Thị trường bán lẻ xăng dầu Việt Nam xuất hiện doanh nghiệp ngoại

Trường Bùi |

Thị trường kinh doanh xăng dầu Việt Nam lần đầu tiên có sự xuất hiện của doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài là liên doanh Idemitsu Q8 Petroleum do hai đối tác đến từ Nhật Bản và Kuwait góp vốn.

Trạm xăng đầu tiên được mở tại Khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội) có diện tích 6.000 m2. Từ trạm xăng này, Idemitsu Q8 Petroleum sẽ xây dựng mạng lưới trạm xăng tập trung chủ yếu dọc theo quốc lộ 5, nối Hà Nội với cảng Hải Phòng.

Thông tin được Idemitsu Kosan – đối tác góp một nửa vốn vào Idemitsu Q8 Petroleum – thông báo trên website chính thức của công ty. Một nửa vốn còn lại của Idemitsu Q8 Petroleum do Kuwait Petroleum International (KPI) đóng góp.

Nguồn cung xăng dầu để Idemitsu Q8 Petroleum kinh doanh sẽ đến từ nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, Thanh Hóa. Cả Idemitsu Kosan và KPI hiện đang là hai nhà đầu tư cùng với tập đoàn dầu khí Việt Nam và tập đoàn Mitsui Chemicals (Nhật Bản) tham gia vào dự án nhà máy lọc dầu Nghi Sơn.

Idemitsu Q8 Petroleum đã được cấp phép hoạt động tại Việt Nam từ tháng 4.2016. Tuy nhiên đến tháng 10.2017, Idemitsu Q8 Petroleum mới chính thức mở trạm xăng đầu tiên. Theo kế hoạch, dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn sẽ ra sản phẩm thương mại vào cuối năm nay. 

Liên doanh Idemitsu Q8 Petroleum chính thức hoạt động không ngoài mục đích tiêu thụ sản phẩm cho nhà máy lọc dầu Nghi Sơn. Trong thời gian chờ đợi các sản phẩm từ nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, Idemitsu Q8 Petroleum được phép mua sản phẩm từ các nhà cung cấp khác để làm quen thị trường.

Idemitsu Q8 Petroleum là doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu 100% vốn nước ngoài đầu tiên được cấp phép hoạt động tại Việt Nam. Đến nay đây là trường hợp ngoại lệ, khi Việt Nam không cam kết mở cửa thị trường xăng dầu khi ký hiệp định thương mại thế giới (WTO). 

Là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, Idemitsu Q8 Petroleum vẫn phải tuân thủ Nghị định 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu như các doanh nghiệp nội khác.

Kinh doanh xăng dầu là ngành kinh doanh có điều kiện, trước đây hoàn toàn thuộc về các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Tuy nhiên thị trường đã bắt đầu cởi mở hơn sau khi các doanh nghiệp thống lĩnh thị trường tiến hành cổ phần hóa.

Hiện tại Việt Nam có 29 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu, 120 thương nhân phân phối và hơn 14.000 cửa hàng trên cả nước. Ngoài Petrolimex với một nửa thị phần, PVOil với hơn 20% thị phần, phần còn lại đang chia cho các doanh nghiệp như Saigon Petro, Thalexim, Mipec Petro…

Các nhà đầu tư Nhật Bản ngày càng mở rộng sự hiện diện trong thị trường xăng dầu Việt Nam.

Một tập đoàn năng lượng của Nhật Bản là JX Nippon Oil and Energy hiện đang là cổ đông lớn sở hữu hơn 8% cổ phần Petrolimex, doanh nghiệp nắm giữ thị phần xăng dầu lớn nhất Việt Nam.

Theo nghiên cứu của Viện dầu khí Việt Nam, nhu cầu xăng dầu tại Việt Nam năm 2017 ước tính đạt 19,3 triệu tấn. Tuy nhiên, nhà máy lọc dầu duy nhất đang vận hành tại Việt Nam là Dung Quất mới chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu thị trường trong nước, còn lại Việt Nam vẫn phải nhập khẩu các sản phẩm xăng dầu. 

Trong 8 tháng đầu năm nay, cả nước đã nhập khẩu 8,63 triệu tấn xăng dầu các loại, tăng gần 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng xăng dầu nhập khẩu này có giá trị 4,51 tỉ đô la Mỹ, tăng 40%.

Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn có tổng công suất 200.000 thùng dầu/ngày, tương đương khoảng 10 triệu tấn dầu thô/năm. Nhà máy này sẽ xử lý dầu thô nhập từ Kuwait để sản xuất khí hóa lỏng, xăng, dầu diesel, dầu hỏa và nhiên liệu máy bay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại