Cải cách tiền lương, giảm 10% biên chế khu vực công vào năm 2021

CAO NGUYÊN |

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công - cho rằng, Việt Nam cần tiến hành ngay cải cách tiền lương để đảm bảo mục tiêu giảm 10% biên chế khu vực công vào năm 2021.

Cân bằng trả lương khu vực công - tư

Ngày 13.12, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tổ chức Hội thảo cải cách chính sách tiền lương - kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam.

Tại đây, nhiều lãnh đạo bộ ngành, các chuyên gia kinh tế đã tham gia bổ sung ý kiến, đưa ra các tham luận liên quan đến vấn đề này. Đặc biệt, tại hội nghị có sự tham gia của các chuyên gia kinh tế nước ngoài.

Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam Changhee Lee cho rằng hiện tượng quan hệ lương gây bối rối trong khu vực công của Việt Nam là mối quan hệ giữa cấp bậc, vị trí việc làm và tiền lương, cấp bậc cao hơn nhưng ở vị trí thấp hơn, cấp bậc/vị trí cao hơn nhưng tiền lương thấp hơn…

Không sắp xếp hợp lý quan hệ cấp bậc/vị trí việc làm/tiền lương sẽ có thể gây hại đến mối quan hệ làm việc hiệu quả trong một đơn vị nhất định, với thẩm quyền thiếu rõ ràng, làm hỏng hoạt động hiệu quả của công chức.

Đồng tình với quan điểm trên, ThS Đặng Quang Hợp (Viện Công nhân và Công đoàn) cho rằng, nên giao vấn đề tiền lương cho một bộ phận độc lập nghiên cứu.

“Chính phủ nên can thiệp ở mức độ nào đó, có thể hỗ trợ đàm phán do năng lực đàm phán của công đoàn cơ sở chưa tốt. Bên cạnh đó hỗ trợ đàm phán tiền lương, tiến hành cải cách tiền lương trong khu vực công.

Đặc biệt, xác định lộ trình lương tối thiểu để lương tối thiểu trong khu vực doanh nghiệp tiếp cận mức sống tiếu thiểu của người lao động” - ông Hợp nói.

Phải giảm bộ máy công chức quá cồng kềnh

Trao đổi với PV bên lề hội thảo, bà Phạm Chi Lan (chuyên gia kinh tế) cho rằng, hiện nay cải cách chính sách tiền lương là vấn đề ngày càng cấp thiết. Chủ trương dứt khoát và quyết tâm cao về cải cách thể chế, thể hiện rất rõ qua nhiều nghị quyết được ban hành từ Đại hội XII đến nay.

Đây cũng là sự mong đợi và ủng hộ cao của các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp cũng như những người đóng thuế.

Theo bà Lan, không có thuế nào chịu nổi bộ máy công chức quá cồng kềnh như ở Việt Nam. Đó là thực tế, nên mong đợi này của người dân là rất lớn. Chúng ta có những vấn đề trong hệ thống làm cho bộ máy chưa phát huy được.

Những vấn đề về ngân sách, chi thường xuyên và bất cập của hệ thống tiền lương hiện hành tạo động lực và tạo áp lực rất lớn khiến không thể trì hoãn việc cải cách chính sách tiền lương, bà Lan nói.

TS Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH - cho rằng, trước hết Nhà nước phải cung cấp thông tin thị trường. Thứ hai hỗ trợ xây dựng nghiệp vụ.

Thứ ba, áp lực lương tối thiểu và BHXH đang đè lên DN nên cần có cơ quan nghiên cứu tác động chính sách để điều chỉnh cho hài hoà.

“Nhiều DN đang mắc lương thâm niên, có doanh nghiệp có đến 30 bậc thâm niên, 5% mỗi bậc khiến chi phí lao động của doanh nghiệp là rất lớn. Điều đó dẫn đến đảo lao động, tức lao động phải nghỉ sau đó ký lại hợp đồng lao động.

Miếng bánh này nếu động chạm thì nhà đầu tư sẽ cảm thấy Việt Nam kém hấp dẫn hơn” - ông Huân nói.

Phó Thủ tướng cho rằng, cải cách chính sách tiền lương là một quá trình tiếp tục, bởi chúng ta đã trải qua nhiều lần cải cách với nhiều nỗ lực.

“Nhu cầu cải cách đã đến lúc chín muồi, đây vừa là áp lực, vừa là động lực, Trung ương đã thông qua Nghị quyết 18 và 19 với nhiều quyết sách mạnh mẽ như giảm 10% biên chế các đơn vị.

Đến năm 2021 cơ bản đạt được mục tiêu này” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh. Đồng thời, Phó Thủ tướng khẳng định, cải cách chính sách tiền lương phải gắn với cải cách bộ máy.

“Bản thân cải cách tiền lương gắn với cải cách hành chính, các cơ quan trong hệ thống chính trị, trong hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập. Cải cách tiền lương phải làm nhanh và dứt khoát” - Phó Thủ tướng nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại