Đầu năm, sếp FPT kể chuyện "bộ sậu" sống ở bãi rác Hà Nội thời lập nghiệp

L.T (ghi) |

Cả tiền đất và tiền xây nhà cho nhóm lãnh đạo cấp cao của tập đoàn FPT trong những năm đầu thành lập chỉ khoảng 600 USD, trên khu vực bãi rác cũ của thành phố.

Đầu năm, trong một chia sẻ xúc động trên trang cá nhân của mình, Phó tổng giám đốc FPT Đỗ Cao Bảo đã kể lại câu chuyện đặc biệt về "quân khu bãi rác" gắn bó với hầu hết lãnh đạo cấp cao của tập đoàn trong suốt 12 năm, từ năm 1989 đến năm 2000.

"Thời mới thành lập, ngoài việc xin đất xây trụ sở, năm 1989 FPT còn xin được mảnh đất ở khu bãi rác sau công viên Thủ Lệ làm nhà cho cán bộ. Mảnh đất gần 3.000 m2, được chia làm 28 căn, mỗi căn diện tích từ 60m2 đến 80m2, người FPT chỉ dùng hết có 17-18 căn, còn lại để ngoại giao.

Cả tiền đất và tiền xây nhà chỉ hết có 600 USD cho mỗi căn, mọi người tự nộp. Anh Bùi Quang Ngọc đi làm Tiến sĩ ở Pháp về đã có nhà ở Khâm Thiên không lấy, Hùng Râu từ đầu đã từ chối, nhưng anh em cứ xây cho, 2 năm sau gọi đến giao nhà vẫn nhất định không nhận, còn cấm cả nhà không ai được nhận, sau em gái Hùng râu phải nhận "chui".

Thời ấy chưa có đường Liễu Giai, Đào Tấn, Nguyễn Chí Thanh, nội thành Hà Nội chỉ đến Núi Trúc. Khu Liễu Giai toàn ruộng rau, cả khu Đào Tấn, Deawoo, Lotte, sứ quán Nhật và sứ quán Úc bây giờ là bãi rác và ruộng rau muống, hồ nước, buổi tối ếch nhái kêu ộp oạp.

Khu đất FPT vốn là bãi rác lớn của Hà Nội, để vào được đến nơi phải đi vòng sau công viên Thủ Lệ và qua bãi rác, nên chúng tôi gọi khu nhà FPT là quân khu bãi rác. Cả FPT khi ấy như một đại gia đình: các ông chồng làm với nhau, các bà vợ và các con chơi với nhau, hội các con được gọi là FPT small.

Thời ấy thường đến 10h-11h tối chúng tôi mới đi làm về đến nhà, không làm việc muộn thì cũng đi tiếp khách hoặc đến nhà khách hàng thăm viếng. Lê Quang Tiến thuộc nhóm thường xuyên về nhà muộn nhất, thế nhưng cứ hôm nào về sớm, hắn mặc quần đùi đỏ, đi dép lê dạo quanh khu, qua nhà ai cũng hỏi đá một câu: "Bảo chưa về à?", "Tưởng về rồi" mặc dù hắn thừa biết là tôi đi đâu, làm gì tối hôm ấy.

Nhiều tối sáng trăng, muốn bàn công việc hoặc tán gẫu chúng tôi thường hẹn nhau lên sân thượng, đi đằng tum, vừa nhanh, vừa đỡ phải mở cổng (một dãy 5 nhà liền kề, sân thượng liền nhau).

Tối 30 tết, sau giao thừa, năm nào cũng như năm nào, anh Bình cùng cả nhà vác chai rượu, sang nhà anh Lê Vũ Kỳ chúc tết, sau đó tất cả tiếp tục sang nhà Lê Quang Tiến, cứ như thế lần lượt đến nhà Nghĩa Đen, Trung Hà, anh Đào Vinh, anh Trản, nhà tôi, Võ Mai, Hùng Kều, Thành Nam, Hùng Râu, Hải Kozic... đoàn cứ đông dần, đông dần, đến tận 3h sáng mới đi hết lượt, rồi giải tán về nhà ngủ.

Cuộc sống đại gia đình FPT ấy duy trì được hơn một con giáp (12 năm). Theo dòng thời cuộc, lần lượt từng nhà, từng nhà chuyển đi, xây nhà mới rộng hơn, đẹp hơn ở khu khác, đến bây giờ còn mỗi Trung Hà, Thành Nam, chị Võ Hạnh Phúc còn sống ở đấy. Gần đây, anh Bình thường nuối tiếc thời quân khu bãi rác xưa.

Hôm qua, chính hội FPT small chủ động tổ chức ăn tân niên cho quân khu bãi rác. Địa điểm bọn chúng chọn là nhà hàng trên tầng 36 toà nhà Lotte cao thứ nhì Việt Nam. Ngồi ăn trên tầng 36 ngắm toàn thành phố, ngắm Hồ Tây, chợt nhớ về bãi rác xưa, nhớ tiếng ếch kêu ộp oạp, nhớ 27 năm trước khi tôi chuyển nhà từ khu Thành Công ra quân khu bãi rác, hàng xóm (bố mẹ của hot girl Chi Pu) hỏi: "Chuyển ra ngoại thành à?".

Thế mới biết Hà Nội thay đổi nhiều. Cạnh bãi rác xưa là toà nhà 68 tầng cao thứ nhì Việt Nam, phía tây Hà Nội đã phát triển đến tận Mỹ Đình, Mễ Trì, Ciputra. Mảnh đất có giá 600 USD xưa, nay giá đã cao hơn 1.600 lần".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại