Thủ tướng và vai trò người tháo gỡ nút thắt

Phạm Trung Tuyến |

Có lẽ chưa một cuộc họp nào được dư luận, báo chí hồi hộp chờ đợi kết quả như cuộc họp tối 4/12 của Thủ tướng Chính phủ với Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan về vấn đề BOT Cai Lậy.

Trên mạng xã hội, có người ví von sự kiện này còn hồi hộp hơn cả việc gỡ bom cầu Long Biên tuần trước.

BOT Cai Lậy đã trở thành tiêu điểm thời sự ở tất cả mọi tờ báo và toàn mạng xã hội.

Bất cứ ai cũng nhìn thấy những nguy cơ của việc lan rộng tình trạng bất tuân dân sự khởi phát từ phản ứng của những người lái xe miền Tây Nam bộ.

Không chỉ tranh cãi hay va chạm, mà đã có cả người bị thương, có người bị giữ. Giao thông đã đình trệ, cả một chủ trương lớn nhằm huy động nguồn lực để phát triển hạ tầng giao thông đường bộ đứng trước khả năng đổ vỡ. Nhưng, đó mới chỉ là những dấu hiệu đầu tiên, trong khi những hệ luỵ to lớn hơn còn tiềm ẩn phía trước.

Bất tuân dân sự được coi là vũ khí cuối cùng, con dao hai lưỡi của người dân. Nó có thể gây sức ép nào đó lên chính quyền, nhưng cũng đặt người dân vào thế nguy hiểm, bấp bênh trên lằn ranh phạm pháp.

Thủ tướng và vai trò người tháo gỡ nút thắt - Ảnh 1.

Ở chiều hướng lạc quan, là khi tình trạng bất tuân dân sự được giải toả bằng cơ hội thoả hiệp, dẫn đến điều chỉnh chính sách một cách kịp thời. Chiều hướng ngược lại, bất tuân dân sự một cách tự phát, thiếu tiếng nói đại diện và mất đi cơ hội thoả hiệp, tình trạng hỗn loạn sẽ xuất hiện và không thể kiểm soát.

Lúc đó, sẽ không chỉ có máu của một người tài xế đổ xuống, và mọi giới hạn sẽ bị phá vỡ. Câu chuyện ở trạm BOT Cai Lậy, trước cuộc họp của Thủ tướng, đang ở trạng thái đó, như một nút thắt rối bung, càng để lâu càng khó gỡ.

Bộ GTVT, cơ quan có trách nhiệm đầu tiên đối với nút thắt BOT đã không đưa ra được giải pháp tháo ngòi nổ. Tất cả sự chú ý của dư luận hướng về cuộc họp tối 4/12 của Thủ tướng, trong vai trò của người tháo nút thắt.

Và nút thắt đó đã được vô hiệu bằng cách di chuyển tạm thời sang một chiều không gian khác, 1 hoặc 2 tháng sau bằng quyết định tạm dừng thu phí. Nhân viên trạm thu phí đã xả trạm về nhà trong tiếng thở dài nhẹ nhõm. Những người lái xe đè chân ga tiếp tục hành trình.

Quyết định tạm thời ngừng thu phí để tìm giải pháp mà Thủ tướng đưa ra là một lựa chọn sáng suốt, và cần thiết vào thời điểm này.

Bởi câu chuyện BOT không chỉ là vấn đề của riêng trạm thu phí Cai Lậy. Bởi sự cần thiết của chủ trương BOT giao thông là không thể phủ nhận, cho dù sự biến thái của nó đã diễn ra trong một thời gian dài và để lại quá nhiều sai lầm trong quá trình thực hiện.

Từ 1 đến 2 tháng là hạn mức thời gian ngắn hay dài để tháo bỏ triệt để nút thắt BOT?

Tại cuộc họp tối 4/12 với Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định nếu phát hiện ai có sai phạm, kể cả Bộ trưởng, đều sẽ kỷ luật nghiêm khắc. Với cam kết đó, dường như Bộ GTVT, cơ quan chịu trách nhiệm chính về vấn đề BOT giao thông đã sẵn sàng đối diện với chính mình để giải quyết vấn đề.

Nếu cam kết này được thực hiện thì hạn mức trên sẽ dễ dàng được thực hiện. Bởi bản chất của khủng hoảng BOT Cai Lậy chính là những quyết định chỉ định thầu của Bộ GTVT cho phép nhà đầu tư đặt trạm sai vị trí.

Nhưng cũng chính tại cuộc họp kể trên, Bộ Giao thông vận tải và UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, cảnh sát giao thông đã ghi hình cũng như thống kê được danh sách 14 xe ở những tỉnh khác, không phải ở các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long chỉ chuyên chạy đi chạy lại qua trạm BOT Cai Lậy để gây rối.

Thông tin này lại cho thấy hai cơ quan trên đang nhìn nhận khủng hoảng vừa qua có nguyên nhân từ sự gây rối của một số tài xế chứ không phải vấn đề từ những trạm thu phí bất minh. Nếu như trong 2 tháng tới, các cơ quan trên chỉ tập trung để xử lý những tài xế được cho là gây rối thì thì nút thắt BOT Cai Lậy sẽ một lần nữa thắt chặt lại.

Khi đó, cơ hội để thêm một lần dịch chuyển nút thắt sang một chiều không gian khác đã không còn nữa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại