Báo Đài Loan: Đối đầu Trung Quốc là cuộc chiến không thể giành thắng lợi

Thủy Thu |

"Đối với Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, Đài Loan là vùng lãnh thổ không thể buông bỏ...", truyền thông Đài Loan lo lắng trước tương quan sức mạnh quốc phòng hai bờ eo biển.

Sai lầm nghiêm trọng

Phó Giáo sư Học viện Khoa học xã hội và Quốc tế thuộc Đại học Sư phạm Đài Loan - ông Thi Chính Bình cho biết, trong bối cảnh từ đầu năm nay làn sóng kêu gọi "thống nhất Đài Loan bằng vũ lực" ngày càng tăng cao, đưa quan hệ hai bờ eo biển vào thời khắc quan trọng thì chính sách ngoại giao với chiến lược cốt lõi "thân Mỹ, liên thủ Nhật, đối phó Trung Quốc" của lãnh đạo Thái Anh Văn đã đặc biệt thu hút sự chú ý của dư luận.

Cụ thể, theo học giả Đài Loan, từ tháng 10/2016, chính quyền của bà Thái Anh Văn đã tích cực thúc đẩy chuỗi chiến lược "liên thủ Nhật, đối phó Trung Quốc".

Tuy nhiên, theo ông này, do làn sóng dư luận kêu gọi "thống nhất Đài Loan bằng vũ lực" ngày càng tăng cao nên nếu tình hình tiếp tục phát triển theo chiều hướng xấu thì hòa bình của eo biển Đài Loan sẽ trở thành bi kịch không thể cứu vãn.

Đồng thời cho rằng, nếu muốn lợi dụng Tokyo để thách thức quan hệ Trung-Nhật thì có thể đây là phán đoán vô cùng sai lầm của Đài Loan.

Báo Đài Loan: Đối đầu Trung Quốc là cuộc chiến không thể giành thắng lợi - Ảnh 1.

Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn (trái) và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: Jamestown

"Tăng cường quan hệ Đài-Nhật không chỉ ảnh hưởng đến sự ổn định của quan hệ hai bờ eo biển mà còn liên quan chặt chẽ đến quan hệ Trung-Nhật", Thi Chính Bình nhận định.

Theo đó, học giả Đài Loan cho rằng, Nhật Bản sẽ không vì lợi ích của Đài Loan mà đối đầu đến cùng với Trung Quốc bởi đối với Tokyo, quan hệ Trung-Nhật vẫn là ưu tiên hàng đầu.

Trong khi đó, người dân vùng lãnh thổ này lại không kỳ vọng, thậm chí phản đối chính sách trên của lãnh đạo Thái Anh Văn do một số mâu thuẫn trong quan hệ ngoại giao Đài-Nhật trước đó. Chính điều này đã khiến chính sách và chiến lược ngoại giao đối với Nhật bị hạn chế đáng kể.

Bên cạnh đó, tương lai bất định của Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố nước Mỹ rút lui khiến nỗ lực tham gia vào các tổ chức kinh tế và thương mại quốc tế của Đài Loan trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

"Do hai bờ eo biển không thể khôi phục bình thường hóa quan hệ kinh tế, tương lai Đài Loan sẽ phải đối mặt với những vấn đề cực kỳ nghiêm trọng trong không gian sinh tồn của nền kinh tế thương mại thế giới", Thi Chính Bình nhấn mạnh.

Ông Thi lo lắng đặt nghi vấn rằng hội nghị thượng đỉnh Trung-Mỹ tới đây liệu có ảnh hưởng đến lợi ích thực chất của Đài Loan hay không?.

Và nhấn mạnh, chính quyền bà Thái cần xem xét thận trọng về chiến lược ngoại giao "thân Mỹ, liên thủ Nhật, đối phó Trung Quốc", thậm chí nên xây dựng một chiến lược mới xoay quanh lợi ích thực chất của Đài Bắc.

Bàn tròn đàm phán

Cùng ngày, truyền thông Đài Loan cho biết, cơ quan quốc phòng và công ty vận tải biển Đài Loan khẳng định, theo kế hoạch, tháng 3/2018 bản thiết kế sơ bộ về hệ thống tàu ngầm sẽ được đề xuất và 10 năm sau, tàu ngầm này sẽ được đưa vào biên chế.

Đồng thời, lực lượng hải quân Đài Loan hy vọng sẽ chế tạo hoàn thiện tám chiếc tàu ngầm trong tương lai.

Tuy nhiên, tờ Vượng báo (Đài Loan) cho rằng, so với một Trung Quốc có 1,3 tỷ dân cùng hàng triệu binh sĩ sau 10 năm sẽ có hơn 500 tàu chiến các loại cũng như lực lượng pháo binh hùng mạnh thì sức mạnh quốc phòng Đài Loan là sự bất đối xứng nghiêm trọng.

"Đã là một cuộc chiến không thể thắng, nếu tránh được chiến tranh mới là con đường "chiến thắng" duy nhất. Đối với Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA), Đài Loan là vùng lãnh thổ không thể buông bỏ...", Vượng báo nhấn mạnh.

Tờ này cũng cho rằng, so với việc đầu tư quá nhiều ngân sách quốc phòng vào cuộc chiến không thể giành thắng lợi, không bằng ngồi bàn tròn đàm phán với Đại lục, tìm kiếm giải pháp hòa bình thì mới có cơ hội "thắng lợi".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại