Cựu du học sinh Việt Nam tại Nga chỉ ra hàng loạt sạn trong phim Tình khúc Bạch Dương

Ngân An |

Từng là người sống và học tập tại Nga, một khán giả đã chỉ ra những điểm chưa hợp lý trong phim Tình khúc Bạch Dương.

Lên sóng cuối tháng 1.2018, Tình khúc Bạch Dương với sự góp mặt của Nhã Phương, Huỳnh Anh, Bình An… được xem là bộ phim tái hiện lại cuộc sống của sinh viên Việt Nam tại Nga những năm cuối thập niên 1980.

Ở nơi đất khách quê người, mối tình lãng mạn của Hùng và Quyên, Quang và Vân đã chiếm trọn cảm tình của khán giả. Tuy nhiên, trong mắt những người từng sống và học tập ở Nga thời kỳ ấy, bộ phim vẫn có nhiều điểm bất cập.

Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin trích nguyên văn những chia sẻ của cựu sinh viên Việt Nam – Nguyễn Minh Phương – sau khi thưởng thức bộ phim của đạo diễn Đỗ Thanh Hải.

Cựu du học sinh Việt Nam tại Nga chỉ ra hàng loạt sạn trong phim Tình khúc Bạch Dương - Ảnh 1.

"Cảm xúc đầu tiên: Thất vọng tràn trề, từ kịch bản đến diễn xuất, âm nhạc và lồng tiếng, đều không thật. Nếu phim này dành cho tất cả những người Việt làm việc trong các nhà máy, dân buôn bán ở Nga thì còn được.

Ở thành phố này, sinh viên học tại Tổng hợp Kuban là đông nhất, còn một số ít học trường Bách khoa và vài anh chị nghiên cứu sinh tại trường Nông nghiệp. Vì thế, nhân vật trong phim và bối cảnh chắc chắn là trường Tổng hợp Kuban, nơi tôi gắn bó 5 năm. Vậy mà tôi không thấy bất cứ một hình bóng nào của ngôi trường thân yêu.

Cảnh đầu tiên tuyết trắng mênh mông, anh chàng sinh viên kéo lê đồ đạc trên tuyết, nhớ người yêu da diết không đặc trưng cho Krasnodar. Thành này nóng lắm. Trong năm năm tôi sống ở đó, chỉ có một năm, 1985, là có tuyết dày, mọi năm tuyết rơi một lúc rồi tan ngay.

Thèm có tuyết thì đi Moskva, hoặc lên Kiev, Lenigrad thì mới thoả thích ngắm tuyết và có cảm xúc mà làm thơ, viết văn. Mọi người hay lạm dụng hình ảnh tuyết để mô tả cảm xúc của người xa xứ. Thực ra, với thế hệ sinh viên đi học, với riêng tôi, tuyết đẹp, gắn với những cảm xúc tinh khiết của tuổi thanh xuân.

Nghĩ đến tuyết, tôi thường vui hơn là buồn. Mỗi khi thấy tuyết ở vùng New England, tôi thường ước: "Giá mang được cả trời xanh. Lung linh tuyết trắng mong manh thuở nào. Giá mang nỗi nhớ cồn cào. Gửi theo cơn gió, tan vào nơi anh".

Cựu du học sinh Việt Nam tại Nga chỉ ra hàng loạt sạn trong phim Tình khúc Bạch Dương - Ảnh 2.

Sinh viên những năm 80 có đi buôn, nhất là ở thành phố nhỏ như Krasnodar, chủ yếu là buôn bán vặt. Học vẫn là chính, buôn bán chỉ để có chút tiền đi chơi chứ không lọc lõi và trốn học liên miên như anh chàng Hùng.

Vì thế không ăn nói kiểu: "Anh chỉ huýt sáo một cái là khối đứa theo", có thái độ dọa nạt kiểu "anh chị" với bạn bè, lục lọi, móc tiền từ trong giày của người bạn, rồi nhìn bạn kiểu khinh miệt, thách thức: "Giấu kĩ thế, còn nữa không, tao mà lục được, mày chết, đưa đây".

Nữ sinh viên như chúng tôi hồi đó, chắc không ai lại có cái kiểu "dại trai" như cô Lan. Khi bị đám con trai đổi con gà, cô đập cửa ầm ầm, la hét, nhưng thấy anh chàng đẹp trai là nhũn như con chi chi, nói năng thì cợt nhả, chồm chồm cầm tay thằng con trai rồi chung tiền buôn bán chỉ vì mê anh ta.

Về âm nhạc, bài hát do tác giả Lê Anh Dũng viết qua giọng ca Tùng Dương không khác nhiều, cả ca từ và giai điệu so với bài hát trong bộ phim "Hai phía chân trời" – mô tả cuộc mưu sinh của người Việt tại Cộng hoà Séc. Cũng vẫn "Ở nơi tuyết trắng, bước chân xa xứ, lạnh buốt cô đơn" – nghe thảm thương quá.

Với những người tha hương đi kiếm ăn thì có thể đúng vì họ chỉ cắm mặt vào kiot, bán hàng, có người sống bất hợp pháp và luôn bất ổn, hiểm nguy rình rập bên mình.

Với tôi, đi khám phá thế giới, học hỏi một nền văn minh tuyệt vời, học để có một nghề chuyên môn và hình thành nhân cách trong một trường đại học ở Nga, được sống trong một tập thể sinh viên toàn là người ưu tú, xuất sắc, được chọn lựa kĩ càng thì đó là những năm tháng không thể nào quên.

Nhờ những năm tháng đó, thế hệ chúng tôi có bước khởi đầu rất tốt và nhiều người thành công trong cuộc đời. Những ca khúc về tuyết để chúng tôi nhớ về thời tươi trẻ đó thường mang âm hưởng nhẹ nhàng, dịu dàng và lạc quan.

Bản nhạc đầu tiên vang lên là "Bài ca thanh niên sôi nổi - Песня о тревожной молодости " - một bài hát do Pakhmutova viết năm 1958, mang âm hưởng và tinh thần của những năm 20, thời kì nội chiến cách mạng Nga. Bài hát này phổ biến ở Việt Nam chắc còn hơn cả ở Nga.

Quen thuộc quá thành nhàm chán. Dường như các nhà làm phim không biết bài nào khác ngoài bài này để nói về thanh niên, sinh viên. Trớ trêu ở chỗ "thời thanh niên sôi nổi" của trí thức Việt lại chỉ là ... đi buôn thôi sao?

Về ngôn ngữ, nhân vật Hùng là sinh viên học dài hạn, lại còn học giỏi mà phát âm cái tên thành phố Krasnodar cũng không đúng, cứ [Kras-NÔ-dar] mà diễn.

Cả cô Vân, sinh viên cùng kí túc, cũng [kras-NÔ-đa] chối cả tai. Còn cô Quyên là sinh viên khoa Nga, sư phạm hay đại học ngoại ngữ thì cũng là học năm thứ hai, thứ ba, gì đó mà cứ [krat – nô - đa].

Lại còn được ông bố bảo phải học tiếng chăm chỉ mà sang Nga học không thì thày giảng không hiểu. Hoá ra dân sang thực tập tiếng Nga trong 9 tháng không biết nói tiếng Nga à? (phát âm đúng – [kras-na-dA'r] – trọng âm ở âm tiết cuối).

Việc lồng tiếng, giọng của Minh Huyền, cô diễn viên xinh đẹp, nhí nhảnh, lồng tiếng cho Linh trong "Tuổi thanh xuân" và vừa đóng vai Trang trong "Ngược chiều nước mắt" – không hề hợp với cô Quyên, nhân vật trong phim này.

Không nhìn cô Quyên thì nghĩ là Minh Huyền, nhìn cô ta, mặt buồn phiền, ủ rũ, chẳng ăn nhập gì với giọng nói vui tươi của Minh Huyền.

Có mỗi hình ảnh trong phần giới thiệu, Svetlana, nhân viên "Dekan ngoại quốc", trước đây chuyên đi làm visa cho chúng tôi và có lần đưa chúng tôi đi tham quan Moskva. Nhiều kỉ niệm với chị này và bản nhạc "Ekhờ – Tiếng vọng" là làm cho tôi còn có chút cảm xúc.

Đồng ý là phim khai thác khía cạnh sinh viên đi buôn. Nhưng chẳng lẽ bỏ ra rất nhiều tiền, đưa cả một đoàn làm phim sang tận Nga để quay mà chỉ đề cập mỗi việc đi buôn?

Chẳng lẽ thế hệ chúng ta được ăn học đàng hoàng và sau này cũng thành công trong nhiều lĩnh vực, khi nhớ lại tuổi thanh xuân lại là hồi ức kiểu "trốn học, đi buôn, bị cô giáo chủ nhiệm đến kiểm tra"?

Gần đây, trong một chuyến bay vòng vèo từ Hà Nội sang Boston, được bay qua bầu trời Krasnodar, tôi bồi hồi "nhìn" thành phố "tuổi thanh xuân" từ độ cao 11 ngàn mét.

Trong tôi tràn ngập cảm xúc về một thành phố xinh xắn, giảng đường, lớp học, sân vận động, thư viện, thầy cô giáo, bạn bè, dòng sông Kuban hiền hoà, tiếng tàu điện leng keng, kí túc xá với sinh viên đủ sắc tộc màu da, những kỉ niệm vui buồn về những ngày học thi, những ngày hè nắng ấm bên bờ hồ và các sự kiện trong trường đại học.

Đó mới là hồi ức về nước Nga. Rất tiếc, phim "Tình khúc bạch dương" với lời đề tặng cho những người học tập ở Nga, lại chẳng có cái hồi ức đó", chị Nguyễn Minh Phương cảm nhận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại