Đề xuất loại tác phẩm Chí Phèo khỏi SGK: Giáo viên Văn nói "thật là đau xót quá"

T.Công |

Đề xuất của anh Nguyễn Sóng Hiền, nghiên cứu sinh tiến sĩ Trường ĐH Newcastle (Australia) về loại tác phẩm Chí Phèo khỏi SGK nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Cô Nguyễn Hằng Nga, Tổ trưởng tổ văn, Trường THPT Hoài Đức B (Hà Nội) chia sẻ trên báo Thanh niên hôm 6/12, anh Sóng Hiền đã nhấc Chí Phèo ra khỏi thời đại nhân vật này sống mà không nhìn nhân vật bằng con mắt lịch sử và thời đại của nhân vật đó.

Cô Nga nhấn mạnh, Chí Phèo là kiệt tác của văn học nước ta thế kỷ XX và Nam Cao là đại diện xuất sắc của văn học hiện thực phê phán Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945.

"Vậy mà hôm nay có một bạn hậu sinh nào đó tuyên bố hùng hồn rằng nên huỷ bỏ việc giảng dạy tác phẩm này khỏi chương trình phổ thông! Thật là đau xót quá! Thương cho nhà văn Nam Cao quá!", báo Thanh niên dẫn lời cô Nguyễn Hằng Nga.

TS Văn học Phạm Hữu Cường (giáo viên luyện thi môn Ngữ văn tại Hà Nội) nhìn nhận trên báo Đời sống & Pháp lý, việc anh Hiền cho rằng Chí Phèo là đứa con hoang, xuất thân không cha mẹ và bị lưu manh từ đó là hiểu lệch lạc về tác phẩm văn học đặc sắc này.

Theo TS Cường, Chí Phèo lớn lên bằng bản chất hiền lành, lương thiện cho tới năm 23 tuổi. Chí Phèo chỉ bị lưu manh hóa sau khi ở tù về.

"Khi anh ta bóp đùi cho vợ Bá Kiến thì Chí Phèo vẫn rất giàu lòng tự trọng, có ý thức về nhân phẩm và cảm thấy nhục nhã khi phải làm một việc không chính đáng", TS Cường nói như vậy trên báo Đời sống & Pháp lý.

Theo TS Văn học Phạm Hữu Cường, ở Chí Phèo là tổng hợp của 2 bi kịch "bị hủy hoại nhân tính và bị từ chối quyền làm người lương thiện". 

Chí Phèo đáng thương và đáng trân trọng, dù bị lưu manh hóa nhưng vẫn khao khát làm người lương thiện khi gặp Thị Nở.

Chia sẻ trên báo Infonet, thầy Trịnh Quỳnh (giáo viên THPT Lương Thế Vinh, tỉnh Nam Định) phân tích, Chí Phèo là điển hình cho người nông dân bị áp bức bóc lột đến bần cùng hóa, bị lưu manh hóa, bị tha hóa. Nhân vật này còn đại diện cho ý thức cá nhân của mỗi người trong quá trình đấu tranh giữa cái thiện và ác.

Thầy Quỳnh nói với Infonet: "Ngay cả khi là một con người trong vỏ bọc là một con "quỷ dữ", Chí Phèo vẫn khát khao âm thầm và nuôi dưỡng khát vọng sống của một con người lương thiện. Chính điều đó mà cho đến nay tác phẩm này vẫn còn nguyên vẹn giá trị tư tưởng".

(Tổng hợp)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại