Thí sinh thích thú với câu hỏi Toán học trong đề thi học sinh giỏi Ngữ Văn

Yến Nguyễn (Tổng hợp) |

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ Văn ở TP. HCM năm học 2017 - 2018 có một câu hỏi liên quan đến Toán học, dù nội dung đề thi không mới, nhưng cách đặt vấn đề rất gợi mở, mới lạ với học sinh. Với câu hỏi gợi mở này, các em sẽ có cơ hội bày tỏ quan điểm cá nhân nhiều hơn.

Trong kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 THCS cấp thành phố năm học 2017-2018 tại TP. HCM, trong câu 1 của đề thi môn Ngữ văn xuất hiện câu hỏi Toán học vô cùng thú vị, khơi gợi tư duy người làm bài.

Không chỉ có các thí sinh mà các giáo viên cũng khá bất ngờ với câu hỏi Toán học này.

Cụ thể, trong câu 1 (8 điểm), đề thi nêu ra một bài Toán với quy tắc đánh số thứ tự của bãi đậu xe. Tuy nhiên, đây là bài toán mẹo, do đó, các bạn thí sinh phải lật ngược tờ giấy lại thì mới thấy rõ câu trả lời.

Dẫn dắt vấn đề từ 1 bài toán, đề thi đã khéo léo đặt vấn đề: “Cũng như vậy, trong cuộc sống, đôi khi chỉ cần thay đổi góc nhìn, ta sẽ khám phá ra bao điều thú vị. Em có đồng ý như vậy không? Hãy viết bài văn trình bày suy nghĩ của em”.

Thí sinh thích thú với câu hỏi Toán học trong đề thi học sinh giỏi Ngữ Văn - Ảnh 1.

Đề thi Ngữ văn có câu hỏi Toán học khá thú vị và khơi gợi tư duy cho học sinh.

Nhiều học sinh tỏ ra thích thú với câu hỏi này vì đây là một vấn đề rất phổ biến trong xã hội hiện nay khi mà con người không bao giờ chịu đặt bản thân vào vị trí của người khác để thấu hiểu.

Nhiều người dễ dàng chỉ trích, phê phán ai đó, dù chỉ lắng nghe tiếp nhận một chiều.

Trao đổi với Zing.vn Cô Nguyễn Ái Trà My, tổ trưởng tổ Văn, trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM), cô khá bất ngờ với cách ra đề thi năm nay.

“Lúc đầu, nhìn vào đề với hình ảnh, con số và câu đố, tôi thật sự hơi hoảng, không biết dụng ý của đề là gì. Nhưng lật ngược hình ảnh lại, đúng là vấn đề khác hẳn”, cô My chia sẻ.

Cũng theo cô My, đề thi này không có “đất” cho những em chỉ học theo kiến thức trong sách vở hoặc những bài văn mẫu.

Đồng thời, cách hỏi “em có đồng tình hay không?” cũng khơi gợi được tư duy phản biện của học sinh. Với câu 1, các em sẽ có cơ hội bày tỏ quan điểm cá nhân nhiều hơn.

Nhận xét về câu 2 - câu nghị luận văn học - cô Trà My cho rằng đề bài sẽ có nhiều “đất diễn” cho học sinh giỏi.

Bởi vì câu 2 đòi hỏi học sinh có kiến thức lý luận văn học cơ bản, có cảm thụ tốt về tác phẩm văn học. Phần lý luận văn học không quá khó, phần cảm thụ tác phẩm cũng không gò bó, bắt buộc học sinh phân tích tác phẩm nào mà để các em tự chọn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại