Chuyện khách Tây bị "bắt nạt" qua góc nhìn của BLV Anh Ngọc và chuyên gia truyền thông

Hương Trà |

Cả hai đã bày tỏ quan điểm cá nhân về những câu chuyện xấu xí được khách quốc tế chia sẻ khi đi du lịch Việt Nam thời gian gần đây.

Chưa đầy 2 tuần, những câu chuyện, những hình ảnh xấu xí ở Việt Nam liên tục được chia sẻ trên mạng xã hội trong và ngoài nước bởi các khách du lịch quốc tế, khi thì là chuyện cô gái Lithuania bị mất xe đạp khi tới Sài Gòn, khi là chuyện 2 nữ hành khách người Đài Loan bị phụ xe đuổi xuống giữa đường ở Nhà Trang…

Hình ảnh về con người, đất nước Việt Nam xinh đẹp bỗng nhiên bị ảnh hưởng rất nhiều trong mắt bạn bè quốc tế, thể hiện rõ nhất thông qua những bình luận bày tỏ sự thất vọng, những mối nghi ngại của họ.

Là một người đã từng có nhiều năm sống và làm việc ở nước ngoài, nhà báo Trương Anh Ngọc đã có những chia sẻ bày tỏ quan điểm của mình trước những câu chuyện nói phía trên.

"Rõ ràng là những việc xảy ra có tác động rất tiêu cực lên hình ảnh của chúng ta trong mắt người nước ngoài. Từ vài năm nay, Việt Nam được coi là một điểm đến đầy cảm hứng đối với khách du lịch, vì người ta cảm nhận được những điều rất đặc biệt trong văn hoá, ẩm thực, cảnh quan cũng như con người của chúng ta.

Tôi nhớ là trong những năm tháng tôi ở Ý, bạn bè hỏi tôi rất nhiều về thông tin du lịch Việt Nam. Báo chí Ý cũng đăng tải rất nhiều bài viết, phóng sự, ảnh…để giới thiệu về đất nước chúng ta.

Tiếc thay, những sự kiện kể trên, cùng với rất nhiều những vụ việc không đáng có trước đây, là một cú mạnh giáng vào hình ảnh Việt Nam, nhất là trong thời kì lên ngôi của mạng xã hội.

Chuyện khách Tây bị bắt nạt qua góc nhìn của BLV Anh Ngọc và chuyên gia truyền thông - Ảnh 1.

Nhà báo Trương Anh Ngọc.

Cá nhân tôi đã đọc được khá nhiều lời khen chê về Việt Nam trên các trang internet liên quan đến du lịch. Tôi nhận thấy là họ tương đối khó tính khi đánh giá về các dịch vụ và thái độ của người Việt mình.

Nhưng sự khó tính ấy thực ra là đúng, vì họ nói rất đúng về cách làm dịch vụ cũng như cách xử sự của người Việt. Chuyện về 2 cô gái nước ngoài bị phụ xe đuổi xuống ở Nha Trang chỉ vì xin đổi ghế thực sự là một câu chuyện buồn, nhất là trong thời điểm, năm nay, theo thống kê là số khách du lịch sang Việt Nam đang tăng.

Không ngạc nhiên khi những câu chuyện tưởng như rất nhỏ ấy lại là một trong những lí do chính khiến cho rất nhiều khách du lịch nước ngoài đã đến Việt Nam một lần và rồi không trở lại. Với họ, một lần đến Việt Nam là quá đủ.

Đất nước Việt Nam đẹp, con người thân thiện nhưng dịch vụ lại chưa ổn

Đó là lời nhận xét của rất nhiều người bạn nước ngoài của nhà báo Trương Anh Ngọc khi họ chọn Việt Nam là điểm đến du lịch và đây chắc chắn là nhận xét mà tất cả những nhà quản lý, nhà cung cấp dịch vụ cần hết sức lưu tâm:

"Trong thời gian tôi sống và làm việc ở Ý, số người hỏi tôi thông tin về Việt Nam khá là nhiều. Họ rất tò mò muốn tới Việt Nam, đất nước mà thế hệ đi trước của họ đã từng xuống đường để biểu tình, phản đối chiến tranh Việt Nam. 

Nhiều trong số họ đã tới Việt Nam, nhưng cũng có một số trở về thì nói họ không thực sự hài lòng.

Một vài người bạn nói với tôi, đất nước Việt Nam đẹp, con người thân thiện, nhưng dịch vụ thì rất không ổn, không rõ ràng, có hiện tượng chặt chém đối với khách du lịch.

Một số lại nói, Việt Nam có nhiều thứ để họ khám phá, nhưng sự hạn chế về các dịch vụ du lịch theo nhiều loại hình đã khiến họ có quá ít lựa chọn.

Trong số các bạn Ý của tôi, có những người đã sang Việt Nam 6-7 lần và chắc chắn còn sang nữa, vì họ rất thích Việt Nam, nhưng có người khẳng định là sẽ không trở lại, cũng sau một vài lần bị "chém đẹp" trong các chuyến đi của họ.

Họ nói, họ không ngại bỏ tiền ra để đi du lịch và để được phục vụ, nhưng mọi thứ cần phải rõ ràng, minh bạch. Họ rất ghét kiểu làm ăn gian dối với họ, dù chỉ 1 dollar.

Chuyện khách Tây bị bắt nạt qua góc nhìn của BLV Anh Ngọc và chuyên gia truyền thông - Ảnh 2.

Cô gái Rita đã có chuyến đạp xe xuyên Việt và bị mất xe đạp khi tới Sài Gòn.

Tôi và gia đình đã thực hiện khá nhiều các chuyến đi ở Việt Nam mình. Một cảm nhận của riêng tôi: giá dịch vụ của chúng ta khá là đắt và thường là không được phục vụ chu đáo. Sự đắt đỏ ở đây xét trên nhiều yếu tố, từ vé máy bay cho đến giá khách sạn. 

Một chuyến du lịch đến các nước xung quanh chúng ta thậm chí có thể ít tốn kém hơn là một chuyến du lịch nội địa, trong khi dịch vụ lại tốt hơn. Ấn tượng xấu về chất lượng dịch vụ du lịch tại Việt Nam của tôi ư? 

Rất nhiều, không sao kể hết được, vì thực ra tôi cũng không phải là người dễ dãi và sẵn sàng chấp nhận cho qua. Tôi cảm thấy tiếc, vì thực ra nước mình rất đẹp, nhưng cách sống, cách nghĩ, cách làm ăn, thậm chí cả cách mà ta đối xử với nhau đang khiến người ngoài nhìn chúng ta xấu đi nhiều"


Dân mạng Việt có góp phần đẩy sự việc đi xa hơn?

Một thực tế mà ai cũng có thể nhận ra được đó là bất cứ vụ việc gì được chia sẻ trên mạng xã hội dù chưa biết đúng hay sai thì dân mạng Việt đều ngay lập tức tin vào những điều xấu xí, tiêu cực hơn là những thông tin tích cực, tốt đẹp. Chẳng thế mà người ta cứ nói với nhau về cụm từ "auto chửi", để phản ánh thực trạng tiếp nhận thông tin của số đông dân mạng.

Liên quan tới câu hỏi liệu thái độ tiếp nhận sự việc của phần đông dân mạng Việt có là nguyên nhân khiến những câu chuyện trên bị đẩy lên cao trào hơn, chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long cũng đưa ra quan điểm của mình:

"Mạng xã hội ở Việt thường có những thành phần "auto chửi". Trên mạng xã hội có những sự việc không đáng để chửi, lại có những sự việc đáng để chửi, những sự kiện có mặt này mặt kia, có những sự việc 10% đúng, 90 % sai, hay có những sự việc hoàn toàn là bịa đặt. 

Nhìn chung khi một sự việc được chia sẻ lên mạng xã hội, nó đáng hay không đáng, nó đúng hay sai thì phụ thuộc hoàn toàn vào nội hàm, vào tính chất của câu chuyện đó. 

Còn đối với đại đa số người trên mạng xã hội trước khi họ like, comment, share gần như không có động tác thẩm định thông tin nên "auto chửi", họ cũng không lường được hay thậm chí không tính tới hậu quả của những thông tin này. 

Người dùng mạng gần như không có trách nhiệm, hay suy xét kỹ những thông tin này liệu có lợi hay hại gì tới hình ảnh du lịch Việt Nam, văn hóa Việt Nam hay thậm chí là ảnh hưởng tới chính bản thân họ. 

Họ chưa nhìn được tới tận cùng của sự việc và luôn coi những chuyện ấy là ở đâu đó, chẳng ảnh hưởng gì tới mình, nên họ cứ auto chửi.

Chúng ta đang sống trong một cộng đồng mà mỗi người cần phải có trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ. Tuy nhiên cái tính cộng đồng của chúng ta hơi kém, chủ nghĩa cá nhân lại hỏi cao nên hầu như họ chỉ nhìn những thứ trước mắt mà không nhìn những cái lâu dài."

Chuyện khách Tây bị bắt nạt qua góc nhìn của BLV Anh Ngọc và chuyên gia truyền thông - Ảnh 3.

Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long.

Quay trở lại về những câu chuyện xấu xí được khách quốc tế chia sẻ thời gian gần đây liệu có ảnh hưởng gì tới hình ảnh con người, đất nước Việt Nam hay không thì anh Ngọc Long cũng tự tin cho rằng mọi người đừng quá lo lắng bởi: "Truyền thông quốc tế cũng đang rất ưu ái chúng ta.

Họ ấn tượng và quan tâm nhiều hơn về những cảnh đẹp ở Việt Nam như Hạ Long, Sơn Đoòng, Đà Nẵng, Hà Nội...hay những món ăn ngon, con người đa dạng vùng miền văn hóa. Những điều xấu xí vừa qua chưa phải là dấu ấn quá nặng nề, chưa xuất hiện với tần suất quá dày. 

Tuy nhiên cũng không vì thế mà chúng ta được chủ quan, bởi những câu chuyện gì được nói nhiều thì nó sẽ trở thành 1 ấn tượng khó phai. Chúng ta cứ để tình trạng này xảy ra nhiều, cứ để bạn bè quốc tế phản ánh nhiều điều tiêu cực, thì nó sẽ tạo thành ấn tượng không tốt thì sẽ ảnh hưởng tới hình ảnh du lịch của Việt Nam."

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại