Hồ sơ Paradise tiết lộ góc khuất trong kinh doanh toàn cầu

Hà Linh |

Hồ sơ Paradise bao gồm những tài liệu rò rỉ từ công ty luật chuyên về dịch vụ pháp lý hải ngoại Appleby đã tiết lộ phương pháp giới tinh hoa toàn cầu tận dụng để trốn thuế.

Tuy có cái tên giống với vụ Hồ sơ Panama nhưng Hồ sơ Paradise lại lột tả được tính tinh vi, phức tạp trong hệ thống thuế hải ngoại trên toàn cầu.

Giáo sư chính trị quốc tế Ronen Palan tại Đại học London (Anh) đánh giá trên trang The Conversation (Australia) rằng Hồ sơ Paradise tiết lộ cho chúng ta nhiều hơn về các hoạt động của giới tinh hoa trong thương trường và chính trường của các quốc gia như Mỹ và Anh, với các cái tên nổi tiếng gồm Nike, Apple và Nữ hoàng Anh.

Nở rộ "ngành" trốn thuế

Rõ ràng quần đảo Caymans và Bermuda, những địa điểm không thu thuế thu nhập, thuế lãi vốn, thuế giá trị gia tăng, thuế kinh doanh, thuế tài sản và thuế doanh nghiệp đã tạo sức hút lớn. Ví dụ như khu bất động sản cá nhân của Nữ hoàng Anh Duchy of Lancaster đã được đầu tư vào hai quỹ hải ngoại ở quần đảo Caymans và Bermuda. Sau tất cả, việc trả thuế của Nữ hoàng chỉ còn là tự nguyện.

Nói một cách khác, bất cứ nhà đầu tư lớn nào đang tìm cách đa dạng danh mục đầu tư chắc chắn sẽ quay sang quỹ ở hải ngoại. Hồ sơ Paradise cho thấy khoảng 13 triệu USD trong tài sản riêng của Nữ hoàng Anh được đầu tư ra nước ngoài. Con số này khá nhỏ so với tổng tài sản của Nữ hoàng. Không có gì trái phép liên quan đến vấn đề này nhưng nó đã gây nghi vấn.

Trên thực tế, toàn bộ ngành đầu tư tài sản được vận hành qua thị trường hải ngoại. Lý do khá đơn giản: Các quỹ hoặc giao dịch, chuyên cơ riêng, du thuyền… được đăng ký tại quần đảo Caymans hay Bermuda đều không phải chịu thuế. Và tất nhiên điều này được che đậy trước mắt công chúng.

Ưu thế bí mật qua ủy thác

Hồ sơ Paradise cho thấy bất chấp nhiều quy định mới, các cá nhân có ý đồ che giấu việc làm của họ khỏi các đối thủ, chính phủ hoặc công chúng đều hoàn toàn có thể thực hiện ý đồ một cách dễ dàng.

Các tài liệu rò rỉ từ công ty luật Appleby cho thấy thỏa thuận kinh doanh liên quan đến sự che giấu và lẩn tránh đều nhờ cậy đến các quỹ ủy thác.

Công cụ phức tạp được sử dụng để trốn thuế

Qua Hồ sơ Paradise, có thể thấy phương thức tài chính cải tiến như việc sử dụng chứng khoán phái sinh và thỏa thuận tương trợ tín dụng hoàn toàn có thể sử dụng để tránh thuế. Giáo sư Palan đánh giá rằng lĩnh vực này hiện chưa được nghiên cứu đầy đủ.

Giao dịch hoán đổi lãi suất tiền tệ chéo đang được sử dụng để giảm thiểu thuế phải đóng. Giáo sư Palan đánh giá rất khó để dò tìm các công ty mẹ và công ty con hoán đổi khoản tiền nợ từ đồng tiền này sang đồng tiền khác. Sự hoán đổi này có thể thay đổi tỉ lệ lãi suất và rủi ro của đồng tiền đầu tiên cho loại được thay thế, một dụng cụ giảm thiểu rủi ro hợp pháp. Cùng thời điểm, những cơ sở này di chuyển quỹ hải ngoại tới những thiên đường thuế ưu đãi hơn.

Cần thay đổi luật

Nhiều công ty dịch vụ chuyên nghiệp vận hành qua các “thiên đường thuế” nhưng đều khẳng định tuân thủ pháp luật. Trên thực tế, những công ty này lợi dụng kẽ hở luật lệ để giảm thiểu thuế phải trả.

Hồ sơ Paradise đồng thời cho thấy thế giới biết chưa nhiều về mức độ trốn thuế đang diễn ra. Tại Anh, công dân có thể đầu tư hợp pháp vào quỹ hải ngoại và lập công ty tại các “thiên đường thuế” mặc dù họ vẫn phải khai về những quỹ này với cơ quan thuế.

Link gốc bài viết tại đây

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại