Lãnh đạo bộ nói chấn chỉnh, giám đốc nói bình thường

Trường Phong - Trần Hoàng (thực hiện) |

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, cho rằng, mở nhà hàng, tiệc cưới trong bảo tàng là bình thường vì chưa có văn bản nào cấm việc này.

Ông Cường nói: Bộ máy của bảo tàng hiện nay có 15 phòng và 1 ban với 150 cán bộ biên chế cho các phần việc và nhu cầu là dùng khoảng 100 lao động hợp đồng. Ví dụ như là bảo vệ, thuyết minh, bảo quản, khảo cổ học, quản lý hiện vật, phục vụ trưng bày. 

Nghị định 43 của Chính phủ giao các đơn vị sự nghiệp tổ chức hoạt động có thu và tiến tới tự chủ từng phần và tự chủ một phần tiến tới tự chủ toàn phần.

Bảo tàng không chỉ là nơi để dân đến tham quan hiện vật cố định sau đó kết thúc rồi ra mà phải là nơi mà người ta đến được phục vụ các nhu cầu thiết yếu khác.

Theo ông, nhà hàng, quán bia dày đặc trong khuôn viên như hiện nay có phù hợp với không gian văn hóa của bảo tàng lịch sử?

Về mặt tiệc cưới thì nó cũng là “phần mềm”. Cấm tiệc cưới tại bảo tàng thì cũng chưa có văn bản nào cấm, mà bảo làm sao có văn hóa thì cũng chưa có văn bản nào.

Còn việc tổ chức làm sao cho có tính truyền thống, làm sao an toàn, phù hợp thì trách nhiệm của chúng tôi làm cho tốt hơn.

Tiệc cưới tổ chức ở những đơn vị sự nghiệp có thu thì cũng bình thường, giống như nhà khách chính phủ, trung tâm hội nghị quốc tế, trung tâm hội nghị quốc gia, Cung văn hóa Việt - Xô… cũng tổ chức tiệc cưới.

Hợp đồng ký cho thuê nhà hàng, tiệc cưới trong thời gian bao lâu và bảo tàng có báo cáo với Bộ VH-TT&DL không?

Hợp đồng thì thường ký 3 - 5 năm. Mới thử nghiệm từ năm ngoái thôi, còn trước đây khoảng gần chục năm thì nó vẫn có ở đấy. Trước khi sáp nhập bảo tàng, tôi chưa về thì vẫn có ở đó. Bây giờ làm có quy củ hơn, ký hợp đồng thì thu ổn định.

Quán bia Lan Chín thực ra là nhà hàng, trong nhà hàng thì có bán bia. Mình phải nói thẳng thế.

Khi sáp nhập hai bảo tàng lại thì nói thật là cũng xập xệ, cũng muốn bỏ nhưng có cái thì báo cáo bộ là bỏ, nhưng có cái thì đề nghị làm chỉn chu lại, bởi vì người ta làm bao nhiêu năm rồi...

Thường là ký hợp đồng 5 năm để họ yên tâm cùng với mình bỏ kinh phí đầu tư chỉnh trang.

Bộ VH-TT&DL là cơ quan chủ quản thì sẽ đồng ý hay không đồng ý về chủ trương cho việc tiến hành triển khai các hoạt động dịch vụ trên các địa điểm đó.

Việc này chúng tôi cũng trình, sau khi nhập lại thì năm 2012 bộ đã xem xét và đồng ý cho triển khai sắp xếp, phê duyệt để triển khai các hoạt động phục vụ khách tham quan.

Lãnh đạo bộ nói chấn chỉnh, giám đốc nói bình thường - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam.

Đã khi nào ông hỏi khách tham quan rằng, họ nghĩ sao khi tiệc nướng quây cạnh cổ vật trưng bày, hay không khí náo nhiệt của nhà hàng bia hơi Lan Chín chưa? Cảm xúc của họ thế nào?

Phải nói là những bữa tiệc thu hút khách du lịch thì không bao giờ còn khách tham quan nữa bởi đó là giờ mở cửa bảo tàng đã kết thúc và lúc đó là hoạt động sự kiện. Buổi tối chỉ có nhóm khách mà đã có kết hợp bảo tàng dự ở đó thôi và lực lượng bảo vệ thôi.

Thứ hai là không chỉ trong hợp tác, hợp đồng với nhau mà trong thực tế quản lý, từ trước đến nay diễn ra rất nhiều thì không bao giờ ảnh hưởng hay suy chuyển nào đến các hiện vật.

Thực ra “liên kết cứng” thì có nhà hàng Lan Chín, hai là ăn nhanh, ăn sáng của Đại Hải, Tứ Hải, ba là Le Bon cafe.

Mỗi năm bảo tàng thu được bao nhiêu tiền từ hệ thống các nhà hàng “liên kết cứng”, thưa ông?

Một năm chúng tôi thu thời kỳ đầu khoảng 2 tỷ đồng. Sau đó thì lên tới 3 tỷ, cùng với thu vé. Bây giờ thu vé cũng tăng, khoảng 4 tỷ đồng. Bộ giao lúc đầu khoảng 4, 5, 6, 7 tỷ thì đều thu tốt và đều đưa vào ngân sách theo các quy định.

Năm nào cũng có cơ quan kiểm toán, quyết toán, thanh tra kiểm tra. Đó là một nguồn thu cho ngân sách. Trong Nghị định của Chính phủ thì sự nghiệp văn hóa vì là tự chủ thì 10% là nộp lại thuế nhà nước, và 90% để lại đầu tư.

Vậy ngân sách cấp cho bảo tàng lịch sử bao nhiêu mỗi năm?

Tất nhiên bảo tàng này thì ngân sách phải chi nhiều, khoảng gấp 3- 4 lần chỗ thu được. Bởi vì nhiều bộ phận vẫn phải chi trả cho hoạt động sự nghiệp. Mỗi năm có sự thay đổi. Năm 2016 tất tật là 46 tỷ đồng cộng với tiền thu nữa.

Cảm ơn ông.

* Tiệc cưới tổ chức ở những đơn vị sự nghiệp có thu thì cũng bình thường, giống như nhà khách chính phủ, trung tâm hội nghị quốc tế, trung tâm hội nghị quốc gia, Cung văn hóa Việt - Xô… cũng tổ chức tiệc cưới.*

"Từ góc độ cá nhân, tôi khẳng định tiệc cưới, bia hơi trong bảo tàng thì không phù hợp. Vừa qua, lãnh đạo bộ đã chỉ đạo rà soát để chấn chỉnh, tổ chức lại hoạt động dịch vụ của bảo tàng", ông Nguyễn Thái Bình, Chánh Văn phòng Bộ VH-TT&DL

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại