Vì sao càng ngày tôi càng sợ đường cao tốc của Việt Nam?

Hoàng Việt |

Cách đây 2 năm khi mới mua ô tô, tôi đặc biệt thích thú khi trực tiếp được cầm lái để đưa vợ con về quê...

Quãng đường hơn 100km từ Hà Nội về Hải Phòng (quê tôi) hoặc ngược lên Phú Thọ (quê vợ) đều cực kỳ thuận lợi. Nhưng càng lái nhiều, có thêm nhiều kinh nghiệm thì tôi càng sợ những tuyến đường này.

Trên cao tốc, trung bình xe lưu thông với tốc độ 80 đến 100km/h tôi phải luôn tập trung tối đa. Việc chọn làn đường để lưu thông rất quan trọng. Nếu đi làn ngoài cùng nhưng chỉ cho xe chạy 70, 80km/h thì tai nạn cũng rất dễ xảy ra. 

Trên tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có rất nhiều loại xe phóng tốc độ cao, nhiều tài xế dường như muốn kiểm tra khả năng tăng tốc phương tiện của mình nên họ phóng đi bạt mạng.

Có những khi xe tôi lưu thông với vận tốc xấp xỉ 100km/h ở làn giữa nhưng chỉ kịp nghe được tiếng rít động cơ của chiếc xe siêu sang chạy ở làn ngoài cùng vọt qua. Khoảng vài chục giây sau, chiếc xe đã biến mất khỏi tầm mắt.

Tháng 5/2107, một chiếc xe Mercedes tự đâm vào đuôi xe tải lưu thông cùng chiều khiến 3 người tử nạn là một ví dụ rõ nhất để thấy, trên cao tốc có nhiều người thích thử thách giới hạn cao nhất của phương tiện. Họ đã không tính toán hết những rủi ro tiềm ẩn trên tuyến đường tưởng như rất dễ chinh phục này.

Cùng với việc tính toán, điều chỉnh tốc độ, người lái xe trên cao tốc cũng phải luôn tỉnh táo để giữ được khoảng cách an toàn với những xe cùng chiều. Nếu bám quá sát những xe phía trước, chỉ cần xe đó gặp trục trặc hay chuyển làn bất ngờ không có tín hiệu, ngay lập tức bạn sẽ phải đối mặt với thảm hoạ. 

Việc chuyển làn trên cao tốc về lý thuyết luôn phải có signal báo trước nhưng có không ít lái xe vẫn giữ thói quen ở đường làng. Họ thích là chuyển, thích là vọt lên tạt đầu. Nhìn chung những chuyển biến về ý thức, nhận thức của một bộ phận những người lái xe là rất chậm.

Nhiều người cũng nhầm tưởng, trên cao tốc nếu không thể đi nhanh thì chuyển vào làn trong cùng chạy với tốc độ 60, 70km/h sẽ an toàn. Nhưng thực ra ở làn đường này lại tiềm ẩn khá nhiều rủi ro. 

Trên tuyến đường Hà Nội, Hải Phòng hiện nay đã có trạm dừng nghỉ nhưng nhiều lái xe không dừng ở đó. Họ vào làn khẩn cấp để đi vệ sinh hoặc đứng nghỉ ngơi, hút thuốc. Thậm chí dừng lại chỉ để ngắm cảnh, chụp ảnh cho đỡ buồn ngủ. 

 Việc dừng đỗ trên cao tốc là hành vi bị cấm, trừ trường hợp bất khả kháng như phương tiện hư hỏng, hoặc lái xe gặp vấn đề về sức khoẻ. Mặc dù cấm có những tài xế vẫn phớt lờ.

Bên cạnh mối nguy từ những chiếc xe tạt ngang vào làn đường khẩn cấp dừng đỗ trái phép, ở làn trong cùng, bạn cũng sẽ phải dè chừng những chiếc xe chạy ngược chiều hoặc đi lùi do nhầm đường. 

Ở cao tốc Hà Nội - Hải Phòng thì việc đây không phải chuyện hiếm gặp.

Mới đây, một phụ nữ lái chiếc xe 4 chỗ đã phóng ngược ở làn đường ngoài cùng, làn đường cho phép lưu thông 120km/h. 

Nhiều người đã ví hành vi này giống tự sát bởi nếu tai nạn xảy ra sẽ cực kỳ thảm khốc. Hai chiếc xe va chạm ở tốc độ cực cao sẽ giống như hai viên đạn bắn vào nhau. Khi đó sẽ không có bất cứ phép màu nào xảy ra.

Vì sao càng ngày tôi càng sợ đường cao tốc của Việt Nam? - Ảnh 3.

 Ở cao tốc Nội Bài - Lào Cai cũng có rất nhiều những mối nguy hiểm rình rập. Sau nhiều năm đi vào khai thác, mặt đường đã xuống cấp, nhiều đoạn tuyến lồi lõm khiến việc điều khiển xe gặp khó khăn. 

Không chỉ có vậy, tuyến này có vô số những điểm đón, bắt xe của người dân tự ý mở ra. Xe khách thường đột ngột tạt đầu các phương tiện khác để tranh đón khách. 

Nếu lưu thông tại đây, tốt nhất hãy luôn quan sát cả phía trước và sau phương tiện của mình để phán đoán và xử lý những trường hợp bất ngờ như vậy. Ở một số đoạn vào buổi chiều tối vẫn hay có người leo lên cao tốc để đi bộ, tập thể dục.

Mặc dù có nhiều yếu tố mất an toàn tồn tại trên các tuyến cao tốc của Việt Nam nhưng hiện việc tuyên truyền dường như không được quan tâm đúng mức. Các doanh nghiệp quản lý, vận hành thường chỉ quan tâm đến doanh số hàng tháng. Lực lượng chức năng làm việc trên tuyến cũng khá mỏng và họ thường chú trọng đến việc xử phạt nhiều hơn.

Một điều đáng chú ý khác, đó là hầu hết các học viên học lái xe đều không hề được hướng dẫn kỹ năng điều khiển phương tiện trên cao tốc. Kiến thức của không ít người lái xe mới đối với loại đường đặc thù này là cực hạn chế. 

Vì vậy mới có cảnh những chiếc xe chạy ù ì với tốc độ 60km/h ở làn đường dành cho xe chạy 120km/h hoặc chạy ngược chiều chỉ vì muốn tiết kiệm thời gian và tiền bạc.

Sau những vụ tai nạn trên cao tốc, nhiều cơ quan chức năng cũng thường vào cuộc rất nhanh để tìm ra nguyên nhân xem lỗi thuộc về ai. Tuy nhiên, theo tôi điều quan trọng nhất là việc tuyên truyền để thay đổi nhận thức, thay đổi hành vi thì chưa được thực hiện chuyên nghiệp, bài bản. 

Đường cao tốc của mỗi quốc gia là biểu tượng cho sự văn minh, giàu đẹp. Chỉ tiếc rằng, nhiều lái xe khi lưu thông ở các tuyến đường hiện đại này vẫn giữ thói quen như đi ở đường làng. 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại