Bỏ sổ hộ khẩu: Bộ Công an rất áp lực

TUYẾN PHAN |

Theo Bộ Công an, việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, điểm mấu chốt để tiến tới bỏ sổ hộ khẩu, đang gặp khó khăn về kinh phí.

Sáng 14-11, Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (gọi tắt là cơ sở dữ liệu) cho công an các tỉnh, TP trên cả nước.

Theo Bộ Công an, cơ sở dữ liệu có vai trò rất quan trọng, là điểm mấu chốt để tiến tới đề xuất bỏ sổ hộ khẩu. Tuy nhiên, việc triển khai dự án này đang gặp khó khăn.

Ngân sách eo hẹp

Trung tướng Trần Văn Vệ, Quyền Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, cho biết Bộ Công an giao cho đơn vị xây dựng dự án từ năm 2010, đến năm 2012 đã xong nhưng vấn đề khó khăn lớn nhất để triển khai là kinh phí.

Ban đầu các ban, ngành tính đến phương án triển khai theo hình thức BT, BOT nhưng cuối cùng Thủ tướng Chính phủ quyết định đây là dự án đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước.

Cơ sở dữ liệu là tài sản nhà nước, giao cho Bộ Công an quản lý, dùng chung cho tất cả bộ, ngành.

Theo ông Vệ, kinh phí để thực hiện dự án là khoảng 3.000 tỉ đồng. Hiện Chính phủ đã đồng ý đề nghị Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính cân đối, bố trí trước 230 tỉ đồng để triển khai hội nghị, tổ chức tập huấn, in tài liệu và hỗ trợ các địa phương đi thu thập, chiếm khoảng 100 tỉ đồng.

Quyền Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Trần Văn Vệ cũng cho hay vấn đề bố trí nguồn vốn rất quan trọng.

Một số địa phương được thí điểm (Huế, Hòa Bình) đã ứng tiền trước để thu thập thông tin nhưng không có tiền scan bản giấy để đưa vào cơ sở dữ liệu nên phải dừng lại.

Từ ngày 1-1-2020 tới đây sẽ bắt đầu triển khai toàn quốc về cấp căn cước công dân nên Bộ Công an chịu áp lực rất cao. Thời gian tới, Bộ sẽ cung cấp đầy đủ tài liệu, tổ chức tập huấn, tăng cường cán bộ của Tổng cục Cảnh sát, C72 hỗ trợ các địa phương.

Bỏ sổ hộ khẩu: Bộ Công an rất áp lực - Ảnh 1.

Thượng tướng Lê Quý Vương đang trao đổi với PV. Ảnh: TP

Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, nhận định nguồn vốn để thực hiện dự án là rất lớn trong khi ngân sách nhà nước còn eo hẹp.

Trong quá trình triển khai, do khó khăn về nguồn vốn nên cũng đã tính tới phương án đầu tư công-tư nhưng vấn đề đặt ra là đầu tư thì phải thu phí.

Tuy nhiên, một công dân tra cứu thông tin về mình để giải quyết thủ tục thì không thể thu phí, hoặc lực lượng công an khi mỗi lần truy cập vào lại phải trả phí là điều vô lý.

Theo Luật Căn cước công dân, vốn xây dựng cơ sở dữ liệu sử dụng từ ngân sách, tuy nhiên nội dung sử dụng nguồn vốn này chưa được đưa vào chương trình báo cáo Quốc hội phê duyệt về đầu tư trung hạn nên gặp khó khăn.

Trước mắt, Chính phủ đã đồng ý giao cho Bộ Công an phối hợp với Tập đoàn Viettel tạm thời ứng kinh phí để giải quyết bước đầu.

“Hy vọng Quốc hội, Chính phủ đồng ý trong việc cấp nguồn vốn để khẩn trương thực hiện.

Nếu hoàn thiện cơ sở dữ liệu, không chỉ thuận lợi trong lĩnh vực công tác của công an mà còn liên quan đến 13 bộ, ngành khác, ví dụ như lý lịch tư pháp, quản lý đất đai, bảo hiểm xã hội, khám sức khỏe…” - Thượng tướng Vương nói.

Thấy ngay lợi ích

Theo Thượng tướng Lê Quý Vương, sau khi thí điểm triển khai dự án xây dựng cơ sở dữ liệu tại Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng cùng một số địa phương, kết quả bước đầu rất tốt.

Điển hình là công tác quản lý dân cư, đặc biệt là đăng ký hộ khẩu, hộ tịch có nhiều đổi mới, giảm phiền hà cho người dân.

Đến nay, Bộ Công an đã cấp gần 8 triệu số định danh cho công dân trên 16 địa phương thí điểm cấp thẻ căn cước công dân; 700.000 số định danh cho trẻ em mới sinh tại 17 địa phương.

“Nếu mỗi người có một số định danh cá nhân, một thẻ căn cước, đồng thời đã hoàn thiện cơ sở dữ liệu thì có thể tiến tới bỏ sổ hộ khẩu.

Xin nhấn mạnh là bỏ sổ hộ khẩu chứ không phải là bỏ quản lý dân cư, nghĩa là thay thế hình thức quản lý bằng số hóa, hiện đại hơn.

Thay vì đi đâu cũng phải kè kè cuốn sổ hộ khẩu thì công dân chỉ cần mang theo thẻ căn cước có số định danh, hoàn toàn có thể giải quyết các thủ tục hành chính” - tướng Vương cho hay.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương, cơ sở dữ liệu về dân cư sẽ dùng chung cho công tác quản lý nhà nước và giải quyết công việc của công dân, có thể rút ngắn được rất nhiều thủ tục hành chính.

Điển hình như việc điều tra tội phạm, nếu có cơ sở dữ liệu về dân cư, lượng công an thay vì phải về địa phương xác minh lý lịch của tội phạm thì chỉ cần trích xuất thông tin từ cơ sở dữ liệu căn cước về vi phạm pháp luật, rút ngắn rất nhiều thời gian.

Thời gian tới, Bộ Công an yêu cầu các đơn vị nghiêm túc tổ chức hội nghị triển khai, đào tạo tập huấn nghiệp vụ, giao giám đốc công an tỉnh trực tiếp chịu trách nhiệm về thu thập thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu… nhằm nhanh chóng hoàn thiện dự án quan trọng này.

“Tuy nhiên, tuyệt đối không vì áp lực thực hiện dự án mà tăng biên chế” - tướng Vương nhấn mạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại