"Thưa Chủ tịch Chung, ông có quan tâm đến việc hái ra tiền từ phố đi bộ?"

Hiệu Minh |

Thưa tướng Chung, du khách tới một thành phố có vài thứ quan tâm, đó là di sản, bảo tàng, công trình nghệ thuật, kỳ quan thiên nhiên và nhân tạo, nơi ăn uống, giải trí ban đêm...

Bên cạnh đó có môi trường, giao thông, an toàn cá nhân. Khi họ đã thích thì đắt rẻ không quan trọng.

Phố đi bộ ra… đô la

Thăm thành phố nổi tiếng, du khách chỉ nhớ nhất những khu dành cho người đi bộ, chẳng ai quay lại nơi vừa ngắm cảnh vừa lo xe cộ, sợ móc túi, nạn ăn xin hay hàng rong chèo kéo.

Thăm Los Angeles, Tokyo hay Bắc Kinh mà đi bộ, phải ở đó cả tuần mới xem được vài nơi. Từ Tử Cấm Thành đến Di Hòa Viên chỉ còn cách dùng xe hơi. Từ hoàng gia Nhật Bản tới chùa nổi tiếng Sensoji thì hai chân không đủ sức.

Nhưng những nơi như Krakow, Vienna, Paris, Amsterdam, London thì nhà hát, bảo tàng, nơi vui chơi giải trí, nhiều nhà hàng ăn ngon và cuộc sống về đêm sôi động, tất cả nằm trong bước chân của du khách mà không cần tới xe gắn động cơ.

Hà Nội đang sở hữu khu phố ven hồ Gươm, quanh Cột Cờ, thành cổ, ven hồ Tây, phạm vi vài km nhưng nằm trong tầm bước của những ai thích lang thang một ngày. Chính quyền đang làm một việc tuyệt vời, dành 16 tuyến đường đi bộ quanh khu vực hồ Gươm vào cuối tuần.

Người viết bài này từng đi dạo vài lần vào cuối tuần. Bất tiện chút phải gửi xe, nhưng vào đường Đinh Tiên Hoàng, dọc lên đài phun nước, phố thênh thang, du khách cảm thấy hồ Gươm đẹp hơn, thanh bình hơn.

Nhạc sỹ đường phố, họa sỹ truyền thần 30 phút một bức, các cháu nhỏ yêu thích ca hát, nhảy múa. Chỗ kia là một nhóm các bé mê tập kendama, môn thể thao tung hứng quả cầu gỗ của người Nhật mới du nhập. Những đôi tình nhân già trẻ ngồi ngắm không chán mắt mặt hồ mờ ảo.

Ai đến lần đầu mà lạc vào đây sẽ đánh giá Hà Nội thuộc hàng thanh bình của thế giới vì không biết vào ngày thường, hàng ngàn xe máy phóng như ngựa bất kham trên đường, dường như không biết luật nhường người đi bộ.

Thưa Chủ tịch Chung, ông có quan tâm đến việc hái ra tiền từ phố đi bộ? - Ảnh 1.

Với những cô bé, cậu bé thì đây thực sự là những trải nghiệm tuổi thơ tuyệt vời ngày trên lòng đường trên phố đi bộ. Ảnh: Trọng Đạt.

Hy sinh nhỏ và lợi nhuận lớn

Cư dân sống trong khu phố đi bộ gặp chút ít phiền hà vì phải mang theo thẻ cho xe máy. Nhưng đó là chuyện nhỏ.

Thử tưởng tượng khu hàng Đào, hàng Ngang và 36 phố phường của Hà Nội chỉ có cư dân trong đó. Không có công ăn việc làm ổn định ở sở hay công ty, chắc chắn họ sẽ nghèo hơn dân quê ở Ninh Bình vì ở đó lấy gì mà ăn.

Dân phố cổ sống nhờ vào khách vãng lai tới mua bán. Hiểu như thế, cư dân sẽ thấy cần du khách chứ du khách chưa chắc đã cần cư dân nếu khu phố cổ không có gì đáng xem.

Những người không buôn bán, không có nhà mặt tiền, thì số này khá ít. Có phố đi bộ hay không thì cuộc đời họ không thay đổi về thu nhập.

Khi thu nhập cao hơn thì cư dân nên đóng góp bằng cách này hay cách khác cho thành phố để tái đầu tư. Nếu biết chắc chắn đồng tiền được sử dụng đúng mục đích không ít người sẵn sàng.

Tôi có người quen là nhạc công piano, tốt nghiệp nhạc viện Tchaikovsky, hiện đang sống ở Leesburg (Virginia – Mỹ). Anh có cửa hàng bán nhạc cụ và hai lớp dạy nhạc, chiều chiều lớp luôn đông.

Cho con đi học nhạc thường là gia đình khá giả. Trong lúc đợi con học, bố mẹ lang thang các cửa hàng bên cạnh, café, bánh ngọt, sách, quần áo, đồ thể thao, thôi thì rút ví liên tục.

Từ khi có lớp nhạc của anh bạn, thu nhập những cửa hàng quanh đó cao hơn. Chủ lớn của khu shopping cho thuê cũng vậy.

Mấy năm qua, ông tặng quà năm mới là cái séc từ 70 đến 80 ngàn đô la để anh bạn tái đầu tư cho lớp học và cửa hàng nhạc cụ. Khách của anh đông hơn dân buôn quanh càng thắng.

Đó là kiểu kinh doanh người Do Thái và người Hoa thường làm, chia sẻ lợi nhuận, tầm nhìn dài hạn là win - win cho nhiều phía.

Đô la ở đâu ra cho phố đi bộ?

Hiện nay chỗ nào gửi xe máy thì kiếm bộn tiền do phố đi bộ. Từ 10 ngàn đến 20 ngàn/xe, ngày vài trăm xe máy, thì số tiền cũng đáng kể.

Không hiểu họ có nộp đồng thuế nào cho thành phố? Nếu chỉ là chia chác với bảo kê thì dự án phố không xe cộ sẽ đến ngày mệt mỏi vì lấy kinh phí đâu để hoạt động. Hay quanh năm chỉ ngốn ngân sách Nhà nước?

Để tạo nên sự thanh bình cho phố đi bộ nhiều người phải làm việc. Các góc phố đều có các bảo vệ liên tục 24/7 chặn cửa ra. Đội bảo vệ đi tuần, người dọn vệ sinh, nhặt rác cho vào thùng, rồi bao nhiêu việc khác. Những hoạt động này cần tiền và lấy ở đâu ra?

Washington DC có khu phố Georgetown cổ kính mấy trăm năm. Phố M chính rất sạch, mỗi cột điện có treo bồn hoa nho nhỏ trên cao.

Vào mùa hè có xe đi tưới nước, hoa thay thường xuyên, vài tuần một mầu khác nhau, mùa đông có hoa trang trí Noel rất vui mắt. Khách nườm nượp ngày đêm.

Kinh phí hoạt động không phải do bán vé mà do thu thuế. Các cửa hàng bán đồ lưu niệm, quần áo, giầy dép, hàng ăn đóng thuế đủ kiểu.

Giá nhà lên cao thì thuế đất và thuế nhà hàng năm cũng lên cao, nhà nước thu được sẽ trả lại cho khu phố một phần để tái đầu tư. Các thành phố lớn khác trên thế giới đều theo mô hình thuế này.

Tiền được sử dụng đúng mục đích, ít tham nhũng, nên phố ngày càng đẹp hơn, du khách đông hơn, nhà giá cao hơn và thuế được nhiều hơn, một vòng quay tiền chóng mặt của tư bản biết làm thế nào tạo ra lợi nhuận cho các bên.

Thưa Chủ tịch Chung, ông có quan tâm đến việc hái ra tiền từ phố đi bộ? - Ảnh 2.

Điểm trông xe trên phố đi bộ Hà Nội. Ảnh: N.Hải.

Bán vé vào cửa thông qua tiền gửi xe máy

Đối với Hà Nội thì thu thuế cũng là nguồn quan trọng, nhưng thực thu, thực chi ra sao, đó là câu chuyện dài, thuộc về tầm quản lý vĩ mô của thành phố.

Nếu thu thuế một cách bài bản, quản lý tiền thuế tốt, biết tái đầu tư, thì vài chục năm nữa khu phố cổ Hà Nội sẽ đẹp.

Trong ngắn hạn, người viết bài này chỉ nghĩ đơn giản, thay vì để ra vào tự do như hiện nay thì nên tìm cách thu tiền của người tham gia phố đi bộ. Mở cửa bán vé là giải pháp tối kiến vì khó thu và khách ghét mua vé.

Bảo tàng hàng không gần sân bay Dulles ở Washington DC có một kiểu thu phí rất hay. Bảo tàng này thuộc hệ thống bảo tàng Smithsonian nên miễn phí theo qui định.

Tuy nhiên, vé đỗ xe trong khu là 30$, ai tới đây đều dùng xe hơi. Thế là họ cũng thu được kha khá mà không phạm luật của Smithsonian.

Đối với khu phố đi bộ quanh hồ Gươm cũng nên học theo mô hình này.

Hầu hết khách tới đây đều đi xe, việc bỏ ra 30 nghìn để gửi xe máy, 70 hay 100 ngàn/xe hơi được coi như là "vé" vào cửa, chuyện quá nhỏ nếu họ biết đây là đóng góp cho cuộc chiến vỉa hè, lập lại văn minh đô thị của anh Nguyễn Đức Chung.

Chính quyền cấp phép một số địa điểm mở dịch vụ gửi xe theo kiểu thầu khoán. Ví dụ, mặt bằng chứa được 100 xe máy thì khoán luôn 20 triệu/ngày, hợp đồng cho 3 tháng nộp tiền trước.

Với giá trần là 30.000đ/xe/ngày, người thầu có thể được nhiều hơn vì phải có lợi. Khách gửi xe sẽ tự điều chỉnh, dịch vụ không tốt họ sẽ quay lưng.

Cảnh sát kiểm tra và phạt thật nặng những nơi không được phép và nơi có phép thu sai, bắt chẹt, là đủ kinh phí cho "anh em hoạt động", đỡ phải mang tiếng với dân là bảo kê.

Nếu có 20 địa điểm gửi xe thì thành phố đã thu được 800 triệu trong hai ngày cuối tuần. Quản lý chặt chẽ tiền thu, trả công cho người bảo vệ, lao công, dọn vệ sinh, còn lại đầu tư cho đẹp hơn, thì đây là giải pháp đáng suy nghĩ.

Ai đi bộ hay xe bus tới đây được miễn phí vì không gửi xe máy. Tham gia giao thông công cộng, không gây ra kẹt xe và ô nhiễm, họ đáng được thưởng.

Thưa Chủ tịch Chung, ông có quan tâm đến việc hái ra tiền từ phố đi bộ? - Ảnh 3.

Đông người dùng xe bus là thắng lợi cho thành phố. Tây thì thoải mái vào chơi, mua hàng, chụp ảnh cúng facebook, tuyệt hơn cả quảng cáo trên CNN.

Tôi tin nhiều người ra đây vui chơi sẵn sàng đóng góp cho không gian công cộng đẹp hơn, sạch hơn, vì tương lai chung và vì chính họ. Để hòm đóng góp tự nguyện cho môi trường ở bốn góc bờ Hồ là nguồn thu không nhỏ nếu tuyên truyền tốt.

Để cho phố đi bộ ngày càng mở rộng, càng nhiều khách và nhiều tiền thì mỗi người cần đóng góp. Lợi nhiều đóng nhiều, lợi ít đóng ít, không lợi thì chịu khó một thời gian sẽ được không gian đẹp hơn.

Từ chuyện nhỏ như mua vé vào thông qua trả tiền gửi xe đến chuyện lớn là đóng thuế đàng hoàng, và bên quản lý thu chi một cách thông minh, thì giấc mơ Hà Nội là điểm hẹn của toàn cầu là có thật.

Điểm mấu chốt của vấn đề là ở quyết tâm và hành động của những "vị tướng". Thưa tướng Chung, ông có quan tâm đến việc hái ra tiền tái đầu tư phố đi bộ đó không?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại