Sở Công Thương Hà Nội bày cách “đòi tiền” Thiên Ngọc Minh Uy

Nguyễn Thảo |

Với hơn 3.600 người tham gia bán hàng đa cấp cho Thiên Ngọc Minh Uy, việc công ty này dừng hoạt động bán hàng đa cấp được Sở Công Thương Hà Nội dự báo có thể gây mất ổn định trật tự xã hội.

Trong văn bản gửi các sở ngành, UBND quận, huyện, thị xã, Sở Công Thương Hà nội dẫn báo cáo năm 2016 của Thiên Ngọc Minh Uy cho biết, công ty có khoảng 3.651 người tham gia bán hàng đa cấp hoạt động trên địa bàn Hà Nội.

“Với số lượng nhà phân phối và quy mô hoạt động lớn, việc chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp của Thiên Ngọc Minh Uy có thể dẫn tới các hoạt động khiếu nại, khiếu kiện và gây mất ổn định trật tự xã hội trên địa bàn Hà Nội”, Sở Công Thương Hà Nội nhận định.

Theo đó, Sở Công Thương Hà Nội đề nghị các sở ngành quản lý, giám sát chặt chẽ việc chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp của Thiên Ngọc Minh Uy theo chức năng, nhiệm vụ của ngành, đơn vị mình đảm bảo công ty không thực hiện hoạt động bán hàng đa cấp sau khi đã thông báo chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định.

Nếu phát hiện vẫn triển khai hoạt động bán hàng đa cấp tại Hà Nội, đề nghị xử lý theo thẩm quyền hoặc chuyển các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định.

Đề nghị Công an TP. Hà Nội chủ động theo dõi, giám sát, chỉ đạo Công an các quận, huyện, xã, phường, thị trấn thực hiện các giải pháp đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn thành phố Hà Nội đặc biệt tại trụ sở chính của Thiên Ngọc Minh Uy và tại các điểm bán hàng đa cấp của công ty tại địa bàn Hà Nội.

Đồng thời, kịp thời xử lý hoặc chuyển cấp có thẩm quyền xử lý đối với đơn thư tố cáo có dấu hiệu lừa đảo hoặc vi phạm pháp luật hình sự của người tham gia bán hàng đa cấp đối với công ty.

Ngoài ra, Sở Công Thương Hà Nội cũng cho biết, người tham gia bán hàng đa cấp của Thiên Ngọc Minh Uy có thể và nên tiến hành các bước.

Bước 1, nếu có bất kỳ khiếu nại về việc công ty chưa hoàn thành các nghĩa vụ đối với mình trong hoạt động bán hàng đa cấp có thể liên hệ, gửi yêu cầu tới trụ sở chính của Thiên Ngọc Minh Uy để đề nghị giải quyết quyền lợi.

Theo quy định của Nghị định 42 về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, người tham gia bán hàng đa cấp, nhà phân phối có quyền yêu cầu công ty mua lại hàng hoá, bao gồm hàng hoá được bán theo chương trình khuyến mại, khi đáp ứng điều kiện hàng hoá còn hạn sử dụng, hàng hoá còn nguyên bao bì, tem nhãn, yêu cầu mua lại được thực hiện trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận hàng.

Công ty có nghĩa vụ hoàn lại không thấp hơn 90% khoản tiền mà người tham gia bán hàng đa cấp, nhà phân phối đã trả để nhận được hàng hoá đó.

Bên cạnh đó, yêu cầu công ty thanh toán toàn bộ các khoản hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích kinh tế khác phát sinh trong qúa trình tham gia hoạt động bán hàng đa cấp mà công ty chưa chi trả. Yêu cầu công ty giao hàng hoá nếu đã thanh toán tiền hàng nhưng chưa nhận hàng.

Bước 2, liên hệ với cơ quan có thẩm quyền, trường hợp đã liên hệ và thực hiện bước nêu trên nhưng không giải quyết hoặc giải quyết không thoả đáng, nếu có lý do để cho rằng, Công ty có dấu hiệu lừa đảo hoặc vi phạm pháp luật hình sự, nhà phân phối, người tham gia bán hàng đa cấp cần trình báo với cơ quan công an để được bảo vệ.

Hoặc, có thể nộp đơn đến cơ quan toà án có thẩm quyền để khởi kiện và yêu cầu bồi thường theo quy định của pháp luật trên cơ sở hợp đồng ký kết giữa các bên…

Trước đó, ngày 25/4, Bộ Công Thương đã chính thức thông báo về việc tiến hành quy trình chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp của Thiên Ngọc Minh Uy.

Thời điểm này, nhiều người tham gia bán hàng đa cấp tại đây mới “ngã ngửa” vì từng tin tưởng những lời “có cánh” của người từng tham gia bán hàng đa cấp cho Thiên Ngọc Minh Uy. Nhiều trường hợp đã dốc tiền tỷ, hàng trăm triệu để tham gia mạng lưới này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại