Giám đốc TT Dự báo KTTVTƯ khẳng định "dũng cảm" khi đưa ra hai phương án cho bão số 11

Hoàng Đan |

Theo ông Cường, nhiều khả năng, đến tối và đêm 16/10, bão số 11 sẽ đổ bộ vào đất liền các tỉnh Thanh Hóa - Quảng Trị với sức gió cấp 6 - 7, giật cấp 9.

Hai phương án cho cơn bão số 11

Chiều 14/10, Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai đã tổ chức Hội nghị chuẩn bị cho công tác ứng phó cơn bão số 11. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường chủ trì cuộc họp.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, cơn bão số 11 là cơn bão mạnh, hiện tại sức gió ở tâm bão đang ở cấp 10, 11 (90 - 115km/h) giật cấp 13.

Theo ông Cường, nhận định của các trung tâm dự báo quốc tế của Mỹ, Nhật, Hồng Kông là bão sẽ tiếp tục đi lên hướng Bắc, sau khi đi qua đảo Hải Nam (Trung Quốc) sẽ vào vịnh Bắc Bộ thì chếch xuống phía Nam.

Để ứng phó với cơn bão này, theo ông Cường, đơn vị đã tính toán khoảng 100 phương án dự kiến về diễn biến.

Từ việc nghiên cứu, so sánh các dự báo của một số nước như Mỹ, Nhật và của Hồng Kông, ông Cường đã cho hay, Trung tâm đã rất "dũng cảm" đưa ra hai phương án về cơn bão số 11, trong đó có một phương án cao và một phương án thấp.

Giám đốc TT Dự báo KTTVTƯ khẳng định dũng cảm khi đưa ra hai phương án cho bão số 11 - Ảnh 1.

Quang cảnh buổi họp.

Cụ thể, phương án cao hơn là bão số 11 sẽ mạnh nhất trước khi ở phía Bắc Hoàng Sa với gió cấp 12 - 13, giật cấp cấp 16.

Sau khi vượt qua đảo Hải Nam của Trung Quốc thì với tương tác của không khí lạnh, bão sẽ yếu nhanh, đồng thời, đổi hướng di chuyển Tây Tây Nam. Đến tối và đêm 16/10, sẽ đổ bộ vào đất liền các tỉnh Thanh Hóa - Quảng Trị với sức gió cấp 6 - 7, giật cấp 9

Phương án thấp hơn là bão sẽ mạnh nhất trước khi ở phía Bắc Hoàng Sa (cấp 12 - 12, giật cấp 16). Sau khi vượt qua khu vực đảo Hải Nam, tương tác với không khí lạnh thì bão sẽ yếu nhanh thành áp thấp nhiệt đới và tan trên vinh Bắc Bộ.

Khả năng thấp hơn nữa là sau khi bão vào Lôi Châu (Trung Quốc) sẽ tan luôn và không còn vào khu vực vịnh Bắc Bộ nữa.

"Do vào cuối tháng 10, lại đi theo hướng Bắc nên không thuận lợi cho bão mạnh lên. Với tinh thần trách nhiệm rất cao và dũng cảm, chúng tôi đưa ra các phương án đó. 

Chúng tôi cũng nghiêng về phương án cao hơn và dự báo này cũng tương tự với các dự báo của Nhật, Hồng Kông còn dự báo của Mỹ thì còn thấp hơn so với hai đơn vị kia", ông Cường nói.

Về vùng nguy hiểm trên biển, toàn bộ khu vực bắc Biển Đông đêm nay sẽ nằm trong vùng nguy hiểm.

Đối với khu vực nguy hiểm nhất sau cơn bão vừa rồi là các tỉnh Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình, phía nam đồng bằng Bắc Bộ, dự kiến lượng mưa trên dưới 100mm. Các tỉnh trung du phía Bắc có thể từ 100-200mm.

Thiếu tướng Trương Đức Nghĩa, Chánh văn phòng Uỷ ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn cũng nêu rõ, bão số 11 ảnh hưởng trong hoàn cảnh thiệt hại từ đợt mưa lũ vừa qua vẫn còn nhiều người mất tích chưa được tìm thấy, ngập lụt còn chia cắt ở nhiều nơi, sạt lở vẫn có nguy cơ xảy ra.

"Tôi có đến điểm sạt lở ở thôn Khanh, xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, Hoà Bình. Đến đó, tôi cũng không thể hiểu được vụ sạt lở đó diễn ra thế nào.

Lịch sử chưa có vụ lở đất nào đưa hàng vạn m3 đất đá ụp xuống rồi lại đưa hàng nghìn m3 đất đá văng đi vùi cả 4 ngôi nhà. Vì vậy, tuyệt đối không được chủ quan trong công tác phòng chống, đừng có khái niệm mới là áp thấp nhiệt đới", ông Nghĩa nêu.

Theo ông Nghĩa, cần tranh thủ thời gian trước khi bão ảnh hưởng cần tập trung cao độ tìm kiếm người mất tích, ổn định những khu vực cần chia cắt.

"Bão số 11 không được chủ quan, đặc biệt là công tác phối hợp, thực hiện công tác 4 tại chỗ ngay từ cơ sở. Không chủ quan với tai nạn trên biển.

Rút kinh nghiệm và cổ vũ 4 tại chỗ. Ví như có 6 công nhân bị chia cắt ở Yên Bái, có đề nghị cả máy bay nhưng lực lượng tại chỗ đã cứu được 6 công nhân này", ông Nghĩa lưu ý.

Còn ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cũng nhấn mạnh, cần rất cần cảnh báo tình trạng sạt lở đất.

"Với bão số 11, Ban chỉ đạo sẽ huy động các nhà cùng phát tinh cảnh báo thông tin tới người dân", ông Hoài cho biết.

Phải cập nhật liên tục thông tin cho người dân

Phát biểu chỉ đạo, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ rõ, vùng Bắc Trung Bộ và phía Cắc vừa trải qua đợt mưa lũ lịch sử, có những nơi mưa lũ hơn cả lịch sử từ những năm 1985.

"Thêm động tác mưa lớn nào nữa là vùng này tổn thương", Bộ trưởng nói.

Giám đốc TT Dự báo KTTVTƯ khẳng định dũng cảm khi đưa ra hai phương án cho bão số 11 - Ảnh 2.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng nhấn mạnh, bão số 11 đang chịu nhiều hình thái tác động nên chưa thể khẳng định chính xác là vào đâu. Vì vậy, tầm ảnh hưởng còn rất rộng, kể cả gây mưa, rất cần phải có những bản tin sát, gần nhất.

"Không gì bằng chuẩn bị tinh thần cao nhất, chủ động nhất phương án ứng phó. Công tác dự báo phải bám sát, phải cập nhật liên tục 3 tiếng/lần cho các cơ quan thông tin để người dân nắm được, để chủ động trong ứng phó", Bộ trưởng chỉ đạo.

Đồng thời, an toàn trên biển phải được đảm bảo và tiếp tục thông báo cho số tàu thuyền còn lại để chủ động tránh trú.

Thêm vào đó, trọng tâm công tác ứng phó là toàn bộ đới bờ các tỉnh miền núi phía Bắc.

"Ứng phó với mưa lớn, mưa trung bình đều chuẩn bị tinh thần tối đa để ứng phó. Tập trung cứu hộ cứu nạn, tập trung tìm kiếm người mất tích.

Tập trung khắc phục nhanh các hạ tầng vừa chịu thiệt hại sau mưa ngập vừa qua, đặc biệt là hạ tầng điện. Riêng công trình hồ, kết hợp cả khắc phục và chủ động các giải pháp chủ động khi có mưa và mưa lớn", ông Cường lưu ý.

Cũng theo Bộ trưởng, đối với việc vận hành các hồ thuỷ điện vừa qua được đánh giá là linh hoạt, hiệu quả, cần tiếp tục phát huy, vận hành theo đúng quy trình liên hồ.

"Lâu nay chưa ai đóng thuỷ điện Sơn La, nhưng lần này điều hành linh hoạt, đóng thuỷ điện Sơn La đã góp phần chia sẻ với thuỷ điện Hoà Bình. Trước bão số 11, cần tổng kiểm tra các công trình hồ đập vì qua đợt này hồ nào "bệnh tật" biểu hiện hết", ông yêu cầu.

Cũng tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN và PTNT, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã quyết định truy tặng bằng khen cho phóng viên Đinh Hữu Dư là phóng viên thường trú TTXVN tại Yên Bái vừa thiệt mạng do lũ cuốn khi đi tác nghiệp.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại