Nấm mồ của Thế chiến thứ nhất: 51 sư đoàn tham chiến, 700.000 người bỏ mạng

Nhật Minh |

Trong Chiến tranh Thế giới thứ 1 có rất nhiều trận tử chiến giữa phe Liên minh và Hiệp ước, đáng chú ý nhất phải kể đến trận Vécđoong.

Sự phát triển không đồng đều giữa những "ông chủ" tư bản trên thế giới cộng với chênh lệch về thị trường và thuộc địa là nguyên nhân đẩy loài người tới Chiến tranh thế giới thứ Nhất.

Trong cuộc chiến phi nghĩa này có rất nhiều trận tử chiến giữa phe Liên minh và Hiệp ước, đáng chú ý nhất phải kể đến trận Véc-đoong.

Nấm mồ của Thế chiến thứ nhất: 51 sư đoàn tham chiến, 700.000 người bỏ mạng - Ảnh 1.

Thành cổ Véc-đoong (Pháp). Nguồn: Internet.

Vị trí chiến lược của thành Véc-đoong

Véc-đoong (Verdun) là một thành phố xung yếu ở phía Đông thành Pari, nơi đây là tiền tiêu của chiến tuyến quân đội Pháp trong chiến tranh.

Chiến cuộc ác liệt diễn ra ở đây suốt gần 1 năm, từ tháng 2/1916 đến tháng 12/1916. Chiến dịch Véc-đoong mang tính chất bản lề, quyết định thành bại trong chiến lược phòng ngự của quân Pháp trước sức tấn công như vũ bão của quân đội Đức.

Ý đồ của Pháp và Đức

Để đối phó với quân Đức, quân đội Pháp đã bí mật bố trí một trận địa dày đặc các công sự trên thành lũy cổ. Pháp huy động vào Véc-đoong 11 sư đoàn với 600 cỗ pháo, được bố trí thành ba tuyến, cụ thể, 5 sư đoàn đóng ở phía Bắc, 3 sư đoàn ở phía Đông, Đông Nam, số còn lại tập trung ở phía Tây.

Còn đối với Đức, ý đồ khi chọn Véc-đoong là nơi quyết chiến nhằm thu hút phần lớn chủ lực của Pháp để tập trung tiêu diệt, buộc Pháp phải cầu hòa. Hoàng thái tử Đức trực tiếp chỉ huy các tướng lĩnh cùng 50 sư đoàn, với hơn 1.200 cỗ pháo và 170 máy bay, một số quân khổng lồ cho mặt trận này.

Tử chiến ở Véc-đoong

Nấm mồ của Thế chiến thứ nhất: 51 sư đoàn tham chiến, 700.000 người bỏ mạng - Ảnh 2.

Sức tàn phá của Chiến tranh thế giới thứ Nhất. Nguồn: Internet

Sáng ngày 21/2/1916, quân Đức bắt đầu nổ súng tấn công, trong vòng nửa ngày, pháo binh của Đức đã nã vào thành phố cổ kính Véc-đoong hơn 2 triệu quả đạn, phá hủy gần như toàn bộ. Ngay sau đó, bộ binh Đức tiến vào. Do chênh lệch lực lượng, quân Pháp thất thủ, buộc phải lùi về phía sau giữ đất.

Sau 5 ngày tiến công dồn dập, quân Đức đã tiến sâu vào Véc-đoong 5km, và chiếm được Đô-mông (một pháo đài chiến lược của thành phố).

Đứng trước nguy cơ thất bại, Tổng tư lệnh quân đội Pháp đã cử tướng Pê-tanh tăng viện và làm chỉ huy mặt trận Véc-đoong. Quân Pháp đã bí mật vận chuyển hàng vạn lính và khối lượng lớn lương thực chi viện cho mặt trận trong một thời gian ngắn.

Bước sang đầu tháng 3, quân Đức mở rộng cuộc tấn công sang phía Tây sông Mơ-dơ, âm mưu chiếm lấy cao điểm 304 và 295. Quân Pháp chiến đấu anh dũng, hai bên thương vong nhiều vô kể.

Để nhanh chóng giành thắng lợi. Cuối tháng 6, đầu tháng 7 năm đó, quân Đức dùng hơi độc tấn công vào Vaux (yết hầu của Véc-đoong) nhưng đều không giành được thắng lợi.

Trước tình thế khó khăn của trận chiến Véc-đoong, từ đầu tháng 7/1916 liên quân Anh-Pháp đã bất ngờ mở cuộc tấn công lớn vào vùng Somme, mục đích tiêu hao sinh lực và quân tiếp viện của Đức. Nhân cơ hội đó, từ trung tuần tháng 8, Pháp đã tổ chức phản công, giành được nhiều vị trí chiến lược từ tay quân Đức ở Véc-đoong.

Không chiếm được Véc-đoong, quân Đức đã thay tướng Phankenhen bằng Tổng tư lệnh Henđenbuốc (8/1916). Tuy vậy, tình hình vẫn không có gì khả quan, quân Đức buộc phải tạm đình chỉ tấn công Véc-đoong.

Nhanh chóng nắm lấy thời cơ, đầu tháng 10, quân Pháp đã chủ động phản công giành lại những vùng đã mất. Ngày 15/12/1916, 8 sư đoàn của Pháp đã lấy lại được toàn bộ vùng Mơdơ, kết thúc thắng lợi chiến dịch. Tuy nhiên, cái giá phải trả cho chiến thắng sau cùng lại quá lớn.

Hậu quả của trận tử chiến

Véc-đoong được coi là một trong những trận hao người tốn của nhất trong Chiến tranh thế giới thứ nhất. Thành phố, làng mạc, rừng cây, các công trình dân sự, quân sự bị tàn phá hoang tàn.

Số đạn dược tiêu tốn ở Véc-đoong được các nhà quân sự ước tính lên đến 1.350.000 tấn thép. Thương vong về nhân mạng của Pháp và Đức là 700.000 người. Từ sự hủy hoại về người và của, cũng như sự ác liệt của chiến sự, khiến Véc-đoong được mệnh danh là "mồ chôn người".

Nấm mồ của Thế chiến thứ nhất: 51 sư đoàn tham chiến, 700.000 người bỏ mạng - Ảnh 3.

Nhân mạng trong Chiến tranh thế giới thứ Nhất. Nguồn: Internet

Tài liệu tham khảo chính

Vũ Dương Ninh, Nguyễn Văn Hồng (2006), Lịch sử thế giới cận đại, Nxb Giáo dục, HN.

102 sự kiện nổi tiếng thế giới (1996), Nxb Văn hóa-Thông tin, HN.

Lê Vinh Quốc (chủ biên) (1996), Các nhân vật lịch sử cận đại, tập 1, Nxb Giáo dục, HN.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại