Nỗi ấm ức của cô gái vàng
Đến bây giờ, Nguyễn Thị Huyền vẫn cảm thấy ấm ức vì từng bị chê là xao nhãng, ham chơi dẫn tới thành tích giảm sút. Ngay cả khi Huyền đoạt 3 HCV ở SEA Games 29, người ta vẫn nghĩ cô từng chạy chậm lại vì chuyện học tập và tình cảm ảnh hưởng tới tập luyện, thi đấu.
Nhưng ít ai biết câu chuyện chính xác của thời gian Huyền sa sút phong độ hậu SEA Games 28, kì SEA Games cô cũng đã đoạt 3 HCV là gì.
"Khi mà thành tích của em bị giảm sút thì mọi người nói là do xao nhãng, chứ không biết chính xác câu chuyện như thế nào. Sau SEA Games 2015, em lại đi thi đấu tiếp luôn. Do cơ thể bị quá tải, cơ bắp bị suy nhược nên bị tái phát chấn thương.
Đến năm 2016, em chuẩn bị thi giải Singapore mở rộng vào tháng Tư, chuẩn bị cho Olympic, khi đó còn đang đợi xem có được đi không, thì lại bị chấn thương lưng, không thể thi đấu được.
Khi đó, em nghĩ đường nào cũng không tập được thì mới quyết định đi học để cho xong hẳn, năm sau không phải lo gì về việc học nữa. Khi học về thì tập luyện để dự Olympic, nhưng do mới chấn thương nên không được ổn.
Sau khi đi Olympic về, tập luyện trở lại thì em mới có được phong độ như trước" - Nguyễn Thị Huyền kể lại.
SEA Games 2015, Huyền đoạt HCV 400m nữ, 400m vượt rào nữ và tiếp sức đồng đội nữ 4x400m. SEA Games 2017, cô lại đoạt được đầy đủ những vinh quang ấy.
Một tâm sự rất thật của Huyền mà có lẽ mọi VĐV đều hiểu, rằng nếu mình không tự lo cho bản thân thì sẽ chẳng có ai lo cho cả. Đó chính là lý do Huyền muốn tranh thủ thời gian đang chấn thương để đi học.
Điều duy nhất khiến Huyền suy nghĩ khi đi học, khoảng thời gian chỉ mất có... 10 ngày, là đã không xin phép thầy trước, dẫn tới việc thầy giận vì quá lo lắng cho cô học trò.
"Chuyện mâu thuẫn với thầy thì là do khi đó em đi học đúng lúc thầy về quê do anh trai thầy mất nên đã không kịp xin phép. Em thì nghĩ là phải đi học vì sang năm là SEA Games, không biết bao giờ mới có thời gian rảnh cho việc đó. Chẳng ai lo được cho bản thân mình ngoài tự mình cố gắng, nên em quyết định sang Từ Sơn, Bắc Ninh.
Em đi mất khoảng 10 ngày, sau đó khi thầy trở lại mới biết và có giận em. Lỗi là do em không xin phép thầy trước. Đáng lẽ em phải xin phép thầy. Ngoài ra, em nghĩ rằng thầy lo cho em, sau đỉnh cao ở SEA Games thì sẽ thay đổi. Nhưng thực ra là không có gì cả. Thầy thì là lo cho em thôi, vì đang đỉnh cao mà thành tích suy giảm thì thầy rất lo. Thầy chỉ luôn nghĩ tốt cho em".
Khát vọng chứng tỏ bản thân sau những giọt nước mắt âm thầm
Quãng thời gian sa sút phong độ là thời điểm Huyền chịu rất nhiều áp lực. Đầu năm 2017, cô cưới chồng và sau đó có thêm 1 người để bầu bạn, nhưng đồng thời cũng phải hy sinh hạnh phúc của gia đình nhỏ cho việc tập luyện, thi đấu xa nhà. Chính việc muốn chứng tỏ bản thân đã giúp Huyền vượt qua khó khăn.
"Chồng em cũng thông cảm dù đôi khi cũng hơi ghen 1 tý. Nhưng đó là gia đình mình mà. Bây giờ em vẫn còn khả năng, vẫn muốn cống hiến. Điều quan trọng nhất là em muốn chứng tỏ cho mọi người biết, sau khi thành tích suy giảm thì em vẫn tốt.
Có nhiều động lực khiến em phải trở lại. Khi em bị sa sút phong độ thì mọi người nói là xao nhãng nhưng thực ra là do chấn thương. Khi mọi người nói thế thì em rất là buồn. Sao mọi người không tìm hiểu vấn đề?
Em từng nghĩ tại sao khi mình thành công thì mọi người tìm đến, mà lúc thất bại mọi người không an ủi mình một câu? Thay vào đó mọi người cứ nói mình thế này, thế kia… Em thấy khi tốt thì được tung hô, còn khi không tốt thì tất cả mọi thứ như không còn nữa vậy".
Theo đuổi nghiệp điền kinh, Huyền đã phải hy sinh rất nhiều.
Khó trách Huyền khi những suy nghĩ ấy cứ đeo bám. Thậm chí, mọi người cứ nói về Huyền mà ít ai tìm tới để cho cô giãi bày bản thân. Cứ thế, nhiều lần nữ VĐV Nam Định đã phải khóc vì nỗi ấm ức không biết giải tỏa cùng ai.
"Lúc mà mọi người nói em xao nhãng, rồi thế này thế kia thì buồn nhiều, tủi thân khóc, có lúc như muốn nghỉ tập luôn ấy. Lắm lúc cảm thấy như cả thế giới quay lưng với mình. Lắm khi em định viết lên facebook nhưng rồi lại thôi. Buồn vì không ai hỏi mình. Có ai đó còn bảo em trèo tường đi chơi nữa..."
Hy sinh tất cả cho thể thao đỉnh cao, Huyền cũng không biết chính xác khi nào mình có thể tính chuyện con cái. Vì VĐV điền kinh nữ sau khi sinh con rất khó trở lại tập luyện, thi đấu và giành thành tích.
Thế nhưng, Huyền vẫn muốn phấn đấu, kéo dài đỉnh cao của mình để cống hiến cho đất nước lâu nhất có thể. Sau lần trở lại Bắc Ninh học như đã nói ở trên, Huyền đã tốt nghiệp ĐH TDTT và sau này khi giải nghệ, cô vẫn tiếp tục muốn gắn bó với điền kinh. Hiện, quê hương Nam Định cũng đã "rào trước" rằng muốn Huyền về tỉnh làm công tác huấn luyện sau khi giải nghệ.
Ở tuổi 24, sự nghiệp điền kinh sẽ còn kéo dài với Nguyễn Thị Huyền và cô sẽ còn mang về được cho tổ quốc nhiều vinh quang nữa. Nhưng cũng ở tuổi 24, các cơn đau từ chấn thương đã bắt đầu đeo bám Huyền mỗi khi trái gió trở trời.
Chấn thương lưng khiến Huyền đau lên tận cổ và đầu, trong khi đó, vết rách bắp cũng cứ thay đổi thời tiết là đau nhức không nguôi. Thế mới biết, các VĐV trong vinh quang cũng luôn đi kèm đau khổ. Vì thế, hãy thương họ thêm chút nữa!
Nguyễn Thị Huyền giành HCV 400m nữ ở SEA Games 29