Nhân viên quét dọn choáng với "sản phẩm" khách để lại và lời nhắc nhở về ý thức

Pi Pi |

Những hình ảnh trong một quán hát sau khi khách ra về được nhân viên lau dọn chia sẻ trên mạng xã hội đã làm nổ ra cuộc tranh luận vô cùng sôi nổi.

Những tình huống, những câu chuyện về ý thức của người Việt ở các nhà hàng, khách sạn từ trước tới nay luôn là chủ đề thu hút nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận. 

Nhiều người mang theo quan điểm vì mình đã trả tiền phục vụ cho nhà hàng nên có quyền làm mọi điều mình muốn kể cả chuyện xả rác bừa bãi và kết quả là sau khi rời đi, họ đã để lại "bãi chiến trường" khiến nhân viên phải khóc dở mếu dở đi thu dọn.

Dưới đây là một tình huống như thế được nhân viên của một quán hát chia sẻ lại trên mạng xã hội. Nữ nhân viên này phàn nàn, than thở vì khách quá thiếu ý thức, bắn 2 quả pháo giấy để mừng sinh nhật khiến sàn đầy rác, không chỉ thế còn bôi đầy bánh kém ra khắp phòng từ ghế ngồi, tường cho tới mic hát...

"Thực sự nhiều lúc nghĩ nhà làm quán, khách đến thì phải phục vụ niềm nở, chu đáo, nhưng cái gì nó cũng một vừa hai phải thôi, đâu phải bỏ tiền ra thì muốn làm gì thì làm được. Tổ chức sinh nhật ngày vui nhưng cũng nên ý thức một tí, đằng này bắn hẳn 2 quả pháo, ăn bánh gato thì bôi đày phòng từ bàn ghế, sàn nhà, tường đến 2 cái mic.

Thế là tôi phải lau dọn, tôi nói thật dù biết khách bỏ tiền ra thì mình phải phục vụ nhưng cái gì cũng phải có ý thức. Khách nào mà cũng như thế này chả mấy phòng hát hỏng..."

Nhân viên quét dọn choáng với sản phẩm khách để lại và lời nhắc nhở về ý thức - Ảnh 1.

Khung cảnh khách để lại khiến nhân viên dọn dẹp hoảng sợ.

Tương tự như trên, câu chuyện của một nhân viên dọn phòng đang làm việc cho một khách sạn 4 sao tại Singapore cũng đã từng thu hút nhiều tranh luận trái chiều về ý thức của người Việt. 

Người viết còn không ngần ngại khi nói rằng, dọn dẹp phòng cho khách Việt Nam là điều là họ cảm thấy ngán ngẩm đồng thời, kêu gọi khách Việt "Hãy thương ấy những người dọn phòng khách sạn":

"Tôi hiện đang làm dọn phòng khách sạn 4 sao ở Singapore. Sau thời gian dài làm việc, tôi thấy người Việt Nam mình trong con mắt của những người dọn phòng khách sạn là "vô cùng bê bối".

Khi biết khách ở là người Việt Nam, những người dọn phòng đều lắc đầu ngán ngẩm nếu giao họ dọn phòng đó vì vừa dơ, vừa không có tiền típ.

Họ thích dọn phòng cho người Nhật nhất. Vì họ ở rất ngăn nắp và sạch sẽ. Lại típ cho phục vụ phòng mỗi ngày. Họ ngán nhất là người Ấn Độ, Indonesia, và Việt Nam.

Tôi muốn gửi đến một thông điệp: "Hãy thương lấy nhân viên dọn phòng khách sạn một chút".

Nỗi khổ của nhân viên dọn phòng và tâm sự "Người Việt vô cùng bê bối" - Ảnh 1.

Hy vọng khi đã hiểu được nỗi khổ của nhân viên buồng phòng, khi đến ở khách sạn, chúng ta hãy cư xử thật văn minh để công việc của họ đỡ vất vả hơn.

Làm ơn đừng:

1. Xả rác đầy phòng trong khi đã có thùng rác.

2. Nếu có ăn mì ly, làm ơn cứ để ly trên bàn hoặc để ly đứng trong thùng rác. Đừng quăng vào thùng rác một cách cẩu thả làm đổ nước mì ra. Vì như thế người dọn phòng phải đem thùng rác đi rửa, rất mất vệ sinh lại tốn thời gian.

3. Nếu có bấm nút "Do not disturb" (Xin đừng làm phiền), thì ra khỏi phòng xin nhớ tắt. Vì người dọn phòng không thể dọn phòng bạn nếu đèn "Do not disturb" sáng. Đồng nghĩa với việc họ mất một phòng. Lương của họ tính theo phòng.

Cuối cùng, xin hãy để lại ít nhất 2 đô la cho phục vụ phòng. Điều đó làm họ thấy hứng khởi làm việc và biết ơn.

Tôi xin chia sẻ một chút về công việc dọn phòng để các bạn hiểu và thông cảm. Chúng tôi được giao mỗi người một ngày dọn 17 phòng trong 8 tiếng.

Khi khách trả phòng phải thay toàn bộ ga giường và chăn mền. Nếu ngày nào có trên 10 phòng trả thì chúng tôi sẽ phải làm quá giờ nhưng vẫn không được tính thêm tiền.

Công việc này không phải ai cũng làm nổi. Nó nặng nhọc và áp lực. Nếu ai không cố gắng thì sẽ bỏ trong thời gian học việc.

Khi khách có típ thì tất nhiên chúng tôi sẽ chăm sóc chu đáo hơn (như để nhiều nước, cà phê hơn quy định, thay áo gối mỗi ngày, thay ga giường thường xuyên hơn... )

Tôi thích phong cách của người Nhật. Họ ngăn nắp, lịch sự, ấm áp, và luôn tôn trọng người khác. Có những người khách típ tiền kèm thêm một thỏi sô cô la hoặc vài viên kẹo, không quên viết chữ "Thank you" cho chúng tôi".

Nhân viên quét dọn choáng với sản phẩm khách để lại và lời nhắc nhở về ý thức - Ảnh 2.

Nhiều người cho rằng họ đã bỏ tiền cho phí dịch vụ thì có thể làm mọi thứ mình muốn, kể cả xả rác bừa bãi như thế này.

Không chỉ dừng lại ở việc chỉ ra những hành động thiếu ý thức, người viết còn chia sẻ kỉ niệm đáng nhớ về cách cư xử khác biệt giữa du khách nước ngoài và khách Việt:

"Có lần tôi rất cảm động khi có vị khách đặt chiếc hamburger trên tờ 5 đô la. Kế bên là dòng chữ "Thank you for leaning my room". Tôi cảm nhận được sự quan tâm và tôn trọng. Tôi chưa thấy khách người Việt Nam nào xử sự như thế.

Tôi thấy họ có vẻ xem thường công việc của chúng tôi. Khi tôi chào, họ không đáp lại. Khác hẳn với người Nhật. Họ luôn chào lại với nụ cười rất thân thiện.

Với thời gian làm việc 2 năm, tôi chưa gặp được một người khách Việt Nam ngăn nắp, lịch sự và típ cho phục vụ phòng".

Dẫu biết rằng, khi bỏ tiền ra thuê dịch vụ thì khách hàng có thể làm những điều mình muốn, thế nhưng mọi hành động đều nên có giới hạn, hãy cư xử sao cho thật văn minh lịch sự. 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại