Diễn viên Hòa Hiệp tiết lộ góc khuất nhiều tiêu cực của sân khấu kịch

Nguyễn Hương |

"Nếu có trách, chỉ có thể trách bầu show. Bởi lẽ lúc đông khán giả, diễn viên không được chia thêm % nhưng khi vắng người xem, diễn viên lại bị trừ lương", Hòa Hiệp chia sẻ.

Từ khi game show bùng nổ, nhiều nghệ sĩ, bầu show cho rằng, các chương trình game show là hung thủ giết chết sân khấu. Nhưng không phải ai cũng đồng tình với quan điểm này. Dưới dây là những lời chia sẻ của Hoà Hiệp từ góc độ một diễn viên.

Bầu show làm ẩu

Sân khấu ngày xưa và bây giờ khác nhau hoàn toàn. Nhu cầu của khán giả hiện nay là giải trí và nhảm nhí. Làm nghệ thuật nghiêm túc họ không xem. Các vở chính thống ít khán giả, thậm chí diễn được 1, 2 đêm phải dẹp tuồng. Ngược lại những vở xàm xàm lại diễn nhiều đêm.

Ngày xưa mỗi lần sân khấu ra vở mới, đêm phúc khảo đều mời báo chí tới xem để họ PR. Báo chí cũng háo hức chờ đợi để được mời đi xem.

Nhưng bây giờ làm ẩu quá, bầu show không dám mời truyền thông tới xem. Thậm chí mời, báo chí cũng không tới. Họ không muốn mất thời gian xem một tuồng vừa dở vừa thiếu tôn trọng khán giả.

Bầu show cứ than sân khấu ế ẩm, không có người xem nhưng nguyên nhân là do họ làm ẩu. Kịch bản không được đầu tư. Kêu người viết ý tưởng ra vài trang giấy rồi đưa diễn viên tập. Diễn viên vừa tập vừa "phá" ra cho thành một vở diễn hoàn chỉnh.

Diễn viên Hòa Hiệp tiết lộ góc khuất nhiều tiêu cực của sân khấu kịch - Ảnh 1.

Nghệ sĩ Minh Nhí và Long Nhật tự bỏ tiền ra may trang phục cho vai diễn của mình trong loạt kịch 3D ăn khách ở sân khấu kịch Hồng Vân.

Thời gian tập tuồng cũng gấp rút. Ngày xưa tập 1 tuồng mất 1, 2 tháng còn bây giờ 10 ngày, nửa tháng đã ra vở thì làm sao có chất lượng. Đã thế, phục trang, đạo cụ cũng không được đầu tư. Những tuồng cổ trang, diễn viên muốn đẹp thì tự bỏ tiền túi ra thuê.

Ngày xưa diễn vở "Xóm trọ 3D", thầy Minh Nhí và anh Long Nhật đều bỏ tiền ra may trang phục và thuê makeup riêng để khán giả thấy mình chỉn chu, đầu tư cho vai diễn. Vì thầy quá yêu nghề nên mới làm bất chấp lời lỗ được như thế. Anh Long Nhật đang đi show cũng bay về diễn dù cát-xê chưa chắc đủ trả tiền vé máy bay.

Không chỉ có vậy, bầu show thế diễn viên tùm lum. Vở "Xóm trọ 3D" lúc đầu rất đông khán giả nhưng do thế ngôi sao bằng các em học viên trong lớp học diễn viên nên khán giả cũng thưa dần.

Dàn diễn viên ban đầu là những cái tên như: Minh Nhí, Đức Thịnh, Minh Dũng, Hoàng Linh, Lan Phương, Long Nhật, Hòa Hiệp, Huy Ma... sau này thế gần hết.

Làm sao mấy em học viên đủ sức để đảm đương những vai diễn của đàn anh đàn chị? Các em được đào tạo mấy tháng đã ra diễn nên không hiểu sự thiêng liêng trên sân khấu để quý trọng cái nghề của mình.

Chính vì thế các em không đầu tư, không thuộc tuồng, lên sân khấu muốn nói gì thì nói, muốn làm gì thì làm. Nhưng các em lại tưởng mình hay vì đang học đã được mời diễn, được thế vai của ngôi sao nên bị ảo.

Trong khi thế hệ chúng tôi ngày xưa chật vật mới có được vai nhỏ và từ từ mới được giao vai lớn. Các nghệ sĩ ngôi sao để có được những mảng miếng trên sân khấu họ phải suy nghĩ và đo từng đêm diễn. Còn các em lên sân khấu chỉ "đồ" cho giống thì làm sao khán giả thích.

Đông khán giả thì bầu show hưởng hết, vắng người xem trả diễn viên nửa lương

Hồi đầu, anh Đức Thịnh cũng diễn nhưng thay thế người nhiều quá anh Thịnh bỏ. Bản thân tôi, nhiều hôm quay phim ở Bình Dương nhưng tối có suất diễn vẫn chạy về. Về tới sân khấu thấy các vai bị thế người hết thì làm sao tôi có cảm xúc diễn?

Diễn viên Hòa Hiệp tiết lộ góc khuất nhiều tiêu cực của sân khấu kịch - Ảnh 2.

NSƯT Đức Thịnh, diễn viên Hoà Hiệp trong loạt kịch 3D một thời ăn khách ở sân khấu Hồng Vân.

Họ diễn như vậy thì những anh em nghệ sĩ liệu còn nhiệt huyết để hy sinh tất cả chạy về sân khấu không? Trong khi đi show bên ngoài, lương gấp 10 gấp 20 lần.

Nhưng bầu show lại trách diễn viên ham show bên ngoài bỏ sân khấu nên mới phải thế diễn viên. Nhưng không trách diễn viên được vì sân khấu có đảm bảo được lịch diễn và cuộc sống cho diễn viên không?

Đã bước chân vô nghiệp diễn ai cũng mê nghề nhưng họ mê tiền hơn. Ai bảo không mê tiền là nói xạo. Nếu để ý chúng ta sẽ thấy những người làm game show hiện nay, chẳng còn ai diễn sân khấu. 

Đóng một bộ phim điện ảnh, họ được trả vài trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng. Ngồi ghế nóng một số cũng vài chục tới trăm triệu, trong khi sân khấu trả được bao nhiêu? 

Nếu có trách, chỉ có thể trách bầu show. Bởi lẽ lúc đông khán giả, diễn viên không được chia thêm % nhưng khi vắng người xem, diễn viên lại bị trừ lương. Đó là điều rất bất công. Cát-xê 1 đêm diễn từ 1 triệu còn 500.000 đồng, những người cát-xê 300.000 còn lãnh được nhiêu?

Sân khấu ế ẩm nhưng tại sao ai cũng thi nhau mở sân khấu. Ngày xưa, 5B có một thời hoàng kim, để mua vé vào xem rất khó khăn. Khán giả phải xếp hàng và mỗi người chỉ được mua 3, 4 vé. Còn bây giờ mỗi đêm bán được 30, 40 vé.

Phú Nhuận cũng vậy. Những tuồng ngày xưa dưới 100 vé không diễn. Bây giờ 50 vé cũng diễn. Nếu nghệ sĩ làm việc nghiêm túc, tôn trọng khán giả, khán giả sẽ tôn trọng nghệ sĩ. Bây giờ, khán giả có quá nhiều hình thức giải trí để lựa chọn, nếu mình làm ẩu họ sẽ không tới với mình. 

* Ghi theo lời kể của diễn viên Hoà Hiệp.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại