước, chúng không thể phân biệt đâu là mục tiêu cần tiêu diệt hay đâu là dân thường vô tội.

Nếu xu hướng tự động hóa này còn phát triển, con người sẽ đối mặt với nhiều mối nguy hiểm đáng lo âu từ chính những gì mà mình tạo ta, vi phạm nghiêm trọng luật Nhân đạo Quốc tế (international humanitarian law (IHL)).

Chiến dịch ngăn chặn robot sát thủ sẽ được Liên Hiệp Quốc đưa ra vào ngày mai! - Ảnh 4.

Nhiều chuyên gia hàng đầu về AI đều nhận thức mối nguy hiểm từ robot "sát thủ". Ảnh: Infowars

Giáo sư Christof Heyns về Luật Nhân quyền Quốc tế (Human Rights Law) thuộc Ủy ban Nhân quyền LHQ cảnh báo về những viễn cảnh đáng sợ như việc robot giết người vô tội, phạm tội ác chiến tranh, vi phạm nhân quyền và không tòa án nào có thể xét xử chúng.

Nhóm các chuyên gia đã thống nhất rằng nếu như vũ khí này được phát triển thành công sẽ thúc đẩy những sự xung đột vũ trang trên phạm vi, quy mô lớn, tốc độ vượt ra ngoài sự tưởng tượng của con người.

Không những thế những vũ khí tự động kiểu "robot sát thủ" sẽ trở thành tay sai đắc lực cho khủng bố, kẻ độc tài hay nếu chúng bị hack hay bị chập mạch, hư hỏng, thì hậu quả sẽ vô cùng khôn lường.

Rất nhiều những nhà khoa học hay chuyên gia hàng đầu đều nhận thức sâu sắc về mối nguy hiểm tiềm tàng từ vũ khí dựa trên AI.

Chiến dịch ngăn chặn robot sát thủ sẽ được Liên Hiệp Quốc đưa ra vào ngày mai! - Ảnh 5.

Chiến dịch Ngăn chặn Robot Sát thủ. Ảnh: BBC

Đó là lý do mà những người đứng đầu nhiều tổ chức, công ty công nghệ AI và robot như Elon Musk và Mustafa Suleyman, của đơn vị phát triển trí thông minh nhân tạo Google DeepMind hay nhà vật lý Stephen Hawking đã lên tiếng cảnh báo nhân loại.

Họ đã cùng nhà sáng lập của 116 công ty phát triển AI và robot tới từ 26 quốc gia ký vào đơn đề nghị trước thềm Hội nghị của liên minh quốc tế về trí thông minh nhân tạo năm 2017.

Trước đó, vấn đề này đã được 123 quốc gia đưa ra bàn luận hồi năm 2015 nhưng bị hoãn lại vì chưa tìm được tiếng nói chung dù đa số các bên tham gia cuộc họp Liên Hiệp Quốc vào về Hệ thống Vũ khí Giết người Tự hành (LAWS) đều phản đối việc sản xuất "robot sát thủ".

Tại hội nghị này, rất nhiều nhà hoạt động mong muốn một lệnh cấm từ Liên Hiệp Quốc và có tác động nhanh chóng, mạnh mẽ đến công cuộc phát triển công nghệ nhằm giúp ngăn chặn sự phát triển của các robot sát thủ gây nguy hại cho con người.

Bài viết được dịch từ các nguồn: Theguardian, Stopkillerrobot, Dailymail

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại