Cuộc sống mưu sinh cực khổ của bố mẹ diễn viên Lê Khâm

Cao Thanh Hương |

Dù không ai chỉ bảo nhưng vì nhà nghèo nên ngay từ nhỏ 6 anh chị em trong nhà Lê Khâm đều yêu thương, bao bọc lẫn nhau...

Khi tôi hỏi về cuộc sống gia đình ở quê, giọng Lê Khâm trùng hẳn xuống. Anh bảo, cuộc sống của người dân quê anh (Kon Tum - PV) vẫn khó khăn trăm bề và gia đình anh cũng vậy...

Lúc đầu, anh dè dặt không muốn chia sẻ quá nhiều vì sợ người không thông cảm lại bảo... than nghèo kể khổ. Lê Khâm không muốn khán giả thương hại mình. Phải đến tận khi nhận được sự đồng cảm từ người trò chuyện, Lê Khâm mới mạnh dạn kể sự thật về cuộc sống cơ cực của gia đình.

Suốt những năm học tiểu học tôi chỉ có một bộ đồ để mặc...

Tôi sinh ra trong một gia đình lao động nghèo ở Kon Tum. Nhà tôi có 6 anh em, 4 trai 2 gái, tôi là út nam. Ngay từ nhỏ tôi đã hiểu nhà nghèo, bố mẹ mình cực khổ. Muốn mua cái gì cũng khó khăn.

Suốt những năm học tiểu học tôi chỉ có một bộ đồ để mặc. Muốn có bộ thứ hai phải mặc lại của anh trai vì nhà không có tiền mua. Anh em tôi cứ đứa nhỏ mặc lại đồ của đứa lớn, quần áo rách thì đệm miếng vá rồi mặc tiếp. 

Hoàn cảnh cơ cực ấy đã cho tôi ý thức tự lập từ bé và làm gì cũng phải cố gắng vì nhà không có điều kiện như người ta. Nhà nghèo, bố mẹ vất vả nên anh em tôi tự ý thức được phải bao bọc lẫn nhau khi ra ngoài xã hội.

Cuộc sống mưu sinh cực khổ của bố mẹ diễn viên Lê Khâm - Ảnh 1.

Lê Khâm trên sân khấu.

Từ hồi lớp 6, xem ti vi thấy những anh chị làm thông dịch viên, tôi cũng nuôi mơ ước lớn lên cũng được làm công việc đó. Nhưng khi lớn hơn, tôi nghĩ mình chiều cao không có, nhan sắc hạn chế, điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nên hiểu đó là một ước mơ xa vời thực tế. 

Học hết cấp 3, tôi và cậu bạn thân theo xe đò xuống Sài Gòn ôn thi vào đại học cao đẳng. Thi xong, hai đứa không có tiền về quê nên quyết định ở lại Sài Gòn kiếm việc làm thêm.

Hai đứa ở tạm chỗ nhà trọ của anh trai tôi và xin đi làm phu hồ, thạch cao cho một công trình xây dựng. Ngày nào hai đứa cũng xách xe đạp chạy đi chạy về hơn 20km đi làm.

Làm thạch cao, bụi bám lỗ chân lông làm da dẻ hư hết. Về nhà tắm, dội nước mà nước trôi tuột như dội lên dầu mỡ. Công việc cực khổ mà chưa bao giờ nản chí. 

Làm gần 2 tháng, tôi mới về quê chuẩn bị đi học tiếp vì nhận được giấy báo đỗ khoa Quản lý Văn hóa trường Cao đẳng Văn hóa TP.HCM.

Khi vào học, tôi mới biết mình chọn nhầm trường. Tôi vừa học vừa tìm cơ hội để được đứng trên sân khấu. Tôi xin tham gia vào các hoạt động văn hóa nghệ thuật không chuyên ở Nhà văn hóa quận 11. Nhờ một hội diễn, tôi có cơ hội gặp nghệ sĩ hài Bảo Khương và theo chân ông tấu hài.

Sau này, vì một vài hiểu lầm nhỏ, tôi không làm việc tiếp với chú. 1 năm sau đó, tôi không nhận được bất kỳ show diễn nào. 

Tưởng rằng con đường vào nghề cũng khép lại nhưng Tổ thương cho tôi cơ duyên gặp nghệ sĩ hài Trung Dân. Anh là người thầy thứ 2 dìu dắt tôi trong nghề tới tận bây giờ...

Bố mẹ bán cà phê, có ngày không bán được ly nào...

Hiện tại, bố mẹ tôi ở phường Trần Hưng Đạo thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum. Nhiều người nghĩ là thành phố thì hẳn đời sống cũng đỡ hơn nhưng thực chất mức sống vẫn cơ cực như ngày nào.

Cuộc sống mưu sinh cực khổ của bố mẹ diễn viên Lê Khâm - Ảnh 2.

Lê Khâm và mẹ

Ở đó không có nhà xưởng khu công nghiệp để người dân có việc làm. Họ chỉ biết trông chờ vào làm nông, trồng cây công nghiệp dài ngày như khoai mì, mía, cao su... Nguồn thu từ nông nghiệp cũng hên xui.

Nhà tôi ở mặt tiền, bố mẹ mở quán cà phê nhưng không kinh doanh được do mức sống của người dân quá thấp. Tôi ví dụ cứ 100 người thì có khoảng 5, 7 người rảnh để đi uống cà phê. Nhưng người rảnh lại là những người không có công ăn việc làm cho nên họ thường uống nợ.

Đến giờ bố mẹ tôi vẫn chưa thoát khổ. Bố mẹ mở quán cà phê nhưng có ngày không bán được ly nào, có ngày bán được 1 ly, có ngày bán được vài ly.

Đã từ lâu nhà tôi không trồng cây công nghiệp nữa. Bán cà phê không được, mẹ lại buôn gánh bán bưng ở chợ. Mỗi thứ một chút mà sống qua ngày, cũng không xác định được đâu mới là nguồn thu nhập chính.

Dù vậy, gia đình tôi lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười. Nhà tôi ai cũng có khiếu hài hước, mỗi lần cả nhà tụ tập là lại kể chuyện phiếm cho nhau nghe. Đó là những chuyện lụm lặt ở ngoài đời trong quá trình đi làm rồi về thêm mắm thêm muối cho tếu táo. 

Mỗi lần như thế, hàng xóm xung quanh nghe cười từng hồi rần rần họ cũng tò mò và cười theo.

Lê Khâm là gương mặt quen thuộc với khán giả ở sân khấu kịch Hồng Vân nhiều năm nay và là học trò ruột của nghệ sĩ hài Trung Dân.

Lăn lộn trong nghề hơn 10 năm với đủ các thể loại tấu hài, kịch dài, phim ảnh... nhưng cái tên Lê Khâm chỉ thực sự được biết đến từ gameshow "Đấu trường tiếu lâm" cách đây gần 1 năm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại