Những vụ nổ thiên thạch "sát trên đầu" có sức công phá mạnh hơn cả bom H

Hoa Hướng Dương |

Thiên thạch di chuyển với tốc độ cao nên mang năng lượng cực kỳ lớn khi va chạm, chúng có thể phát nổ khi va chạm bề mặt Trái Đất hoặc ngay trên không.

Thiên thạch là những vật thể không gian ngoài Trái Đất đi vào khu vực khí quyển Trái Đất, khi ở ngoài khí quyển Trái Đất thì có tên là vân thạch.

Do bên ngoài lớp khí quyển Trái Đất là môi trường chân không nên thiên thạch khi đó sẽ không phát sáng, chỉ khi tới bề mặt Trái Đất với lực cản của không khí cực lớn làm cho thiên thạch nóng lên bởi ma sát, chúng ta mới thấy xuất hiện đuôi (như sao băng) của thiên thạch.

Lúc này, phụ thuộc vào kích thước của thiên thạch mà nó sẽ "nổ" (thực ra là giải phóng năng lượng cực lớn giống như nổ) ở mặt đất khi va chạm hay ở trên không trung. Trường hợp 3 thiên thạch phát nổ ngay trên bầu trời Trung Quốc đêm Trung Thu là một ví dụ.

Xem video:

Vụ nổ thiên thạch ở Trung Quốc đêm Trung Thu. Nguồn: Youtube/Scinews.

Thông thường, các thiên thạch phát nổ trên không có đường kính chỉ từ vài mét đến dưới 1 km (nếu nhỏ quá nó sẽ bị "tan biến" trước khi tới mặt đất), tuy kích thước không lớn nhưng do có động năng lớn, sự nguy hiểm của chúng chẳng khác gì bom nguyên tử cả.

Như trường hợp vừa qua ở Trung Quốc, các thiên thạch này di chuyển với tốc độ 14,6 km/s, may thay nó đã nổ cách mặt đất 37 km nên dù mang năng lượng tương đương 540 tấn thuốc nổ TNT nhưng không có thiệt hại đáng kể về người và của.

Trong lịch sử cũng từng có những vụ việc nổ thiên thạch "ngay trên đầu" con người như vậy, hãy cùng điểm lại những vụ đáng chú ý nhất:

Thiên thạch 2008 TC3 - thiên thạch đầu tiên được quan sát - theo dõi

Những vụ nổ thiên thạch sát trên đầu và công phá mạnh hơn cả bom H - Ảnh 2.

Thiên thạch 2008 TC3 nổ trên bầu trời. Ảnh ASIMA - SETI Institute.

Ngày 7/10/2008, thiên thạch 2008 TC3 (có mã số 8TA9D69) đã đi vào không phận bắc Sudan với tốc độ 13 km/s, với kích thước khá nhỏ (đường kính từ 2m đến 5m). Đây là thiên thạch đáng chú ý nhất vì lần đầu tiên con người quan sát và theo dõi được 1 thiên thạch trước khi tới Trái Đất.

Sau đó phát nổ ở độ cao 10 km nhưng năng lượng của nó còn lớn hơn cả trường hợp ở Trung Quốc với năng lượng tương đương 1.000 tấn thuốc nổ TNT. Vụ nổ tạo ra quả cầu lửa mà có thể quan sát được dù cách vị trí nổ tới 1.000 km!

Thiên thạch nổ ở Chelyabinsk, Nga (ngày 15/02/2013) gây ra thiệt hại lớn nhất trong vòng 100 năm qua

Những vụ nổ thiên thạch sát trên đầu và công phá mạnh hơn cả bom H - Ảnh 3.

Vụ nổ Chelyabinsk, Nga. Ảnh Wikipedia.

Đây là vụ nổ vô cùng lớn mà theo tính toán của các nhà nghiên cứu thuộc Học viện Khoa học Cộng hòa Czech và Đại học Western Ontario, Canada thì sức công phá hủy diệt còn lớn gấp 30 lần quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima, Nhật Bản gần cuối thế chiến II.

Cụ thể nguồn năng lượng này xấp xỉ 500.000 tấn thuốc nổ TNT, tuy vậy kích thước của thiên thạch cũng chỉ tương đương một con cá nhám voi (18,8 m), điều này cho thấy sự đáng sợ mà các thiên thạch có thể gây ra khi di chuyển với tốc độ vượt siêu thanh.

Do vụ nổ quá lớn nên tuy nổ ở độ cao 43 km nhưng nó gây thiệt hại rất lớn trên 5 khu vực của Nga, làm hư hại hơn 3.000 căn nhà, có tới hơn 1.200 người bị thương

Vụ nổ tại Tunguska bí ẩn thách thức khoa học hơn 100 năm nay

Những vụ nổ thiên thạch sát trên đầu và công phá mạnh hơn cả bom H - Ảnh 4.

Vụ nổ tại Tunguska. Ảnh Pinterest.

Sự kiện kinh hoàng tại Tunguska ngày 30/06/1908 có sức công phá tương đương 10 đến 15 triệu tấn thuốc nổ TNT (gấp 600 tới 900 lần bom nguyên tử thả xuống Hiroshima), quét sạch 80 triệu cây cối, động vật trong vùng diện tích hơn 2.000 km2

Một kỷ lục khác nữa là đây cũng là vụ nổ có độ cao gần nhất, có thể nói là "ngay trên đầu" con người với độ cao chỉ 8,5 km. Ước tính tốc độ di chuyển của nó khi vào khí quyển lên tới 50.000 km/h và bị đốt cháy lên tới 24.704 độ C (gấp hơn 4 lần nhiệt độ lõi nhân Trái Đất - 6.000 độ C).

Kể từ năm 1909 với trường hợp sự kiện Tunguska, Trái Đất đã hứng chịu gần 60 vụ nổ thiên thạch lớn nhỏ trên không, mặc dù chúng ta đã nổ lực theo dõi và quan sát các mối nguy hiểm tiềm tàng ngoài không gian nhưng vẫn khó lòng ngăn cản những "quái vật" này!

Bài viết được dịch từ các nguồn: Bbc.com, Theguardian.com, Planetary.org, Nasa.gov


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại