Cảm xúc đặc biệt của người chứng kiến cú nối internet lịch sử giữa Hà Nội và thế giới

Hiệu Minh |

Cách đây 10 năm (2007), tôi từng tâm sự trên báo, nếu hỏi những biến đổi về lịch sử đất nước mà tôi đã chứng kiến, tôi sẽ nói ba thời điểm sau: 1975 – kết thúc chiến tranh, 1986 – Đổi mới và 1997 – mở cổng internet.

Hôm nay internet Việt Nam kỷ niệm 20 năm, tâm sự ấy không hề thay đổi, mà sự phát triển của internet tại xứ này với tăng trưởng 31,000% so với năm 2000, hơn một nửa dân số dùng internet và mạng xã hội, càng củng cố cho tôi niềm tin ấy.

Internet Việt Nam – 20 năm ấy

Năm 1995, tôi phụ trách IT cho văn phòng World Bank (WB) với 25 nhân viên cũng chỉ nhận email qua modem với trung tâm bên Washington DC, mỗi ngày hai lần, mỗi lần kéo dài khoảng 1 tiếng. 

Thư đến thư đi chỉ trong khoảnh khắc ấy, thời gian còn lại chỉ dùng cho công việc sở tại, dường như mọi thứ như ngừng trôi. 

Giữa năm 1996 thuê được đường truyền thuê bao 64K (leased line) với dịch vụ 24/7 thì mọi việc trở nên khác thường. 

Nhớ hồi đó là mùa hè, tôi làm việc 3 ngày đêm liền với trung tâm và một anh IT ngồi bên văn phòng Bắc Kinh chỉ để lập trình, kết nối qua các thiết bị mạng có audio, video, data gọi là RLX đắt ngang cái xe Toyota. 

Lắp lên, hạ xuống, lôi chip ra, gắn vào, thay tháo lung tung, cuối cùng thì đèn báo data chuyển sang màu xanh, anh chàng IT bên Bắc Kinh hét toáng lên, trời đất quỷ thần, vào rồi, vào rồi, như đang sút vào gôn đối phương.

Tôi không biết đó là một cú nối internet lịch sử giữa Hà Nội và thế giới cho dù viện cũ của tôi từng kết nối modem với Australia theo cách như WB từng làm. 

Tôi lên phòng báo cho ông sếp là Bradley Babson, Trưởng đại diện WB khi đó. Ông chẳng nói chẳng rằng, nhấn chuột vào biểu tượng Internet Explorer, gõ CNN và thấy hiện lên trang. 

Ông hét toáng lên, nối rồi, nối rồi, và cầm điện thoại gọi cho bà vợ bên DC qua đường truyền thuê bao (không mất tiền). Đầu dây bên kia vui vẻ và nói, từ nay vợ chồng nói chuyện không phải nhìn đồng hồ. Chả là gọi qua điện thoại thường qua VNPT thì giá 3-4$/phút, thuộc loại đắt nhất thế giới.

Hôm sau thử nốt video, Hà Nội nhìn thấy DC và sự vui mừng là vô tận dù đường truyền 64K hình ảnh chậm hơn cả phim câm thời hề Sác Lô (Chaplin).

Làm ở viện cũ, tôi chẳng biết email và internet mặt mũi ra sao, dường như đó là bí mật của một vài người. Nhưng ở WB thì tôi làm chủ cả hệ thống nối internet toàn cầu, nghĩ thấy thật may mắn.

Các bạn biết tin thi nhau đến xem internet ra sao. Thỉnh thoảng một đoàn khách từ các tổ chức quốc tế rồi bạn IT cũ. 

Một nhóm các doanh nhân Hà Nội do anh Bùi Việt Hà chủ trì mời tôi trình diễn internet. Sau một hồi ba hoa theo kiểu dân IT, tôi dẫn vài đường link vào CNN, Fox, BCC… cho các bạn xem.

Trong khi đó ở Hà Nội và TP HCM chưa được biết mùi vị internet ra sao cho tới 11-1997 và phải cảm ơn ông Mai Liêm Trực, Thứ trưởng khi đó. 

Những thời khắc lịch sử 

Nhớ lại một thời và tôi chợt nhận ra sự trùng lặp kỳ lạ về ba thời khắc, hòa bình, đổi mới và internet, mỗi thời kỳ 11 năm gợi nhiều điều suy ngẫm.

Sau thời gian dài chiến tranh tàn khốc, năm 1975 không còn tiếng bom rơi. Đó là niềm hạnh phúc vô bờ vì không còn chiến tranh và chết chóc, đó là sự hứa hẹn sáng lạn cho tương lai đất nước. 

Nhưng sau 11 năm, hình như người ta nhận ra những thất bại trong mô hình kinh tế tập trung quan liêu bao cấp.

Rất may xuất hiện từ "Đổi mới" năm 1986. Trong vài mục tiêu "Đổi mới" tôi thích nhất mục "Trao quyền sử dụng đất (Khoán 10)", nôm na là nông dân (80% dân số) có thể lựa chọn ở trong hợp tác xã hoặc ra ngoài cá thể và được làm chủ ruộng đồng của mình. 

Để ý đến điều này vì tôi là con nhà nông nên biết giá trị "người cầy có ruộng" như thế nào. 

Vài năm sau, dù diện tích không đổi, dân số tăng 1-2 triệu hàng năm, thế mà từ một nước từng đi xin bột mỳ và hạt bo bo viện trợ cho dân ăn lại trở thành quốc gia xuất khẩu gạo nhất nhì thế giới. Tỷ lệ 80% đói nghèo những năm 1980 nay chỉ còn dưới 10%, Việt Nam được coi là quốc gia có sự phát triển kỳ diệu.

Cảm xúc đặc biệt của người chứng kiến cú nối internet lịch sử giữa Hà Nội và thế giới - Ảnh 1.

Rồi lại 11 năm sau tiếp (1997)… có của ăn của để đôi chút, người ta nghĩ đến đi ra ngoài xem thế giới họ sống ra sao. Khi đó, 70 triệu người Việt không có tiền mua vé máy bay đi ra nước ngoài nhưng họ có thể du lịch qua "thế giới ảo". 

Đó chính là thế giới thông tin World Wide Web và giấc mơ internet cho Việt nam. Sau trì hoãn mấy năm và cuối cùng năm 1997, giới trẻ Việt Nam lần đầu biết đến mùi vị thế nào là lướt web, thư tình bằng email và yahoo chatting như vài bạn quen biết tôi đến World Bank chỉ để xem các cô tây ra sao.

Internet vào 10 năm rồi 20 năm, nước Việt đâu có mất mà tăng 7-8% năm, từ nước nghèo hiện đã thuộc câu lạc bộ thu nhập trung bình thấp với 2300$/người/năm từ dưới 100$/người/nămnhững thập kỷ 1970-1980.

Trong hội thảo và dự luật An ninh mạng mấy ngày trước, cựu bộ trưởng Bộ TTTT, ông Lê Doãn Hợp, đặt câu hỏi, điều gì sẽ xảy ra nếu không nối mạng với thế giới trong 20 năm qua. Một bộ trưởng như ông kinh qua các công tác quản lý ở tầm cao nên hiểu thế nào là vai trò của IT, chính sách đi kèm thúc đẩy hay chỉ vì lợi ích riêng.

Internet chính là đòn bẩy cho kinh tế đất nước, là "cái cày" của người dân trong "đồng ruộng" toàn cầu hoá. Đưa internet đến từng người dân giống như ta đã trả lại ruộng đất cho nông dân thuở trước. Họ tự biết làm thế nào để tạo ra sản phẩm trên "đồng ruộng tri thức" ấy để xuất khẩu loại "gạo" mới. Vai trò của nhà nước là tạo ra hành lang phát triển.

Muốn tiến tới xã hội tri thức phải phát triển IT, công nghiệp 4.0, IOT, ngoài nông nghiệp là thế mạnh thì "ruộng đồng internet" phải là ưu tiên hàng đầu. 

Từ "Đổi mới" cách đây 30 năm vẫn còn nguyên giá trị: đất nước đang cần sự đổi mới về công nghệ trong tư duy lãnh đạo. Thiếu vắng công nghệ thì sẽ tụt hậu tiếp tục trong những thập kỷ tới dù ý chí muốn chính phủ kiến tạo, xã hội tri thức, văn minh, công bằng.

Thế kỷ 21 thuộc về công nghệ hãy tìm giải pháp phát triển bằng công nghệ, chứ nhất định không thể là đáp án có từ thế kỷ 20 với tư duy thế kỷ 19. 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại