Nên vứt giấy vệ sinh vào bồn cầu hay thùng rác và câu chuyện chứng minh: Sự sạch sẽ chỉ là tương đối

Oct |

Bạn theo phe nào: Team vứt giấy vệ sinh vào bồn cầu, hay chọn sọt rác?

Lại là một câu chuyện khác về vấn đề "đi cầu". Có lẽ nhiều người đã biết, chúng ta nên sử dụng vòi xịt để rửa sau khi đi cầu, vì giấy vệ sinh có thể đem đến nhiều mối nguy không nhỏ cho cái "bàn tọa" của bạn.

Tuy nhiên, đối với team trung thành với giấy vệ sinh, chúng ta lại có một vấn đề nữa, đó là chuyện nên vứt giấy vệ sinh vào đâu - thùng rác hay bồn cầu?

Trên thực tế, câu chuyện giấy vệ sinh này đã thậm chí đã gây ra những cuộc tranh cãi xuyên lục địa, vì mỗi nước mỗi khác. Có quốc gia dán hẳn một tấm bảng trong các nhà vệ sinh công cộng với nội dung: Không vứt giấy vệ sinh vào bồn cầu. Ngược lại, nhiều đất nước có một niềm tin tuyệt đối vào cái bồn cầu, và giấy vệ sinh buộc phải cho vào trong đó.

Vậy ai đúng, ai sai?

Câu trả lời chưa rõ ràng ở khía cạnh môi trường

Về cơ bản, giấy vệ sinh và thứ bám lên nó sau khi chùi được xếp vào nhóm "rác hữu cơ". Vi khuẩn ăn rác hữu cơ, thải ra CO2 - nguyên liệu chính gây ra hiệu ứng nhà kính.

Nếu như vứt vào thùng, số rác giấy ấy sẽ được đưa ra bãi rác - một môi trường yếm khí, rất thiếu oxy. Vi khuẩn ăn rác vốn không cần đến oxy, nên chúng vẫn hoạt động. Tuy nhiên, thay vì thải ra CO2, chúng thải ra khí methane, và loại khí này đóng góp vào quá trình nóng lên của Trái đất cao gấp 20 lần CO2.

Nên vứt giấy vệ sinh vào bồn cầu hay thùng rác và câu chuyện chứng minh: sự sạch sẽ chỉ là tương đối - Ảnh 1.

Giấy vệ sinh khi phân hủy có thể thải ra khí không có lợi cho môi trường

Nhưng điều này không có nghĩa việc giật nước tốt hơn. Ở các nước phát triển, nước xả bồn cầu sẽ được đưa đến các nhà máy xử lý nước thải. Trong quá trình này, 95% giấy vệ sinh bị hòa tan trong nước.

Tốt đúng không? Có điều, 5% còn lại sẽ được bóc tách và xử lý như chất thải rắn trong các cơ sở bên ngoài nhà máy. Do sự tồn tại của nước, quá trình phân hủy diễn ra nhanh hơn rất nhiều, khiến lượng khí độc hại thải ra cũng ở mức rất lớn.

Vứt giấy vào thùng hay xả nước, chưa rõ đường nào hại hơn cho môi trường, vì hiện tại chưa có nghiên cứu nào đưa ra được sự so sánh cụ thể. Cuộc tranh cãi vẫn chưa thể chấm dứt được, dù nhiều người đồng tình rằng nếu xét về mặt vệ sinh cho gia đình, việc xả trôi giấy theo bồn cầu rõ ràng cho cảm giác sạch sẽ hơn nhiều.

Nhưng sạch sẽ với cái bồn cầu chỉ là một khái niệm tương đối

Tại sao tương đối ư? Đơn giản là vì không phải bồn cầu nào cũng "tải" được giấy vệ sinh đâu.

Ở các quốc gia phát triển, bồn cầu và hệ thống thoát nước, xử lý nước của họ rất tốt. Đó là những chiếc bồn cầu có cơ chế xả và hút rất mạnh, giúp giảm thiểu khả năng tắc nghẽn kể cả trong trường hợp có dị vật không phải giấy vệ sinh lọt vào.

Nên vứt giấy vệ sinh vào bồn cầu hay thùng rác và câu chuyện chứng minh: sự sạch sẽ chỉ là tương đối - Ảnh 2.

Tại Nhật Bản - nơi sở hữu những chiếc bồn cầu hiện đại nhất thế giới cũng cho rằng nên xả giấy qua bồn cầu

Nhưng bồn cầu của các nước đang phát triển thì không như vậy. Không tính đến các căn nhà hiện đại, thì vẫn còn tồn tại những nơi sử dụng bồn cầu kiểu cũ, với khả năng xả nước cực kỳ yếu, cùng một hệ thống thoát nước tương đối xập xệ.

Vứt giấy vệ sinh một, hai tờ thì không sao. Lắm "ông" bị ám ảnh sạch sẽ có khi dùng đến nửa cuộn, mà như vậy thì thảm họa tắc bồn cầu gần như chắc chắn sẽ xảy ra. Hơn nữa, một số nơi thậm chí vẫn còn bồn "xí xổm", và đó nhất định không phải loại bồn cầu bạn có thể tùy tiện vứt giấy vào.

Vậy mới nói, sự sạch sẽ chỉ là tương đối. Vứt giấy vào bồn cầu tưởng là vệ sinh hơn, nhưng nếu tắc thì chắc là sạch quá đi chứ? Thế nên hãy "nhập gia tùy tục"! Ở đâu quy định thế nào, hãy theo đúng như thế mà làm.

Nên vứt giấy vệ sinh vào bồn cầu hay thùng rác và câu chuyện chứng minh: sự sạch sẽ chỉ là tương đối - Ảnh 3.

Nguồn: Today I found out, Slate, Quora, Toilet Guru

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại