Xâm hại trẻ em - khó xử lý vì nhiều "nút thắt"

Hoàng Đan |

Hỏi trẻ em theo cách hỏi người lớn, thời gian chờ đủ thủ tục để giám định quá lâu, hay thông tin ít được cung cấp đủ là những khúc mắc cần tháo gỡ, theo bà Ninh Thị Hồng.

Đừng hỏi trẻ em như người lớn!

Trao đổi với PV, bà Ninh Thị Hồng - Ủy viên Thường trực Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, chuyên gia hơn 20 năm tham gia công tác trẻ em chia sẻ, bà cảm thấy "đau lòng và buồn" khi gần đây, báo chí đưa rất nhiều vụ việc trẻ em bị xâm hại tình dục.

Bà cũng đánh giá, việc Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhận được đơn và có ý kiến chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra làm rõ vụ việc dâm ô trẻ em ở Vũng Tàu đã cho thấy sự quan tâm và thể hiện đây là vấn đề nhức nhối của xã hội.

"Vụ xâm hại trẻ em mà lại kéo dài, nên việc chỉ đạo của Chủ tịch nước là hết sức cần thiết và tạo sự đồng thuận của xã hội.

Tôi cũng theo dõi và thấy Viện kiểm sát nhân dân TP Vũng Tàu đã gia hạn điều tra thêm 2 tháng là tốt nhưng chúng ta cần làm quyết liệt để xử lý nghiêm vụ việc.

Đã có rất nhiều chứng cứ được gia đình, dư luận cung cấp vậy cần phải sớm đưa ra ánh sáng đối tượng phạm tội. Các thông tin, yếu tố khác thì có nhiều nhưng sự thực thì chỉ có một mà thôi", bà Hồng nhấn mạnh.

Từ thực tế xử lý các vụ việc liên quan đến trẻ em, bà Hồng cho rằng, các vụ án xâm hại tình dục trẻ em vẫn còn nhiều "nút thắt" cần phải gỡ và không phải lúc nào, vụ nào cũng tìm ra đối tượng xâm hại các cháu.

Vụ tố ông cụ dâm ô bé gái ở Vũng Tàu, nếu dư luận xã hội không lên tiếng thì có thể sẽ bị rơi quên lãng hoặc xử lý kéo dài.

Xâm hại trẻ em - khó xử lý vì nhiều nút thắt - Ảnh 1.

Chị L, mẹ cháu N.Y. đang mang đơn đi khiếu nại về việc con mình bị xâm hại. Ảnh: Phụ nữ VN.

"Trong vấn đề này Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cũng đã nhiều lần có văn bản kiến nghị gửi đến các cơ quan chức năng mong muốn sớm làm rõ, xử lý nghiêm người có hành vi phạm tội nhưng vẫn chưa có trả lời thích đáng.

Chúng tôi thấy, khi người dân tố giác thì các cơ quan chức năng, trong đó cơ quan công an sẽ vào cuộc điều tra, làm rõ.

Nhưng cũng do một số vấn đề liên quan đến bí mật điều tra nên nhiều điều không thể công bố cho gia đình. Dư luận khi không nhận được thông tin thì cho rằng các cơ quan chức năng làm chậm trễ, chưa tiến hành điều tra vụ việc.

Do vậy, tôi cho rằng có những tình tiết không đến mức phải giữ kín thì cơ quan điều tra nên cung cấp để gia đình, báo chí nắm được là đang điều tra như thế này, kết quả ra sao...", bà Hồng nêu ý kiến.

Cũng theo bà Hồng, ngoài việc cơ quan điều tra cần xây dựng đội ngũ điều tra viên giỏi, nhanh nhạy để phá án thì trong quá trình hỏi trẻ em ở các vụ xâm hại cũng cần hết sức lưu ý.

"Cơ quan điều tra cần xác định rõ là việc hỏi trẻ em khác với hỏi người lớn. Ở đây, cần hỏi những câu mà trẻ em có thể hiểu được hoặc để trẻ em trả lời đúng.

Ngoài ra, không nên dùng những từ ngữ mang tính chất chuyên môn, trong sách vở mà nên dùng các từ ngữ đơn giản, dễ hiểu, ở nhà, ông bà, bố mẹ hay dùng để trao đổi với trẻ.

Còn nếu điều tra các vụ xâm hại tình dục mà nạn nhân là trẻ em nhỏ tuổi mà vẫn áp dụng theo như người lớn thì sẽ khiến các em sợ, không biết trả lời, dẫn đến hoàn toàn không tìm ra được các thủ phạm, cũng như lời khai chính xác", bà Hồng chia sẻ.

Cần ưu tiên xử lý ngay

Ủy viên Thường trực Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cũng cho hay, với các vụ việc này cơ quan công an luôn muốn có chứng cứ rõ ràng để có thể xử lý, bắt giữ người xâm hại nhưng các quy định hiện nay của chúng ta khi tới y tế để khám, xác định tổn thương thì vẫn kéo dài và không phải cơ quan y tế nào cũng làm ngay.

"Chưa kể, ngành y tế còn bảo phải đợi giấy tờ của cơ quan công an thì mới làm, trong khi đó các dấu vết, chứng cứ của kẻ phạm tội sẽ mất đi ngay theo thời gian.

Trường hợp vụ xâm hại trẻ em ở nơi xa, rơi vào thứ 7, chủ nhật lại đi tìm cơ quan công an cấp giấy giới thiệu để giám định thì hết dấu vết rồi.

Tình trùng chỉ lưu giữ được trong một ngày rồi các vết máu, lông... thì hầu như gia đình không biết, giặt đi rồi, như thế sẽ không còn chứng cứ.

Đấy là những khó khăn mà theo tôi, phía công an và y tế cần ngồi lại bàn thảo với nhau để các án xâm hại tình dục trẻ em cần được phát hiện sớm, ưu tiên xử lý ngay để có thể trừng trị thích đáng những kẻ có hành vi phạm tội", bà Hồng nói thêm.

Lãnh đạo Hội bảo vệ quyền trẻ em cũng chia sẻ thêm, cần phải có các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện sớm nhằm bảo vệ các em.

"Phụ huynh cần phải cho con mình biết rằng không phải người lớn nào cũng tốt, nhất là không được nghe lời người lạ, đặc biệt là những người "xui" các em làm việc và lại nói là "đừng nói với ai nhé".

Các đối tượng này thường hăm dọa các em, ví dụ "nếu nói ra thì sẽ giết chết…" thì bố, mẹ phải nói với trẻ rằng đừng sợ, nếu gặp phải trường hợp như vậy thì phải nói ra cho bố mẹ, người lớn khác biết để giúp các em.

Cùng với đó, phải nói cho các em biết rõ là những bộ phận nào trên cơ thể mình không được cho người lạ sờ vào và khi bị, cần mách ngay cho bố mẹ, thầy cô giáo, người lớn biết để giúp đỡ, xử lý", bà Hồng chia sẻ thêm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại