Từng bị xóa bỏ và chỉ có tính tượng trưng: Những thăng trầm của chức danh Chủ tịch nước TQ

Thủy Thu |

Theo Hiến pháp Trung Quốc, Chủ tịch Trung Quốc là nguyên thủ mang tính tượng trưng.

*Nội dung dưới đây được lược lịch từ bài viết Tồn tại và xóa bỏ: Chế độ Chủ tịch nước nước Trung Quốc mới thay đổi như thế nào? do Nhân dân nhật báo đăng tải.

Ở Trung Quốc hiện nay, Chủ tịch nước chính là đại diện cho quốc gia, thực hiện chức năng nguyên thủ quốc gia. Tuy nhiên, trong lịch sử Trung Quốc, diễn biến liên quan đến chức vụ này lại khá phức tạp, vai trò và chức năng thay đổi nhiều lần trong hơn 60 năm kể từ sau khi nước Trung Quốc mới được thành lập.

Những lần thay đổi của chức danh Chủ tịch Trung Quốc

Năm 1949, khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được thành lập, hệ thống tổ chức quốc gia chưa có chế độ Chủ tịch nước, thay vào đó là Chủ tịch chính phủ nhân dân trung ương. Tuy nhiên, do Chủ tịch chính phủ nhân dân trung ương không phải là tổ chức nhà nước độc lập mà chỉ do các thành viên của Ủy ban chính phủ nhân dân trung ương hợp thành.

Vì thế, trên thực tế giai đoạn từ khi nước Trung Quốc mới thành lập tới tháng 9/1954, Ủy ban chính phủ nhân dân trung ương thực hiện chức năng Chủ tịch nước.

Năm 1954, khi soạn thảo bộ Hiến pháp đầu tiên, trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc quyết định thay đổi tổ chức nhà nước, thiết lập chế độ Chủ tịch nước.

Về vấn đề này, Mao Trạch Đông cho rằng, "Trung Quốc là một nước lớn, cần phải thiết lập nên một Chủ tịch nước, mục đích để tăng cường an ninh quốc gia". Đương nhiên, sau khi chức danh Chủ tịch nước được thành lập, Mao Trạch Đông trở thành Chủ tịch nước đầu tiên của Trung Quốc.

Từng bị xóa bỏ và chỉ có tính tượng trưng: Những thăng trầm của chức danh Chủ tịch nước TQ - Ảnh 1.

Mao Trạch Đông là Chủ tịch Trung Quốc nhiệm kỳ đầu tiên.

Tuy nhiên, một vài năm sau, do nhiều nguyên nhân như nội chính bận rộn, đối ngoại khó khăn nên Mao quyết định rời khỏi cương vị Chủ tịch nước. Vì thế mãi đến năm 1959, tại Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc khóa II (tức Quốc hội), Lưu Thiếu Kỳ đắc cử Chủ tịch nước nhiệm kỳ II.

Năm 1966, Cách mạng văn hóa Trung Quốc bùng nổ. Không lâu sau sự kiện này, ông Lưu Thiếu Kỳ bị đấu tố. Vì thế chức vụ Chủ tịch nước Trung Quốc bị bỏ trống một thời gian dài và được cho đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới quá trình xử lý hàng loạt sự vụ quốc tế, đồng thời tác động tiêu cực đến hình ảnh quốc tế của nước này.

Để giải quyết vấn đề trên, tháng 3/1970, Mao Trạch Đông đã đề xuất tổ chức họp Quốc hội khóa IV và sửa đổi hiến pháp, kiến nghị xóa bỏ chức vụ Chủ tịch nước. Tuy nhiên, khi đó một bộ phận lớn thành viên ĐCTS bày tỏ mong muốn giữ lại chức vụ này và đề nghị Mao đảm nhiệm. Sau khi cân nhắc, Bộ chính trị Trung Quốc quyết định, không đề cập đến việc bầu Chủ tịch nước.

Mãi đến năm 1975, khi bộ hiến pháp thứ hai được ban hành, quyết định "chính thức hủy bỏ chế độ Chủ tịch nước" và Điều 1 về "Chủ tịch nước CHND Trung Hoa" trong hiến pháp bị xóa bỏ.

Tháng 9/1976, Mao Trạch Đông qua đời. Tháng 10 cùng năm, trung ương ĐCSTQ lật đổ "bè lũ bốn tên", kết thúc cuộc cách mạng văn hóa kéo dài suốt một thập kỷ. Kể từ đó, dưới sự chỉ đạo của Hoa Quốc Phong, bộ hiến pháp thứ 3 - Hiến pháp 1978 được thông qua.

Hiến pháp 1978 được xây dựng và sửa đổi trên nền tảng của Hiến pháp 1975 nhưng bộ hiến pháp này vẫn không đề cập đến việc tái thiết lập Chủ tịch nước.

Sau năm 1978, đời sống chính trị tại Trung Quốc dần bình thường hóa. Ở thời điểm này, cuộc tranh luận về việc thành lập chức danh Chủ tịch nước lần nữa được dấy lên.

Tháng 8/1980, trung ương ĐCSTQ trình đề xuất Kiến nghị về việc sửa đổi hiến pháp và thành lập Ủy ban sửa đổi hiến pháp lên Đoàn chủ tịch hội nghị lần thứ ba Quốc hội khóa V và lấy ý kiến từ các đại biểu, học giả chuyên và các giới trong xã hội về sửa đổi hiến pháp.

Trong đó, đối với vấn đề tái thiết lập chế độ Chủ tịch nước, xuất hiện ba quan điểm khác nhau: Thứ nhất, đồng ý thiết lập Chủ tịch nước; thứ hai, không thiết lập Chủ tịch nước mà Chủ tịch Quốc hội hoặc Thủ tướng Quốc vụ viện sẽ trở thành Chủ tịch và thực hiện chức năng nguyên thủ; thứ ba, kiến nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội đổi thành Đoàn chủ tịch thường vụ, Chủ tịch Quốc hội chính là Chủ tịch đoàn Chủ tịch, thực hiện cơ chế lãnh đạo tập thể.

Trong ba quan điểm trên, quan điểm đầu tiên nhận được sự ủng hộ áp đảo và cũng được Đặng Tiểu Bình ủng hộ.

Tuy nhiên, do nhiều lần Đặng công khai từ chối đảm nhiệm vai trò Chủ tịch nước trong khi nhiều ý kiến bày tỏ Đặng đảm nhiệm nếu không sẽ không tán thành thiết lập chế độ Chủ tịch nước nên từ đó về sau vấn đề này trở thành đề tài vô cùng nhạy cảm.

Một thời gian sau, Đặng Tiểu Bình bất ngờ đề xuất khôi phục chế độ Chủ tịch nước và đề xuất này được ghi vào Hiến pháp 1982.

Hư danh và thực quyền: Địa vị và vai trò của Chủ tịch Trung Quốc

Trong quá trình soạn thảo Hiến pháp năm 1954, thành viên Ủy ban soạn thảo hiến pháp đã tiến hành nhiều cuộc thảo luận về vai trò của Chủ tịch nước.

Tại thời điểm đó, họ đã vạch ra các quyền hạn tương đối hạn chế đối với Chủ tịch nước, chỉ để cho chức danh này có vai trò bằng nửa Chủ tịch đoàn Chủ tịch Xô viết tối cao Liên Xô. "Chủ tịch nước có thể đề xuất ý kiến nhưng ý kiến này không đóng vai trò quyết định, các thành viên khác có thể quan tâm hoặc không quan tâm đến nó".

Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa việc Chủ tịch nước sẽ "ngồi không". Vì thế Chủ tịch nước có thể "đảm nhiệm Chủ tịch Ủy ban quốc phòng" và "triệu tập các cuộc họp cấp nhà nước cao nhất khi cần thiết".

Đối với vấn đề này, Mao Trạch Đông chỉ rõ: "Chủ tịch nước cũng có một số việc để làm, chứ không phải chỉ ngồi không", ý chỉ Chủ tịch nước có một số thực quyền chứ không phải chỉ có hư danh.

Từng bị xóa bỏ và chỉ có tính tượng trưng: Những thăng trầm của chức danh Chủ tịch nước TQ - Ảnh 2.

Ông Tập Cận Bình hiện là Chủ tịch nước thứ 7 của Trung Quốc. Ảnh: AP

Nội dung bản hiến pháp đầu tiên cũng cho thấy, do Chủ tịch nước có quyền "chỉ huy lực lượng vũ trang, giữ cương vị Chủ tịch Ủy ban quốc phòng", đồng thời có thể "tổ chức hội nghị cấp nhà nước cao nhất khi cần thiết và đảm nhiệm Chủ tịch hội nghị cấp nhà nước cao nhất" nên quyền lực của Chủ tịch nước sẽ trở nên thực tế hơn trong rất nhiều trường hợp và trở thành người đứng đầu có quyền lực thực chất trong đời sống chính trị ở Trung Quốc.

Sau khi Cách mạng văn hóa bùng nổ (1966), ông Lưu Thiếu Kỳ bị đấu tố và qua đời vào năm 1969. Kể từ đó cho tới khi Hiến pháp 1982 khôi phục chức danh Chủ tịch nước, hơn một thập kỷ, Trung Quốc không có Chủ tịch nước mà chỉ có Phó Chủ tịch nước hoặc Chủ tịch Quốc hội thực hiện thay chức năng Chủ tịch nước.

Năm 1980 trung ương ĐCSTQ đề xuất sửa đổi hiến pháp lần nữa, những thắc mắc liên quan đến chức danh Chủ tịch nước như thiết lập và hạn chế quyền lực của Chủ tịch nước như thế nào, xây dựng mối quan hệ giữa các lãnh đạo trong đảng và vai trò Chủ tịch nước lại được đặt lên bàn thảo luận.

Lúc này, Đặng Tiểu Bình chỉ ra: "Vẫn cần thiết lập chế độ Chủ tịch nước, có Chủ tịch nước đại diện cho quốc gia vẫn tốt hơn nhưng đối với quyền lực của Chủ tịch nước có thể quy định khiêm tốn một chút, không được quản lý công việc cụ thể, không được can thiệp chính trị cụ thể".

Dưới sự chỉ thị của Đặng Tiểu Bình, Hiến pháp 1982 khôi phục chế độ Chủ tịch nước nhưng bỏ đi vai trò "triệu tập các cuộc họp cấp nhà nước cao nhất" và "chỉ huy lực lượng vũ trang" do Hiến pháp năm 1954 quy định. Điều này khiến việc Chủ tịch nước trở thành nguyên thủ quốc gia hoàn toàn mang tính tượng trưng.

Sau khi Hiến pháp 1982 được ban hành, Quốc hội Trung Quốc tiếp tục tiến hành 4 lần sửa đổi đối với bộ hiến pháp này nhưng không có bất cứ thay đổi nào đối với các điều khoản liên quan đến Chủ tịch nước.

Sau nhiều lần sửa đổi, chế độ Chủ tịch nước của Trung Quốc được xác lập, phạm vi quyền hạn của chức danh này cuối cùng cũng được xác định rõ ràng.

Theo quy định hiến pháp 1982, " căn cứ theo các quyết định của Quốc hội và Ủy viên Ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước CHND Trung Hoa có thể công bố luật pháp, bổ miễn nhiệm Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Ủy viên Quốc vụ viện, Bộ trưởng các bộ, Chủ nhiệm các Ủy ban, Tổng kiểm toán, Trưởng thư ký, tặng thưởng huy chương nhà nước và danh hiệu, phát lệnh đặc sá, phát lệnh giới nghiêm, tuyên bố tình trạng chiến tranh, pháp lệnh tổng động viên".

Ngoài ra, "Chủ tịch nước CHND Trung Hoa là đại diện cho nước CHND Trung Hoa, tiếp nhận đặc phái viên nước ngoài; căn cứ theo quyết định của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước CHND Trung Hoa có thể phái hoặc triệu hồi đại diện toàn quyền ở nước ngoài, phê chuẩn và xóa bỏ điều ước, hiệp định quan trọng được ký kết với các quốc gia khác".

Đồng thời, theo quy định Hiến pháp 1982, Chủ tịch nước CHND Trung Hoa  không giữ hai quyền hạn "Triệu tập hội nghị cấp nhà nước cao nhất" và "Chỉ huy lực lượng vũ trang". Điều này khiến Chủ tịch nước trên thực tế từ nguyên thủ thực quyền thành nguyên thủ hư danh, khiến Chủ tịch nước trở đại diện quốc gia về hình thức, là tượng trưng cho quốc gia.

Tuy nhiên, kể từ năm 1993 cục diện "tam vị nhất thể" gồm Chủ tịch nước - Chủ tịch quân ủy trung ương - Tổng Bí thư đã xuất hiện giúp Chủ tịch Trung Quốc không còn mang nghĩa "nguyên thủ hư danh" vốn có và người đảm nhận vị trí này có thể đồng thời tích hợp quyền lực từ 3 chức danh Chủ tịch nước, Tổng bí thư và Chủ tịch quân ủy để điều phối sử dụng.

Và trong lần sửa đổi hiến pháp mới đây của Trung Quốc, ngoài xóa bỏ nhiệm kỳ thì Hiến pháp 2018 không có thay đổi gì khác đối với vai trò của Chủ tịch nước.

Ông Tập Cận Bình tái đắc cử Chủ tịch Trung Quốc

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại