Cứ 50 người lại có 1 mắc phải hội chứng "không thể tưởng tượng" mà chẳng hề hay biết

Oct |

Một hội chứng kỳ lạ khiến con người không thể tưởng tượng được bất kỳ hình ảnh nào trong não bộ, kể cả khuôn mặt người thân.

Với hầu hết tất cả chúng ta, việc hình dung lại một hình ảnh bất kỳ trong quá khứ dường như chẳng có gì đặc biệt, nhất là với những hình ảnh đã quá quen thuộc như khuôn mặt người thân, bạn bè...

Tuy nhiên, có một kiểu người trên thế giới không thể làm được chuyện đó. Họ là những người mắc phải hội chứng mang tên aphantasia - hay được dân gian biết đến với cái tên: không thể tưởng tượng.

Hội chứng aphantasia sẽ khiến 1 người không thể tưởng tượng ra bất kỳ hình ảnh nào trong tâm trí. Khi có người bảo họ phải "tưởng tượng ra hình ảnh", họ đơn giản sẽ mô tả nó một cách rất ẩn dụ.

Nhưng quan trọng là cả người nói lẫn người nghe đều không biết sự "tưởng tượng" ấy diễn ra như thế nào, nên ngay cả bản thân người bệnh cũng không biết mình mắc phải hội chứng này.

Tuy vậy, một nghiên cứu gần đây liên quan đến aphantasia đã được thực hiện, qua đó cho thấy hội chứng này hóa ra phổ biến hơn chúng ta tưởng rất nhiều, với tỉ lệ 1:50 (dù mới chỉ là ước đoán). Có nghĩa, ít nhất 140 triệu người đang không hề có trí tưởng tượng.

Trên thực tế, việc xác định một người có bị aphantasia hay không là rất khó. A chẳng thể biết B đang tưởng tượng thấy cái gì, và ngược lại. Khi phải mô tả lại những gì đang tưởng tượng trong đầu, sẽ chẳng có phương pháp đo lường trực quan nào áp dụng được cả.

Cứ 50 người lại có 1 mắc phải hội chứng không thể tưởng tượng mà chẳng hề hay biết - Ảnh 1.

Vậy nên để kiểm tra, các chuyên gia đã thực hiện thí nghiệm mang tên "hai mắt đối đầu" - binocular rivary. Ứng viên sẽ được đeo một cặp kính 3D. Một bên mắt sẽ có vòng tròn xanh và các đường gạch ngang, mắt còn lại là vòng tròn đỏ với đường sọc dọc.

Sự khác biệt giữa 2 bên mắt kính sẽ tạo ra hiệu ứng thị giác "hai mắt đối đầu", khi não bộ liên tục cảm nhận hình ảnh thay đổi. Trong thí nghiệm này, hình ảnh thay đổi là màu sắc của vòng tròn.

Tuy nhiên, trước khi đeo kính, các ứng viên được yêu cầu phải tưởng tượng ra một vòng tròn có màu xanh hoặc đỏ.

Điều này có ý nghĩa gì? Nếu như họ thực sự tưởng tượng được hình ảnh, thì khi đeo kính lên, màu sắc họ tưởng tượng ra sẽ chiếm ưu thế hơn. Còn những người mắc aphantasia, hiệu ứng thị giác nói trên sẽ không bị ảnh hưởng.

Và kết quả thì như đã nêu: tỉ lệ 1:50 người đã mắc phải aphantasia mà chẳng hề hay biết.

Nguyên nhân gây ra hội chứng?

Điều này hiện vẫn chưa được làm rõ, dù khoa học đã đưa ra nhiều giả thuyết. Một trong số những giả định được nhiều người ủng hộ nhất là vì khi tưởng tượng ra điều gì đó, chúng ta phải tạo ra một ký ức mới.

Cụ thể, khi muốn gợi lại hình ảnh, não bộ phải mô phỏng lại những hoạt động như khi hình thành ký ức ấy. Nhưng nếu như trong quá trình này có một đường dẫn bị lỗi, hoặc não bộ không thể mô phỏng lại được, thì rõ ràng chúng ta sẽ không thể gợi lại bất kỳ hình ảnh nào.

Cứ 50 người lại có 1 mắc phải hội chứng không thể tưởng tượng mà chẳng hề hay biết - Ảnh 2.

Aphantasia dù không gây nguy hiểm, nhưng cũng đem lại một số bất tiện, đặc biệt là những người mắc bệnh sẽ khó lòng làm những việc liên quan đến óc sáng tạo như thiết kế, đồ hoạ...

Hiện tại, các chuyên gia đang tiếp tục tìm hiểu nhiều hơn về căn bệnh này, nhằm đưa ra phương pháp giúp người mắc phải hội chứng tìm lại được trí tưởng tượng vốn có của con người.

Nguồn tham khảo: The Conversion, IFL Science, Weird psychological

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại