Không phải 72 phép thần, đây mới thực sự là cảnh giới cao nhất trong Tây Du Ký nhưng rất ít người tỏ tường

Phương Anh |

Câu chuyện thần thoại sang Tây Thiên thỉnh kinh của Tây Du Ký thực ra là quá trình chinh phục chính mình của mỗi người.

Trong tứ đại danh tác của Trung Hoa, Tây Du Ký là tác phẩm có số lần được chuyển thể lên màn ảnh rộng và màn ảnh truyền hình nhiều nhất, cũng là tác được làm lại nhiều nhất lịch sử. Dường như Tây Du Ký là cảm hứng khai thác mãi không cạn của các nhà làm phim.

Xem biết bao phiên bản của Tây Du Ký nhưng ít ai hiểu được những chân lý thực sự ẩn giấu sau hành trình lấy chân kinh của thầy trò Đường Tăng.

Bài hát mở đầu nổi tiếng của Tây Du Ký 1986.

Năm thầy trò Đường Tăng thực chất chỉ là một

Không phải 72 phép thần, đây mới thực sự là cảnh giới cao nhất trong Tây Du Ký nhưng rất ít người tỏ tường - Ảnh 2.

Đường Tam Tạng cùng ba đồ đệ và ngựa Bạch Long Mã , tuy mỗi người lại có tính cách và xuất thân khác nhau nhưng cùng kiên định một mục tiêu lấy được chân kinh.

Nếu nhìn sâu vào từng vai trò của nhân vật trong hành trình tới Tây Thiên, không khó để nhận ra cả năm nhân vật này thực ra đều đại diện cho một người.

Trong đó, Tôn Ngộ Không là tượng trưng cho cái tâm, Đường Tăng là thân thể, Trư Bát Giới là tình cảm và dục vọng, Sa Tăng là bản tính, còn Bạch Long Mã là ý chí của con người.

Ngay trong nhưng chi tiết nhỏ, tác giả đã khéo léo chỉ ra điều này. Tôn Ngộ Không khi tầm sư học đạo trở thành đệ tử của Bồ Đề Tổ Sư trên núi Linh Đài Phương Thốn, động Tà Nguyệt Tam Tinh. Tà Nguyệt Tam Tinh có nghĩa là trăng khuyết và ba vì sao, chính là chữ "Tâm" trong chữ Hán.

Vậy nên, Tôn Ngộ Không là đại diện cho chữ Tâm của con người. Vì cái Tâm- Tôn Ngộ Không luôn lung lay chưa giác ngộ nên Quan Âm Bồ Tát mới tặng cho Đường Tăng chiếc vòng kim cô và bài chú để khắc chế được Tâm, giúp Tâm tĩnh không bị xao động.

Trong kinh phật xưa có viết "tâm có 72 tướng", 72 tướng này tương ứng với 72 phép biến hóa của Tô Ngộ Không cũng là chỉ tâm của con người đời thiên biến vạn hóa, có hỉ nộ ái ố đa dạng nhiều tâm trạng khác nhau.

Không phải 72 phép thần, đây mới thực sự là cảnh giới cao nhất trong Tây Du Ký nhưng rất ít người tỏ tường - Ảnh 3.

Bạch Long Mã là tượng trưng cho ý chí . Ý chí của con người giống như loài ngựa hoang, chỉ khi có được mục tiêu lấy chân kinh mới coi là được thuần phục.

Ngộ Không thu phục Tiểu Bạch Long, cũng chính là Tâm đã thu phục được Ý, tâm ý đã hòa hợp. Chỉ cần tâm ý cùng một lòng kiên định thì không có khó khăn nào không thể vượt qua, Tây Thiên dù xa đến mấy cũng có thể tới được.

Về sau, Đường Tăng cũng Tôn Ngộ Không lại thu phục được thêm Bát Giới và Sa Tăng, nghĩa là Thân, Tâm, Tình, Tính, Ý của con người đều đã hợp nhất. 

Hành trình hàng yêu diệt quái của thầy trò Đường Tăng  trên suốt chặng đường sang Tây Thiên cũng chính là con người đang trừ bỏ đi tính xấu trong mình để tu thành chính quả.

Lấy chân kinh cũng chính là tu tâm dưỡng tính

Cân Đẩu Vân của Tôn Ngộ Không là phép thần thông chỉ vù một cái là đi được 10 vạn 8 nghìn dặm. 10 vạn 8 nghìn dặm cũng vừa khéo bằng con đường từ Đông thổ Đại Đường đến Linh Sơn.

Về bản chất, Tôn Ngộ Không chỉ bước một bước là tới được Linh Sơn. Điều này ngụ ý Linh Sơn chẳng ở đâu xa, chân kinh ở ngay chính trong tâm ta. 

Thực ra trong mỗi người đều có sẵn tính thiện, chỉ cần nghiệm ra điều này thì Linh Sơn xa xôi cũng gần ngay trước mắt.

Không phải 72 phép thần, đây mới thực sự là cảnh giới cao nhất trong Tây Du Ký nhưng rất ít người tỏ tường - Ảnh 4.

Nhưng tâm lại cần phải trải qua biết bao nhiêu kiếp nạn mới có thể đạt được cảnh giới thành Phật.

Trong suốt hành trình sang Tây Thiên, trước khi Ngộ Không một mình đi xin cơm chay thường vẽ một vòng tròn lớn trên mặt đất để bảo vệ Đường Tăng. Đây chính là giới hạn mà Tâm đặt cho con người, nhưng thân thể của con người (Đường Tăng) lại thường hay bị dục vọng (Trư Bát Giới) dẫn dụ ra ngoài giới hạn đó.

Và mỗi khi bước ra khỏi giới hạn ấy Đường Tăng liền gặp phải các yêu ma, tức là thân thể mắc phải các tính xấu. Khi này, Trư Bát Giới hay Sa Tăng dù giỏi võ nghệ cũng không làm được gì, chỉ có Tôn Ngộ Không mới là người có thể giải cứu cho cả bốn thầy trò.

Không phải 72 phép thần, đây mới thực sự là cảnh giới cao nhất trong Tây Du Ký nhưng rất ít người tỏ tường - Ảnh 5.

Điều này chứng tỏ chỉ Tâm mới có thể hàng phục được ma tính, ngộ ra được chân lý. Cuối cùng khi tới được Tây Thiên, Phật Tổ cho nhóm thầy trò Đường Tăng kinh không chữ. Bởi chính những khổ nạn đã trải qua, những ma tính đã được hàng phục mới là chân kinh.  

Con người, sau khi trải qua tất cả khó khăn, khổ cực trên thế gian, mới chiêm nghiệm ra được chân lý của cuộc đời, không cần đi đâu xa chỉ cần tự tu tâm là có thể thành Phật.

Mỗi yêu quái là một phép ẩn dụ

Mỗi một yêu quái trên đường sang Tây Thiên mà thầy trò Đường Tăng thu phục đều là ẩn dụ của những tính xấu tồn tại trong mỗi người. Mỗi một yêu quái là đại diện cho những cám dỗ thường ngày đang trói buộc con người.

Hồng Hài Nhi ở Hỏa Diệm Sơn tượng trưng cho ngọn lửa thù hận. Hồng Hài Nhi phóng Tam Muội Chân Hỏa thiêu cháy Ngộ Không là ngụ ý rằng một người luôn sống trong thù hận thì cuối cùng cũng chỉ làm tổn thương cái tâm của mình.

Không phải 72 phép thần, đây mới thực sự là cảnh giới cao nhất trong Tây Du Ký nhưng rất ít người tỏ tường - Ảnh 6.

Hồng Hài Nhi

Ba hình tượng biến hoá của Bạch Cốt Tinh lần lượt đại biểu cho Tình – Ái – Dục của con người. Ngộ Không tiêu diệt cả ba hình dạng của yêu quái, ý nói rằng trong cuộc đời chúng ta nhất định phải khống chế được tình, ái, dục, không thể để chúng khống chế lại tâm mình.

Ngoài ra, Bạch Cốt Tinh cũng tượng trưng cho thân xác phàm của con người. Thân thể có thể khơi dậy bản năng dục vọng, vậy nên bất hòa với Trư Bát Giới mới bắt đầu từ đây. Và con người có thể bị đánh mất cái tâm, vì vậy Đường Tăng đã đuổi Ngộ Không đi.

Không phải 72 phép thần, đây mới thực sự là cảnh giới cao nhất trong Tây Du Ký nhưng rất ít người tỏ tường - Ảnh 7.

Bạch Cốt Tinh

Kim Giác và Ngân Giác vốn là 2 đồng tử coi lò luyện đan của Thái Thượng Lão Quân, trốn xuống trần thế rồi trở thành yêu quái tại núi Bình Đỉnh, động Liên Hoa.

Khi thầy trò Đường Tăng đi ngang qua địa bàn của chúng, Kim Giác và Ngân Giác đã dùng sợi dây thừng trói chặt Tôn Ngộ Không, sau đó nhốt Tôn Ngộ Không vào hồ lô.

Kim Ngân theo tiếng Hán là tiền bạc. Vậy nên Kim Giác và Ngân Giác là tượng trưng cho sức mê hoặc của đồng tiền. Tiền bạc có sức mạnh trói chặt tâm hồn khiến con người ta khó lòng mà thoát ra được.

Không phải 72 phép thần, đây mới thực sự là cảnh giới cao nhất trong Tây Du Ký nhưng rất ít người tỏ tường - Ảnh 8.

Kim Giác và Ngân Giác

Bảy con yêu tinh nhện mà thầy trò Đường Tăng gặp phải là đại diện cho thất tình lục dục của con người. Thất tình lục dục cũng giống như tơ nhện giăng lên, có thể bủa vây con người.

Một khi con người đã sinh tình thì sẽ bị tình cảm trói buộc. Nếu tâm sáng sẽ nhìn thấu những cạm bẫy này và vượt qua.

Không phải 72 phép thần, đây mới thực sự là cảnh giới cao nhất trong Tây Du Ký nhưng rất ít người tỏ tường - Ảnh 9.

Bảy nàng yêu nhền nhện

Trong tập phim Tôn Hành Giả Giả Hành Tôn, Tôn Ngộ Không một lòng hướng Phật đã đánh bại được Tôn Ngộ Không giả. Hai Mỹ Hầu Vương là hai loại ý chí, hai loại tư tưởng của bản thân trong con người ngày ngày vẫn tranh đấu với nhau.

Nếu đã lỡ "hai lòng" thì phải loại trừ ngay tà ý. Chỉ khi con người chuyên tâm nhất trí mới có thể đạt được thành công. Vậy nên Tôn Ngộ Không giả bị đánh chết, thầy trò mới có thể tiếp tục lên đường thỉnh kinh

Không phải 72 phép thần, đây mới thực sự là cảnh giới cao nhất trong Tây Du Ký nhưng rất ít người tỏ tường - Ảnh 10.

Hai Tôn Ngộ Không thật giả lẫn lộn

Tây Du Ký thực sự là một tác phẩm hàm chứa nhiều triết lý sâu xa đáng nghiền ngẫm.

Khi còn trẻ, người ta xem và thích thú với những thước phim đặc sắc đầy nhiệm màu thì khi đã trải nghiệm những gian nan của trường đời, nếu xem và nghiệm lại Tây Du Ký lại càng thấy nó ý nghĩa và sâu sắc hơn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại