"Siêu bão" của Tổng thống Trump

Hiệu Minh |

Siêu bão Irma hay Harvey có làm đổ nhà, chết người thì cũng không đáng sợ bằng bắt gần 1 triệu người làm lại cuộc đời từ số 0.

Nước Mỹ vừa trải qua siêu bão Harvey lớn nhất trong 20 năm qua, để lại hậu quả kinh hoàng, nhưng đối với những đứa con nhỏ theo cha mẹ nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ thì cơn bão Harvey không phải là điều đáng sợ nhất.

Chính quyền Trump vừa tuyên bố chấm dứt chương trình bảo vệ 800.000 di dân không có giấy tờ nhập cư hợp lệ khỏi bị trục xuất khỏi Hoa Kỳ (DACA) và cho quốc hội 6 tháng để hành động nếu muốn tiếp tục cho phép thành phần di dân này ở lại Mỹ.

Đây là lời hứa khi tranh cử của Tổng thống Donald Trump, cuối cùng đã kết thúc sắc lệnh hành chính của cựu Tổng thống Barack Obama được áp dụng trong 5 năm qua, cho phép hoãn trục xuất người nhập cư lúc còn nhỏ.

Ông Trump tỏ ra "hết sức thông cảm cho những người chúng ta đang nói tới, tôi rất thương họ" dù đã đẩy quả bóng sang quốc hội để tìm giải pháp trong 6 tháng tới, trong khi ông Obama thì coi kết thúc DACA là "tàn nhẫn" và "sai trái".

Siêu bão Harvey, Irma cũng không đáng sợ bằng siêu bão của Tổng thống Trump - Ảnh 1.

Theo số liệu của USCIS (Center For Immigration Studies, Trung Tâm Nghiên Cứu Di Dân của Hoa Kỳ), có khoảng 11 triệu người nước ngoài đang sống tại Mỹ trong tình trạng bất hợp pháp, phần đông từ Mexico, châu Âu, châu Á.

Trong số này sẽ có những đôi có con tại Mỹ, hoặc mang con sang Mỹ và ở lại. Nay với DACA hết thời hạn, họ có nguy cơ bị trục xuất.

Tôi quen một bạn người Mỹ chuyên dạy tiếng Anh cho trẻ em nhập cư bất hợp pháp do mấy năm trước có phong trào dân các nước Mỹ Latin chạy đến Hoa Kỳ, trong đó phần đông là trẻ em. Bị chặn lại biên giới thì những người hoạt động dân quyền, vì trẻ em tới tận nơi đón về các bang. Các em được học tiếng Anh, học cách sống tại Mỹ, rồi có thể được tới trường.

Bạn tôi nói, anh rất vui được dạy các trẻ em di dân và tự hào về giá trị Mỹ, đó là sự đùm bọc, yêu thương những đứa trẻ vô tội. Chúng không có lỗi khi đến Mỹ một cách bất hợp pháp mà do những tính toán của người lớn.

Hồi ở Virginia, tôi quen một chị người Việt kết hôn với một người Nga. Anh chị gặp nhau khi du học và dù visa hết hạn nhưng vẫn ở lại tìm giấc mơ Mỹ. Họ có con và con được quốc tịch Mỹ theo luật. Tuy nhiên, bố mẹ được coi là di dân bất hợp pháp thì đứa con có quốc tịch Mỹ cũng không có giá trị gì.

Con có thể bảo lãnh cho bố mẹ ở lại Mỹ khi qua 21 tuổi và đủ khả năng kinh tế. Nhưng với chính sách mới siết chặt nhập cư của Tổng thống Trump và nếu anh chị bị trục xuất thì đứa con quốc tịch Mỹ cũng phải đi theo.

Không hiểu các cháu trên sẽ phải về đâu, đi đâu. Nỗi bất hạnh này không của riêng các cháu mà của những người Mỹ giàu lòng nhân ái.

Những cuộc đời bắt đầu lại từ số 0

Siêu bão Harvey, Irma cũng không đáng sợ bằng siêu bão của Tổng thống Trump - Ảnh 2.

Tấm biểu ngữ đề "Những người mơ mộng không phải là tội phạm #DACA". Ảnh: AP

Theo quy định của DACA (Deferred Action for Childhood Arrivals) năm 2012 nhằm trì hoãn trục xuất các em nhỏ theo cha mẹ sang Mỹ bất hợp pháp thì các em này khi tới Mỹ phải dưới 16 tuổi và đến ngày 31-6-2012 (khi DACA có hiệu lực) phải dưới 31 tuổi, không phạm tội, từng đi học hoặc từng phục vụ quân đội. Có gần 800.000 trường hợp như thế và họ được gọi là "Dreamer".

Nhiều trẻ tới Mỹ từ lúc 1-2 tuổi, ở đây mấy chục năm và chỉ nói tiếng Anh, không biết quê hương gốc ở đâu, chỉ biết văn hóa Mỹ, cách sống Mỹ. Nay phải về cố hương với cha mẹ thì đó là thảm họa của cuộc đời họ, mọi thứ phải bắt đầu từ con số 0.

Đảng Cộng hòa đang nắm giữ cả thượng viện và hạ viện sẽ gặp nhiều khó khăn khi quyết định DACA đi về đâu. Họ vốn cứng rắn với nhập cư nhất là nhập cư bất hợp pháp, nay DACA là thách thức không nhỏ so với thay thế Obamacare.

Không cho những đứa trẻ ở lại Mỹ thì bị chỉ trích là không phù hợp đạo đức và tàn nhẫn. Cho ở lại thì làn sóng nhập cư vào Mỹ lại tiếp tục để tìm giấc mơ Mỹ khó mà cản được dù cách này hay cách khác.

Siêu bão Harvey, Irma cũng không đáng sợ bằng siêu bão của Tổng thống Trump - Ảnh 3.

Jefferson từng viết trong Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ "mọi người sinh ra đều bình đẳng… đều có quyền mưu cầu hạnh phúc…"

Nếu DACA kết thúc thì "mưu cầu hạnh phúc" của những đứa trẻ phải mang tội nhập cư của cha mẹ là vô vọng ngay tại quê hương của Jefferson.

Ông Trump đã từng tuyên bố "most people aren't worthy of respect - đa số mọi người không đáng tôn trọng" (trả lời phỏng vấn CNN 2014). Với quyết định bỏ DACA, số phận của 800.000 đứa trẻ kia sẽ ra sao.

Khi tôi viết những dòng này thì cơn bão cấp độ 5 mang tên Irma sắp đổ bộ vào Florida, dân chúng hoảng loạn. Nhưng Irma hay Harvey có làm đổ nhà, chết người thì cũng không đáng sợ bằng bắt gần 1 triệu người làm lại cuộc đời từ số 0.

Đối với họ thì kết thúc DACA mới là siêu của siêu bão Trump.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại