Phá hủy 'lâu đài ma túy' Tàng Keangnam, luật sư lên tiếng

TUẤN NGUYỄN |

Theo luật sư Quách Thành Lực, ngôi nhà 7 tầng của Tàng “KeangNam” không thuộc trường hợp buộc phải tiêu hủy mà thuộc trường hợp phải bán, sung công quỹ.

UBND tỉnh Sơn La tiến hành đang tiến hành việc phá dỡ, tiêu hủy tòa nhà 7 tầng của trùm ma túy Tráng A Tàng (còn gọi là Tàng "KeangNam"). Dự kiến đến 25/1, công việc này mới hoàn tất.

Theo ông Phạm Đức Chính, Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu, từ lâu nay, tòa nhà 7 tầng bỏ hoang được mệnh danh là "lâu đài ma túy" của Tàng "KeangNam", trở thành địa điểm tụ tập của các thành phần bất hảo, nghiện ngập ở huyện Mộc Châu. Do đó UBND tỉnh Sơn La đã quyết định đập bỏ tòa nhà này để xóa dư âm xấu của xã hội về ma túy tại khu vực.

Cũng theo Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu, chính quyền địa phương đã thuê 1 đơn vị thi công phá dỡ tòa nhà với tổng chi phí 400 triệu đồng. Theo lý giải của ông Chính, sở dĩ mất một số tiền lớn như vậy là do phải thuê nhân lực phá dỡ và chi phí vận chuyển phế liệu đi nơi khác. Sau khi phá dỡ, khu đất này sẽ được chính quyền trồng cây xanh.

"Để lại tòa nhà tiết kiệm được 10 tỷ đồng nhưng lại khiến tệ nạn buôn bán, sử dụng ma túy phát triển. Mỗi năm tỉnh phải chi ra hàng nghìn tỷ đồng để phòng chống ma túy" – ông Chính cho hay.

Tuy nhiên, luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty luật Hà Nội Tinh hoa - người trước đó đã được tiếp cận bản án của Tàng "Keangnam", cho biết bản án Hình sự của Tòa án cấp cao tại Hà Nội đã xác định ngôi nhà này là tài sản do phạm tội mà có nên tuyên tịch thu, sung công quỹ.

"Theo Luật thi hành án dân sự năm 2008, được sửa đổi bổ sung năm 2014, cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh sẽ chủ động ra Quyết định thi hành án theo nội dung ghi nhận trong Bản án do Tòa án đã tuyên. Tài sản sau đó được chuyển giao cho cơ quan tài chính cùng cấp, ở đây được xác định là Sở Tài chính tỉnh Sơn La xử lý", luật sư Lực cho hay.

Cũng theo ông Lực, thông thường những tài sản như dạng này sẽ được định giá, giao tổ chức đấu giá thu lại tiền để nộp lại kho bạc Nhà nước. Trong trường hợp cơ quan Nhà nước quyết định sử dụng, khai thác tài sản thì cần xin ý kiến cấp trên.

"Việc phá hủy khối tài sản này rõ ràng là không theo thông lệ đã diễn ra từ trước đến nay trong việc xử lý tài sản tịch thu, sung công trong các bản án, quyết định của Tòa án", luật sư Quách Thành Lực bình luận.

Cũng theo luật sư Lực, dựa theo quy định tại Nghị định 29/2014/NĐ-CP, ngôi nhà của Tàng Keangnam không thuộc trường hợp buộc phải tiêu hủy mà thuộc trường hợp phải bán.

"Đây có thể là một sự lãng phí quá lớn, đặc biệt diễn ra trên địa bàn một trong những tỉnh nghèo nhất cả nước, người dân còn thiếu thốn nơi ăn, chốn ở an toàn, rộng rãi", ông Lực nhận định.

Theo ông Lực, tỉnh Sơn La có thể dùng những giải pháp khác mà vẫn đạt được ý nghĩa giáo dục như: sử dụng ngôi nhà làm nhà ở tránh mưa bão cho đồng bào; cơ sở cai nghiện, trường học, cơ sở tình thương.

Nếu bán đấu giá ngôi nhà, số tiền sẽ được sử dụng cho công tác tuyên truyền phòng chống tội phạm ma túy, gửi tiền đó cho các cơ sở khám chữa bệnh cho người bị HIV…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại