Cuộc đời kỳ lạ và bí ẩn của đạo diễn Ngụy Minh Khang

Cao Thanh Hương |

"6 tháng tuổi, tôi nhập viện trong tình trạng mắt, mũi, tai, miệng đều chảy máu, não bị sưng to. Tôi chết và được đưa vào nhà xác bệnh viện...", Ngụy Minh Khang kể.

Ngụy Minh Khang là anh chàng kỳ lạ. Kỳ lạ từ cuộc đời đến cách nghĩ và cá tính khác người. Tuổi thơ của Khang là những thước phim kinh dị, là chuỗi ngày đầy giông bão nhưng Khang nhìn mọi chuyện thản nhiên, vui tươi và đầy sắc màu điện ảnh.

Với Minh Khang, đó là một kho tàng điện ảnh nhiều người mơ cũng không có. Khang nhận mình may mắn và hạnh phúc khi sống trong một gia đình bất hạnh...

Đứa con không được thừa nhận

Sau khi sinh được anh Hai, ba mẹ tôi ly dị. Về nhà ngoại, mẹ mới biết mình đang mang bầu. Bà ngoại muốn mẹ phá thai vì sợ hàng xóm láng giềng dị nghị "mới thôi chồng mà lại có bầu". Mẹ làm đủ mọi cách để thai hư, vắt nước đu đủ uống, trèo lên cây dừa phóng xuống đất, nhảy dây... thậm chí chích thuốc cho ra thai.

Nhưng hình như mẹ càng tìm cách bỏ thai thì đứa bé trong bụng càng lớn lên khoẻ mạnh. Hai tháng sau, mẹ đi bác sĩ khám. Lúc đó, thai đã được 3.5 tháng tuổi. Bác sĩ nói mẹ nên suy nghĩ cho kỹ vì nếu chích mũi thuốc này thì đứa bé chết chắc.

Mẹ khóc. Mẹ nghĩ vợ chồng đã ly dị, nếu sinh con ra nó sẽ khổ vì không có cha. Mẹ quyết định chích thuốc ra thai. Hai tuần sau mẹ tái khám, bác sĩ ngỡ ngàng vì thai nhi phát triển tốt hơn cả lần kiểm tra trước đó, giống như thuốc phá thai là thuốc bổ đối với đứa nhỏ (cười)!

Gia đình đòi nạo thai nhưng bác sĩ từ chối. Lúc đó, cả nhà ai cũng sợ vì nghĩ mình đã cố giết nó nhiều lần, chẳng những nó không chết mà còn sống khoẻ hơn. Vậy là bà ngoại nói "đây là ý trời" nên quyết định để mẹ đẻ.

Tôi được ra đời trong hoàn cảnh như thế!

Ngày sinh, mẹ báo cho ba biết. Ba tôi vào viện nhìn tôi rồi về. Gia đình bên nội đương nhiên cũng không thừa nhận vì nghi ngờ tôi không phải là con của ba.

Gia đình ngoại nghèo. Mới đẻ được vài tháng, mẹ để tôi lại cho bà ngoại nuôi để lên Sài Gòn tìm việc làm, thỉnh thoảng mẹ ghé về thăm.

Cuộc đời kỳ lạ và bí ẩn của đạo diễn Ngụy Minh Khang - Ảnh 1.

3 lần chết đi sống lại

Sáu tháng tuổi, tôi bị sốt xuất huyết não hơn 40 độ. Tôi nhập viện trong tình trạng mắt, mũi, tai, miệng đều chảy máu và đầu bị sưng to. Dù bác sĩ đã cố gắng hết sức cứu chữa nhưng đêm hôm đó, tôi ngừng thở, tim ngừng đập. Tôi được chuyển vào nhà xác của bệnh viện chờ sáng hôm sau gia đình đem về chôn.

Vậy mà tôi hồi sinh! Đó là một câu chuyện ly kỳ và bí ẩn.

Lúc đó, có một bác sĩ nữ vào nhà xác để làm thủ tục. Vị bác sĩ đó cứ đứng nhìn tôi. Bà có một linh cảm rất lạ, như có ai đó níu chân, muốn đi ra mà không đi được. Bà bác sĩ quyết định đi tới và hô hấp nhân tạo cho tôi dù biết chắc chắn 100% là tôi đã chết, người tím lạnh.

Sau 15 phút hô hấp nhân tạo mà không thấy có gì khác, bà bác sĩ định đi ra. Đúng lúc ấy, tay tôi cựa quậy. Các y tá, bác sĩ chạy vào đưa tôi ra phòng cấp cứu.

Tôi sống lại.

Bác sĩ nói với mẹ và gia đình: "Thằng bé có sống lại thì nó cũng sẽ sống thực vật hoặc thiểu năng, khùng khùng điên điên vì sốt xuất huyết não quá lâu. Não bị sưng to và thiếu ô-xy". Mẹ nói, "miễn là nó còn sống, khùng khùng tôi cũng nuôi".

Hôm đó cũng là ngày thứ bảy tôi bị sốt. Bác sĩ dặn "Đêm nay nó sẽ chết thêm lần nữa. Nếu qua được ngày hôm nay thì đứa bé sẽ sống". Đúng 2, 3 giờ sáng hôm đó, tôi chết thêm lần nữa.

Bác sĩ còn nói "Chắc sau này nó không đi học được đâu".

Cuộc đời kỳ lạ và bí ẩn của đạo diễn Ngụy Minh Khang - Ảnh 2.

Sau hai lần tôi chết đi sống lại, ba mẹ bắt đầu hàn gắn lại. Nhưng không lâu sau, họ lại giận hờn rồi chia tay. Ba lại tiếp tục không ngó ngàng gì tới tôi. Mẹ lại lên Sài Gòn làm ăn. Tôi tiếp tục ở với bà ngoại.

Tuổi thơ của tôi chưa từng biết mùi sữa. Ngoại nuôi tôi bằng nước cơm hòa với đường thốt nốt. Tôi cứ uống nước cơm mà lớn.

Tôi gọi bà ngoại là mẹ và gọi mẹ ruột là má. Mỗi lần bà ngoại dắt đi chơi, tôi đều gọi: "Mẹ, Mẹ". Bà ngoại gắt "Không. Bà ngoại", tôi lại kêu: "Mẹ". Ngoại táng cái bốp vô đầu và dằn "Bà ngoại". Tôi lại kêu lớn hơn: "Mẹ". Bà ngoại nói hoài không được, bực mình bảo: "Mày muốn kêu gì thì kêu".

Tôi lỳ lợm, ít gần gũi mẹ. Mỗi lần mẹ từ Sài Gòn về thăm, gọi cho kẹo, tôi đều đứng nhìn, không lại gần ôm ấp. Với ba cũng vậy.

Bà ngoại nghèo và già nên không chăm sóc được cho thằng cháu côi cút. Tôi không có giấy khai sinh, không được đi học, không có bạn bè, suốt ngày làm bạn với chó mèo, trâu bò lợn gà... giống như một đứa trẻ bụi đời, cầu bơ cầu bất.

Đầu tôi bị ghẻ tới mức nước vàng chảy xuống ướt áo. Tôi đi tới đâu, ruồi bu xèo xèo tới đó. Vì thế, mọi người gọi tôi là Đầu Ghẻ. Mỗi lần mẹ từ Sài Gòn về, nhìn thấy con đều hết hồn nhưng mẹ chẳng ở được lâu, lo xong mẹ lại đi và tôi lại nhanh chóng quay về với cái đầu ghẻ chảy nước vàng.

Cuộc đời kỳ lạ và bí ẩn của đạo diễn Ngụy Minh Khang - Ảnh 3.

Minh Khang và anh trai hồi nhỏ (ảnh: NVCC)

Thời gian cứ thế trôi qua. Hai tuổi, tôi lại té mương chết. Khi bà ngoại lôi được tôi lên bờ thì người đã bầm tím. Bà ngoại nhờ người báo cho mẹ: "Khang chết rồi", vậy mà không biết mọi người hô hấp thế nào, tôi lại sống dậy.

Vài năm sau, ba mẹ quay lại với nhau. Tôi được rước về nhà nội ở. Thời gian đó, bà ngoại hầu như ngày nào cũng xuống thăm. Gặp bà ngoại, tôi vẫn kêu "mẹ".

Luôn bị nghi ngờ không phải là con ruột của ba

Tôi nhớ mãi ngày đầu tiên theo mẹ về nhà nội. Nhà nội giàu có. Ba lại là người đầu tiên cưới vợ nên anh Hai được xem như cháu đích tôn, cục vàng trong nhà. Anh Hai được các cô chú giành nhau ẵm bồng còn tôi không ai giành cả (cười).

Anh Hai từ nhỏ sống sung sướng, làn da trắng bóc, quần áo chỉn chu, học lớp 1, lớp 2 vẫn còn đeo bình sữa trước ngực đi học. Trong khi đó, tôi là một hình ảnh trái ngược hoàn toàn. Đen đúa, dơ dáy đúng kiểu bụi đời, đánh nhau sẹo khắp người.

Ngày đầu tiên hai anh em gặp nhau, tôi chống nạnh hỏi: "Tao nghe nói mày là anh trai tao phải không"? Anh Hai cũng chống tay vào nạnh nói: "Tao nghe ba nói, mày là em tao hả"?

Cuộc đời kỳ lạ và bí ẩn của đạo diễn Ngụy Minh Khang - Ảnh 4.

Mẹ của Minh Khang (ảnh do NVCC).

Bây giờ nhớ lại hình ảnh đó, tôi thấy rất mắc cười và đầy chất điện ảnh. Tất nhiên, ngày đó thì không nghĩ như vậy bởi vì hai anh em rất ghét nhau.

Mẹ kêu anh Hai cho tôi uống miếng sữa. Đó là thứ ngon nhất trên đời mà tôi từng biết. Tôi uống tì tì vơi ngay nửa bình. Anh Hai la toáng lên, đòi bình sữa lại.

Cả nhà nhào vào giằng bình sữa, còn tôi lấy cả tay và chân quắp bình mà uống. Khi mọi người giằng được ra thì không còn giọt sữa nào. Anh Hai tôi lăn ra khóc còn tôi vẫn lâng lâng không biết cái gì mà ngon quá trời như thế!

Tất nhiên vì chuyện này mà tôi bị ăn đòn. Trước đó, nhà nội đã không ưa thì nay ghét ra mặt.

Ăn cơm, dù được ngồi trên bàn nhưng tôi có phần riêng, không được gắp đồ ăn chung, anh Hai thì được. Vì thế, lâu lâu anh Hai cũng gắp thêm cho tôi và thế nào cũng bị bà cố mắng "nó ăn hết thì thôi, gắp làm chi". Những lúc như thế, tôi thấy anh Hai dễ thương nhất.

Ăn bánh, anh Hai luôn được chia nhiều hơn. Cũng vì chuyện này mà hai anh em hay so bì, đánh nhau. Lần nào anh Hai đánh cũng thua nhưng được bà cố can và tôi lại ăn đòn.

Hồi nhỏ, tôi không giống ba nên mọi người vẫn luôn nghi ngờ. Mãi sau này, càng lớn tôi càng giống ba và bắt đầu được nhà nội thương.

Cuộc đời kỳ lạ và bí ẩn của đạo diễn Ngụy Minh Khang - Ảnh 5.

Ba của Minh Khang (ảnh do NVCC).

Từ năm lớp 1 đến năm lớp 2, tôi rất lười học, gần như không bao giờ làm bài. Anh Hai học rất giỏi nhưng đánh nhau thì dở, lỡ gây sự với các anh bự con lớp trên là dắt đến chỗ tôi và bảo "mày phải đánh thắng em tao thì mới được đánh tao".

Suốt mấy năm tiểu học, tôi được anh Hai "dắt mối" cho đánh nhau như thế. Đổi lại, về nhà tôi được anh Hai cho ăn phần bánh nhiều hơn, được anh làm bài tập hộ. Vì miếng ăn mà trên mặt tôi lúc nào cũng đủ các màu tím, đen, đỏ, xanh... tuỳ vào từng chấn thương.

Ngày nào, thầy cô cũng gửi giấy mời ba mẹ lên họp phụ huynh về chuyện tôi đánh nhau ở trường. Và ngày nào tôi cũng được ăn no đòn của ba mẹ nhưng hôm sau, tôi vẫn đánh nhau bình thường. Riết, các thầy cô không thèm gửi thư mời phụ huynh nữa.

Mãi tới năm lớp 3, lớp 4 tôi mới bắt đầu để ý đến việc học hành.

Hồi nhỏ tôi có biệt danh là Khang khùng. Mỗi lần nghe ai kêu thế, tôi ghét lắm. Ngay cả ba mẹ cũng gọi như vậy. Mỗi lần tôi làm ba giận hay đánh nhau với anh Hai, mẹ lại bảo: "Nó khùng, anh chấp nó làm chi" hoặc: "Em mày nó khùng, hơn thua với nó làm gì".

Nhưng thật ra chuyện mọi người kêu như vậy là có nguyên nhân. Tôi chẳng những 3 lần chết đi sống lại mà còn có khá nhiều điều kỳ quặc. Hồi ba mẹ mới quay lại với nhau, tôi ở trong một cái chòi trông vườn cam quýt, xoài. Kế bên vườn là khu nghĩa địa.

Cuộc đời kỳ lạ và bí ẩn của đạo diễn Ngụy Minh Khang - Ảnh 6.

Trong khu nghĩa địa có rất nhiều cây bạch đàn, chim thường làm tổ trên đó. Buổi trưa 12 giờ, tôi thường vào đó lang thang đi bắt gà, bắt chim, bắt chuột. Mỗi lần buồn, tôi cũng đi trong khu nghĩa địa và nói chuyện một mình.

Mọi người ai cũng sợ. Họ nghĩ tôi bị người cõi âm theo nên mới làm những việc khùng điên, quái dị như vậy. Cộng thêm sau lần chết hụt vì sốt xuất huyết não hồi 6 tháng tuổi nên cả nhà đinh ninh lời bác sĩ nói là đúng. Ai cũng gọi tôi Khang khùng.

Lên cấp 2, tôi vào thị xã Sa Đéc học. Hai anh em thuê một phòng trọ ở. Tôi tự lập và tách gia đình từ đó.

Khi chưa hiểu chuyện, tôi cũng từng trách móc ba mẹ nhưng lớn rồi, tôi không giận hờn họ. Đó là số mệnh của tôi, là cuộc đời tôi. Nhờ số phận bất hạnh đó, tôi mới có vốn sống giàu chất điện ảnh để bước chân vào nghệ thuật như ngày hôm nay.

* Ghi theo lời kể của nhân vật.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại