Ước mơ của Chủ tịch cà phê Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ

Pha Lê |

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ được biết đến không chỉ là người đại diện cho Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên mà còn là một trong những đại diện nổi bật của ngành cà phê Việt Nam.

Khát khao trở thành nhà lãnh đạo cà phê thế giới

Ngày 27/4/2011, cái tên "Cà phê Trung Nguyên" xuất hiện trên tờ báo danh tiếng Financial Times như một trường hợp nghiên cứu điển hình về mô hình doanh nghiệp thành công và được bình chọn là một trong những doanh nghiệp thành công nhất.

Đồng thời, biệt danh "Vua Cà phê Việt Nam" của ông Vũ cũng được xuất hiện một cách chính thức trên tạp chí National Geographic Traveller.

Là doanh nhân có niềm say mê mãnh liệt với cà phê, ông Vũ luôn có khát vọng từ người nông dân trồng cà phê đến người tham gia sản xuất chế biến, phân phối phải được hưởng thành quả lớn, đau đáu trong lòng làm sao để cà phê Việt Nam lên vị trí xứng đáng trên thị trường thế giới.

Ước mơ của Chủ tịch cà phê Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ - Ảnh 1.

Đặc biệt, trong một bài phỏng vấn trên tờ báo nước ngoài, ông Vũ đã không giấu tham vọng muốn trở thành "Nhà lãnh đạo cà phê thế giới". Nhiều người sau khi nghe tham vọng này của ông Vũ cho rằng ông là người cuồng ngôn, cuồng vĩ. Tuy nhiên, với Vũ, đây là một khát vọng lớn lao đến cháy bỏng.

Điều này thể hiện ngay từ thủa sơ khai của Trung Nguyên. Bởi lẽ, khi đặt cái tên Trung Nguyên, ông Vũ đã khéo léo lồng vào đó khát vọng của mình.

Theo ông Vũ, Trung Nguyên có hai nghĩa. Thứ nhất Trung Nguyên là miền trung cao nguyên, cao nguyên trung phần. Thứ hai, ngày xưa khi đọc truyện kiếm hiệp, ông biết trung nguyên là vùng đất trung tâm của Trung Quốc. Ai mà chiếm được trung nguyên sẽ trở thành bá chủ thế giới.

"Tôi muốn là bá chủ thế giới nên đặt tên Trung Nguyên. Chỉ đơn giản vậy thôi. Phải toàn cầu hóa Trung Nguyên, phải đưa Trung Nguyên ra ngoài thế giới", ông khẳng định.

Để thực hiện khát vọng lớn lao này, ông còn dành nhiều thời gian để xây dựng đề án phát triển bền vững cà phê Việt Nam, "thánh địa cà phê toàn cầu", không ngừng học hỏi, đúc kết từ những bí quyết xây dựng thương hiệu cà phê của các nước khác, các hãng cà phê hàng đầu khác trên thế giới để mang về những cách thức chế biến cà phê ngon nhất.

Không chỉ dừng lại ở đó, nhiều năm sau đó, ông Vũ dành đến 95% quỹ thời gian của mình cho việc suy nghĩ, tìm kiếm những mô hình, nguyên lý giúp doanh nghiệp, kinh tế Việt Nam phát triển nhanh hơn.

Biểu tượng của tinh thần khởi nghiệp

Ngoài việc khát khao trở thành nhà lãnh đạo cà phê thế giới, Việt Nam thành thủ phủ cà phê thế giới, một trong những mơ ước khác rất đáng trân trọng của vị doanh nhân này là mong muốn Việt Nam có thể vươn mình lớn mạnh như quốc gia Israel.

Và để thực hiện khát vọng này, bản thân ông Vũ đã có nhiều hoạt động tích cực truyền lửa cho các bạn trẻ, khuyến khích tinh thần khời nghiệp. Bởi theo ông, "thanh niên mạnh thì đất nước mới mạnh".

Ước mơ của Chủ tịch cà phê Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ - Ảnh 2.

Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo nên Đặng Lê Nguyên Vũ phải sớm làm việc giúp gia đình, không có tuổi thơ vui chơi như các bạn cùng chăng lứa.

Hàng ngày, ông phải làm những công việc nặng nhọc của nhà nông như bẻ ngô, chăm lợn rồi đóng gạch giúp gia đình. Chính điều này đã hun đúc trong ý chí của chàng thanh niên trẻ một khát vọng nóng bỏng đó là trở nên giàu có, thoát khỏi cái nghèo mà bản thân ông và gia đình phải trải qua bao năm qua.

Khởi nghiệp với đôi bàn tay trắng, từ chiếc xe đạp cọc cạch đến từng đại lý thu mua cà phê để bắt đầu sự nghiệp, ông Vũ đã biến giấc mơ cà phê Việt Nam thành sự thực. Nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ, thương hiệu cà phê hàng đầu Việt Nam - Trung Nguyên đã ra đời và liên tục phát triển mạnh.

Hình ảnh Đặng Lê Nguyên Vũ từ "zero to hero" đã trở thành một tấm gương cho người trẻ Việt, thể hiện khát vọng và khả năng vươn tới thành công.

"Chồng tôi là một biểu tượng, là niềm tự hào, cũng như là niềm cảm hứng của cả một thế hệ thanh niên khởi nghiệp", bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã khẳng định điều này trong một bài phỏng vấn gần đây.

Nhằm cổ vũ, động viên cũng như truyền động lực cho giới trẻ trên đường khởi nghiệp, kiến quốc, ông chủ hãng cà phê Trung Nguyên đã có nhiều buổi diễn thuyết, thậm chí còn tự biên soạn sách tặng cho giới trẻ.

Trong số đó phải kể đến những cuốn sách nổi bật như "Khuyến học", "Nghĩ giàu làm giàu", "Quốc gia khởi nghiệp", "Không có gì là thất bại, tất cả chỉ là thử thách", "Đắc nhân tâm", "Những cuốn sách đổi đời, bên những tách cà phê đổi đời"...

Những cuốn sách này đều có bản quyền và Trung Nguyên chắc chắn đã tốn không ít chi phí cho việc này.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Trung Nguyên còn Sáng tạo vì thương hiệu Việt, Quỹ khơi nguồn sáng tạo, chương trình 100 triệu cuốn sách, ký tặng sách miễn phí,... nhằm gắn kết cộng đồng.

Với cách làm này, ông Vũ đã thúc đẩy hành động, giúp cộng đồng thay đổi tư duy cải thiện cuộc sống.

"Hơn 10 năm nay tôi luôn đi cùng một con đường với các bạn trẻ, góp công sức nhỏ bé cho việc kiến quốc, khởi nghiệp của họ... Không thể có những doanh nhân lớn mang tầm quốc tế nếu ngay từ trên ghế nhà trường các bạn trẻ thiếu hoài bão và tinh thần chiến binh".

"Ngôn tình" giữa đời thường của bà Lê Hoàng Diệp Thảo dành cho ông Đặng Lê Nguyên Vũ

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại