Người đề xuất loại Chí Phèo khỏi SGK: "Xã hội tiến bộ phải tôn trọng ý kiến trái chiều"

Hoàng Đan |

Theo anh Hiền, thực tế, chưa ai dám chắc được các em sẽ nhận thức được mặt hay của tác phẩm hay chỉ nhìn vào những cái xấu của Chí Phèo để bắt chước, làm theo.

Đang bỏ quên ý kiến của các em học sinh?

Đề xuất nên loại bỏ tác phẩm Chí Phèo ra khỏi SGK Ngữ văn lớp 11 để tránh tác động xấu đến mặt nhận thức của học sinh mà anh Nguyễn Sóng Hiền, nghiên cứu sinh tiến sĩ Trường ĐH Newcastle (Australia) đưa ra đang nhận được nhiều ý kiến không đồng tình của các nhà nghiên cứu, giáo viên.

Trao đổi với PV, anh Nguyễn Sóng Hiền (hiện đang ở Australia) cho biết, rất bất ngờ khi bài viết nhận nhiều ý kiến phản hồi từ độc giả.

Ngay sau khi đề xuất loại bỏ tác phẩm Chí Phèo ra khỏi SGK của anh được đưa ra, đã có rất nhiều ý kiến phản đối, thậm chí người còn cho rằng anh giống như "kẻ muốn đốt đền", trình độ tiếp nhận tác phẩm văn học rất thấp. Cá nhân anh có suy nghĩ gì về các ý kiến này?

NCS Nguyễn Sóng Hiền: Tôi đã đọc và suy ngẫm về quan điểm của các tác giả đánh giá đề xuất của mình. Dù đa số họ không đồng tình nhưng hầu hết những quan điểm đó đến từ các nhà văn, thầy cô dạy văn hoặc người yêu văn.

Nhưng có một bộ phận ý kiến quan trọng nhất mà chúng ta bỏ quên chính là các em học sinh và không phải là những học sinh chuyên văn.

Tôi rất tiếc vì không ở Việt Nam, nếu không, trước khi đưa ra đề xuất, tôi sẽ làm một cuộc thăm dò ý kiến đối với học sinh lớp 11, 12, đã và đang học tác phẩm Chí Phèo để xem tác động của tác phẩm này đối với các em như thế nào?.

Các em học được gì? Cái gì đọng lại sau khi học? Giá trị giáo dục là gì? Em nghĩ gì về hành động cầm dao giết Bá Kiến của Chí Phèo? Nếu gặp hoàn cảnh tương tự khi ai đó đẩy vào đường cùng, bạn nghĩ hành động giống Chí Phèo là cần thiết không?

Nên thăm dò quan điểm của các em như vậy, chúng ta sẽ có những nhận định, đánh giá chính xác hơn.

Một số ý kiến ví von đề xuất của anh giống với đề xuất cải tiến bảng chữ cái tiếng Việt của PGS Bùi Hiền mới đây đã gây tranh cãi, không đồng tình, phản ứng dữ dội trong dư luận. Anh có bình luận gì về điều này?

NCS Nguyễn Sóng Hiền: Tôi nghĩ rằng, một xã hội tiến bộ phải hướng tới sự tôn trọng những ý kiến, quan điểm trái chiều, thậm chí nó có thể đi ngược với cách nghĩ chung của số đông.

Thực tế thì những cái mới, quan điểm mới đi ngược, thậm chí chống đối lại cách nghĩ, tư duy truyền thống ở bất kỳ xã hội nào cũng dễ nhận lấy sự phản kháng ban đầu.

Chính nhà bác học Galileo Galilei cũng bị gọi là điên rồ khi nói trái đất quay vì lúc ấy cả thế giới nghĩ rằng trái đất đứng yên. Nhưng sau đó, cả thế giới đã phải thừa nhận điều nhà bác học đưa ra.

Cuộc sống là vậy, nếu không có những cá nhân dũng cảm để đi tìm cái mới, thậm chí hiến thân mình để bảo vệ những quan điểm và lý lẽ trái ngược với số đông của mình thì thế giới này sẽ đi về đâu.

Người đề xuất loại Chí Phèo khỏi SGK: Xã hội tiến bộ phải tôn trọng ý kiến trái chiều - Ảnh 1.

NCS Nguyễn Sóng Hiền. Ảnh do anh cung cấp.

Không nên dạy tác phẩm Chí Phèo vì tác động tiêu cực

Như vậy có thể hiểu, dù có bị "ném đá", có bị coi là "kẻ đốt đền" nhưng anh vẫn sẽ giữ quan điểm và tiếp tục đề xuất loại tác phẩm Chí Phèo ra khỏi SGK?

NCS Nguyễn Sóng Hiền: Tôi muốn nói lại là cá nhân không phủ nhận giá trị nghệ thuật và sự thành công trong phong cách viết của nhà văn Nam Cao.

Nhưng ở góc độ giáo dục, tác phẩm Chí Phèo không nên dạy ở chương trình lớp 11 vì những tác động tiêu cực có thể ảnh hưởng đến nhận thức của các em khi mà độ tuổi này chưa hoàn thiện về mặt nhận thức xã hội.

Sự phát triển tâm lý khá phức tạp, thích nổi loạn, thích khẳng định cái tôi nên cái xấu sẽ dễ tiêm nhiễm và tiêm nhiễm nhanh hơn cái tốt vào các em.

Chúng ta cũng đâu ai dám chắc được rằng các thầy cô liệu có đủ thời gian để truyền tải hết các giá trị nhân văn của tác phẩm khi tác phẩm không được dạy trong một chỉnh thể đầy đủ.

Đồng thời, đâu ai dám chắc, các em có thể nhận thức được mặt hay của tác phẩm hay chỉ nhìn vào những cái xấu của Chí Phèo để bắt chước, làm theo?.

Chúng ta đã và đang chứng kiến quá nhiều cảnh đau lòng như bạo lực học đường, giết người, cướp của, cưỡng hiếp mà đối tượng có thể là các em ở tuổi vị thành niên.

Ai dám phủ nhận rằng nó không phải là một trong những lỗi của giáo dục và đâu ai dám phủ nhận những hành vi bạo lực và thú tính ấy không phải bắt chước từ hành vi của Chí Phèo?.

Tôi cũng muốn nêu thông điệp như nhà triết học, nhà tâm lý học và nhà cải cách giáo dục vĩ đại John Dewey đã từng nói giáo dục là cuộc sống.

Cuộc sống thì không bao giờ đứng yên mà nó vận động, thay đổi từng ngày, từng giờ, vì vậy một nền giáo dục tiến bộ là nền giáo cần phải thay đổi, bắt kịp với những thay đổi của cuộc sống.

Nếu một nền giáo dục xa rời cuộc sống, không phản ánh thực tiễn cuộc sống đó là một nền giáo dục kinh viện, một nền giáo dục lạc hậu của thế kỷ trước.

Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên của cách mạng công nghệ thông tin, nơi mà thế giới đã trở nên phẳng hơn bao giờ hết.

Việc tiếp cận tri thức của nhân loại trở nên bình đẳng hơn bao giờ hết và chỉ đơn giản một cái click trên màn hình máy tính bạn có thể nhìn thấy cả thế giới thì vai trò của giáo dục đến lúc phải thay đổi để bắt kịp với những tiền bộ đó.

Sẽ có nhiều kiến thức và nội dung giảng dạy không còn phù hợp với nhận thức, suy nghĩ của lớp trẻ, vì vậy cần phải cân nhắc để thay thế, bổ sung những kiến thức, tri thức mới phù hợp với xu thế, nhận thức mới của các em.

Nó đặt ra yêu cầu cấp bách hơn đối với các nhà quản lý giáo dục, làm giáo dục và cả thầy cô khi đưa bất kỳ kiến thức, nội dung, chương trình nào vào giảng dạy cho các em cần có cái nhìn thấu đáo hơn, toàn diện hơn.

Cần xem nó có phù hợp với đòi hỏi cuộc sống hiện tại không? Có tác động tiêu cực tới tâm lý và nhận thức không? Có giúp các em trong cuộc sống thực tế?.

Đừng bao giờ vì giá trị hàn lâm của kiến thức mà chúng ta lại bỏ quên và xem nhẹ những giá trị giáo dục đối với các em.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại