Đằng sau tin đồn Triều Tiên phát triển mầm bệnh than

Quốc Vinh |

Trong khi Mỹ liên tục cáo buộc Triều Tiên phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt bị cấm bởi Liên Hợp Quốc, hiện chưa có bằng chứng nào cho thấy điều này là sự thật.

Mỹ vừa đưa vào danh sách xử phạt thêm hai quan chức cấp cao của Triều Tiên ngày 26/12, nỗ lực mới nhất trong việc gây sức ép lên chương trình hạt nhân đầy lo ngại của nước này. Nhưng ở Hàn Quốc, tiêu điểm của tuần này đang xoay quanh một loại vũ khí hủy diệt đầy nguy cơ khác: bệnh than.

Trong một tuyên bố cách đây vài ngày, Nhà Xanh đã bác bỏ thông tin cho rằng Tổng thống Moon Jae-in và các quan chức hàng đầu khác đã được tiêm phòng vắc xin phòng chống loại vũ khí sinh học này. Trước đó, một số báo chí trên mạng ở Hàn Quốc đã đưa tin rằng khoảng 500 quan chức thuộc Phủ Tổng thống đã được tiêm phòng.

Mầm bệnh than đang thành chủ đề thảo luận xôn xao trên các phương tiện truyền thông Hàn Quốc, đặc biệt sau những báo cáo nói rằng trong bốn binh sĩ Triều Tiên đào tẩu vào năm 2017, có người được phát hiện có kháng thể đối với bệnh than. Thậm chí có những tin đồn nói rằng Bình Nhưỡng đang nghiên cứu kế hoạch tấn công bằng loại vũ khí sinh học bị cấm này. Dịch vụ tình báo quốc gia Hàn Quốc nói với CNN ràng họ không thể xác nhận tính xác thực của thông tin trên.

Phát ngôn viên của Tổng thống Hàn Quốc, Park Soo-hyun cho biết Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Hàn Quốc đã mua 1.000 liều vắc xin bệnh than, được trao các đơn vị chống khủng bố sinh hóa hoặc thường dân trong trường hợp tiếp xúc với bệnh than và không nhắc gì đến những tin đồn liên quan đến Triều Tiên. Lô vắc xin đã được chuyển giao đến vào tháng 11 vừa qua.

Ông Park nói động thái này được thực hiện từ lệnh của Chính phủ cựu Tổng thống Park Geun-hye sau một sự cố trong năm 2015. Đại diện Phủ Tổng thống cho biết Chính phủ đã mua vắc xin bệnh than có thể tiêm cho khoảng 120 người và đang bảo quản số vắc xin này tại một bệnh viện quân đội sau vụ việc Mỹ gửi nhầm vi khuẩn bệnh than tới Hàn Quốc.

Vào năm 2015, một viện nghiên cứu của quân đội Mỹ đã gửi nhầm mẫu vi khuẩn bệnh than, một loại vi khuẩn có thể sử dụng được cho khủng bố sinh học, tới căn cứ quân đồn trú Mỹ tại thành phố Osan, tỉnh Gyeonggi. Các mẫu này đã được đem đi tiêu hủy và khu vực chứa đã được khử trùng.

Theo Phủ Tổng thống, vắc xin này sẽ được sử dụng riêng cho điều trị do chưa được thí nghiệm lâm sàng trong nước. Hàn Quốc không có kế hoạch tiêm phòng cho công chúng nói chung.

Trong nội dung Chiến lược an ninh quốc gia do chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra hồi đầu tháng này, Washington đã cáo buộc Triều Tiên "dành hàng trăm triệu đô la vào nghiên cứu hạt nhân và vũ khí sinh hóa" bao gồm cả các thức gắn loại vũ khí này lên tên lửa.

Trong một tuyên bố đáp trả, Bộ Ngoại giao của Triều Tiên cho biết cáo buộc của Mỹ là "vô căn cứ" và cố gắng suy diễn "điều không có thật". Là một nước ký kết Công ước Vũ khí sinh học (BWC), Triều Tiên "duy trì lập trường nhất quán của mình trong việc chống lại sự phát triển, sản xuất, tàng trữ và sở hữu vũ khí sinh học", tuyên bố của Bình Nhưỡng nhấn mạnh.

Thậm chí phía Triều Tiên còn chỉ trích ngược lại việc Mỹ tuyên bố Iraq sở hữu tác nhân sinh học và vũ khí hủy diệt hàng loạt để làm cái cớ xâm lược nước này vào năm 2003. Sau đó chính cáo buộc này đã được phía Washington thừa nhận là sai lầm.

Theo một báo cáo được công bố vào tháng 10 bởi các nhà nghiên cứu tại Đại học Harvard, "đánh giá một cách chính xác mối đe dọa từ chương trình vũ khí sinh học của Triều Tiên là một điều không dễ dàng". Dù quốc gia Đông Bắc Á này có nghiên cứu loại vũ khí đó hay không, rất khó để kiểm chứng khi việc nhìn sâu vào quốc gia này chưa bao giờ thành công.

Trước đó vào năm 2015, khi nhìn vào hình ảnh nhà lãnh đạo Kim Jong-un đến thăm cơ sở sản xuất thuốc trừ sâu, nhiều nhà phân tích phương Tây đã cáo buộc rằng đây là chính là cơ sở sản xuất vũ khí sinh học của nước này, trong đó có nghiên cứu về mầm bệnh than.

Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Mỹ coi bệnh than là mối đe doạ lớn nhất có thể gây ra tác động tiêu cực đối với sức khỏe cộng đồng do khả năng lây lan cao trên diện rộng. Mầm bệnh này cũng được coi là vũ khí hủy diệt sinh hóa xếp vào hạng nguy hiểm.

Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có bằng chứng nào cho thấy những cáo buộc về việc Triều Tiên phát triển vũ khí hủy diệt sinh hóa là sự thật. Tờ CNN cho rằng, những đồn đoán về việc Bình Nhưỡng phát triển mầm bệnh than để trở thành vũ khí đe dọa kẻ thù trên thực tế chỉ là sự tưởng tượng đến từ nỗi sợ hãi của người Hàn Quốc.

Bất kỳ cuộc xung đột nào xảy ra trên bán đảo Triều Tiên, dù được châm ngòi bởi Bình Nhưỡng, Seoul hoặc Washington, đều có khả năng sẽ gây ra sự tàn phá nặng nề cho người dân Hàn Quốc, khi pháo binh, tên lửa và các loại vũ khí khác chĩa thẳng về nước này.

Nỗi sợ hãi này đã kéo theo một loạt những lo lắng về viễn cảnh họ phải chịu đựng những cuộc tấn công tàn khốc tệ nhất, bao gồm cả vũ khí hạt nhân hủy diệt, vũ khí sinh học, cho dù điều này gần như rất khó xảy ra.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại