Trông rùng rợn là thế nhưng ít ai ngờ loại búp bê này được coi là báu vật, thần may mắn của người Nhật Bản

Đạt Lê |

Tinh xảo, rực rỡ, ngộ nghĩnh và rùng rợn - cả bầu trời văn hóa Nhật Bản sẽ thu nhỏ lại trong một con… búp bê! Và tên của nó là Durama.

Búp bê Daruma - thần may mắn có "ngoại hình" ngộ nghĩnh

Búp bê Daruma có dáng hình tròn tròn, không có tay chân, nhìn có vẻ hơi giống con lật đật. Toàn thân của nó được sơn màu đỏ kèm theo một bộ ria mép “vĩ đại”, hai hốc mắt thì… rỗng nên lại hao hao như một “ông chú” vừa nốc xong cả tá rượu sake.

Nhưng chớ “trông mặt mà bắt hình dong”, người Nhật rất kính trọng loại búp bê này. Bởi nó giúp trấn giữ cả ngàn dặm xung quanh nhà cửa và thực hiện điều ước của gia chủ.

Trông rùng rợn là thế nhưng ít ai ngờ loại búp bê này được coi là báu vật, thần may mắn của người Nhật Bản - Ảnh 1.

Như đã nói, búp bê Daruma mua về không được vẽ mắt. Người ta sẽ vẽ một mắt cho nó khi cần nguyện ước điều gì đó. Nếu điều ước đã hoàn thành thì tiếp tục vẽ lên con mắt còn lại. Một vài người còn viết điều ước của họ đâu đó trên thân Daruma để nhắc vị thần búp bê khỏi quên!

Nghe hay ho là thế nhưng trên đây là toàn bộ phần “tươi sáng” của búp bê Daruma. Nếu đọc tiếp, bạn hãy chuẩn bị tinh thần cho một lịch sử tăm tối hơn nhiều.

Hiện thân của thần sống nhưng lại không có tứ chi

Búp bê Daruma được cho lấy hình tượng từ Bồ đề Đạt ma - người sáng lập phái Thiền tông, môn phái chú trọng việc ngồi thiền và quan sát vạn vật xung quanh để được khai sáng.

Truyền thuyết kể rằng trong một lần Bồ đề Đạt ma ngồi thiền suốt 9 năm mà không mảy may di chuyển, cuối cùng tay chân của ông teo nhỏ lại và… rụng xuống. Đó cũng là lí do tại sao búp bê Daruma không có tứ chi.

Trông rùng rợn là thế nhưng ít ai ngờ loại búp bê này được coi là báu vật, thần may mắn của người Nhật Bản - Ảnh 2.

Tranh vẽ chân dung Bồ đề Đạt ma của họa sĩ Taikan Monju (1766-1842)

Ngoài ra còn một sự tích khác như sau. Ngày xưa, khi Huệ Khả đến xin Bồ đề Đạt ma nhận mình làm đồ đệ, Huệ Khả đã phải chặt đứt hai cánh tay để chứng tỏ cho sự quyết tâm của mình.

Điều này được cho là liên quan đến việc mất đi tay chân của búp bê Daruma sau này, thế nhưng sự tích này ít được biết đến hơn.Chưa hết, việc búp bê không có mắt cũng liên quan đến Bồ đề Đạt ma, và cũng có đến 2 truyền thuyết khác nhau để lí giải.

Truyền thuyết thứ nhất kể rằng khi Bồ đề Đạt ma đắc đạo và được khai nhãn, ông đã nhìn thấy vũ trụ thật sự và đôi mắt liền biến thành… hư vô.

Truyền thuyết thứ hai lại chứa đựng nhiều sự khổ hạnh hơn. Theo đó kể rằng đến năm thứ bảy trong tổng số 9 năm tu hành, Đạt ma đã ngủ quên.

Khi tỉnh giấc, vì quá giận bản thân nên ông đã dùng dao tự cắt đứt hai mí mắt! Từ đó, Bồ đề Đạt ma không bao giờ… ngủ quên được nữa.

Còn mí mắt sau khi rơi xuống đất đã mọc lên cây trà đầu tiên, điều này giải thích vì sao uống trà xanh có thể giúp con người tỉnh táo hơn. (Khoa học nói rằng trà xanh chứa hàm lượng caffein nhất định, nhưng theo truyền thuyết thì do nó được “chiết xuất” từ… mí mắt!).

Ngày nay, người Nhật cho rằng việc để khuyết đôi mắt của búp bê sẽ giúp nó nhìn thấy được vũ trụ. Vì vậy nó có thể thực hiện một điều ước của con người. Khi điều ước đã xong, hai mắt của búp bê được vẽ lên thì vũ trụ kia cũng khép lại.

Đỏ là màu sắc của sự buồn thương và cái chết?

Từng có một thời Daruma có rất nhiều màu sắc như tím (tượng trưng cho sức khỏe và sự phát triển bản thân), màu trắng (tình yêu và sự thuần khiết), màu vàng (tiền tài và của cải)...

Thế nhưng đa số búp bê Duruma ngày nay có màu đỏ. Và sắc màu này không phải thể hiện sự rực rỡ mà ngược lại, nó liên quan đến sự buồn thương và cái chết.

Trông rùng rợn là thế nhưng ít ai ngờ loại búp bê này được coi là báu vật, thần may mắn của người Nhật Bản - Ảnh 3.
Trông rùng rợn là thế nhưng ít ai ngờ loại búp bê này được coi là báu vật, thần may mắn của người Nhật Bản - Ảnh 4.

Điều này bắt nguồn từ vào cuối thời Edo (khoảng thế kỷ 16 - 19), khi bệnh sởi và đậu mùa cướp đi sinh mạng của rất nhiều trẻ em Nhật Bản. Người ta tặng búp bê Daruma cho các em với mong ước bình an.

Ngoài ra, do nghĩ rằng Thần Đậu mùa rất ưa thích màu đỏ nên nhiều ngôi đền quét sơn đỏ được dựng nên. Búp bê Daruma cũng khoác lên mình một màu đỏ chủ đạo như để chia bớt “sự chú ý” của thần lên các em nhỏ.

Trông rùng rợn là thế nhưng ít ai ngờ loại búp bê này được coi là báu vật, thần may mắn của người Nhật Bản - Ảnh 5.

Vậy là chúng ta đã có thể thấy bất kỳ chi tiết nhỏ nào trên búp bê Daruma cũng có ý nghĩa riêng.

Tất nhiên những truyền thuyết thì luôn chứa đựng yếu tố kì ảo và dị bản. Nhưng có một điều khẳng định là người Nhật xem búp bê Daruma như báu vật của mình, họ mua để trong gia đình hay tặng cho bạn bè trong các dịp lễ. Văn hóa xứ sở Mặt trời mọc quả là có vô vàn điều thú vị.

Nguồn: Tokyo Weekender

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại