"Vàng mười" từ vùng cao ngày giáp Tết

Mạnh Mường |

Ở nơi đây trong những ngày giá rét giáp Tết, sau một chuyến đi đặc biệt, chúng tôi nhận được "vàng mười" từ người vùng cao.

Câu hỏi chung cho nhiều người

Có Tết chưa?

Chúng tôi dùng câu hỏi này cho tất cả những người nghèo chúng tôi gặp suốt hai ngày ở một xã nghèo thuộc tỉnh Thái Nguyên. Câu trả lời chúng tôi nhận được đôi khi là nụ cười, đôi khi là cái chẹp miệng cho qua và cả tiếng thở dài len lén.

Ngày này, Sảng Mộc rét mướt và có mưa xuân...

Trên sân sau UBND xã Sảng Mộc, huyện Võ Nhai, 200 hộ dân ở khắp 17 xóm của 2 xã Sảng Mộc và Thượng Nung đã tập trung rất đông chờ đến lượt nhận quà.

Có người phụ nữ da rám nắng, lặng lẽ ngồi bên bậc thềm đung đưa đôi chân chiều lòng đứa con nhỏ. Đứa bé cứ hồn nhiên trong lòng mẹ, thi thoảng cười khi thấy chúng tôi đưa máy lên chụp, trông thật sáng sủa. Ít ai ngờ cháu đã gần 10 tuổi rồi mà mới chỉ bi bô nói không thành câu.

Vàng mười từ vùng cao ngày giáp Tết - Ảnh 1.

Mẹ con chị Lý Thị Mỵ và bé Hoàng Văn Hải ở Lũng Luông

Cháu là Hoàng Văn Hải (2009), con trai út của anh Hoàng Văn Phụng và chị Lý Thị Mỵ ở xóm Lũng Luông, Thượng Nung, Võ Nhai.

Vợ chồng anh chị sinh được 4 người con, ruộng thì không có, chỉ có đất nương để trồng ngô. Chị Mỵ cũng không biết là có bao nhiêu đất và mỗi năm thu được bao nhiêu ngô nữa. Cũng chỉ biết, mỗi năm bỏ ra chừng 6 cân ngô giống thì có thể sẽ có đủ ngô ăn trong năm. Cả gia đình ăn ngô đều đều như vậy hết năm nay sang năm khác.

Mỵ không dè dặt chia sẻ với chúng tôi về gia cảnh của chị cho đến khi nhắc đến những đứa con, trong đôi mắt đó hoen đỏ, những giot lệ lại chực trào ra.

Được biết, cậu bé Hải từ khi sinh ra đã bị bại não nên suốt ngày nằm quắt qoeo một chỗ hoặc nằm viện dài ngày. Nhà vốn nghèo lại càng nghèo hơn khi tất cả những đồng tiền làm ra cũng không đủ đưa con đi viện chữa trị.

Mỵ bảo: "Hoàn cảnh khó khăn lắm, đến ngô ăn cũng chẳng đủ cho các con, lấy đâu ra gạo? Nhà không có ruộng, có ít đất làm nương rẫy để trồng ngô thôi."

Vàng mười từ vùng cao ngày giáp Tết - Ảnh 2.

7 tuổi, bé Hải đã đang chập chững đi được và bập bẹ nói, có lẽ đây là niềm an ủi lớn nhất cho đôi vợ chồng nghèo này.

Người vùng này quanh năm lấy ngô làm nguồn thức ăn chính, nhưng có khi ngô còn không đủ để ăn.

Chúng tôi đã trao tặng cho những con người này những phần quà Tết cuối năm, và chính họ lại trao cho chúng tôi món quà lớn hơn thế.

Tuy vậy, biết đâu những khó khăn, vất vả của anh Phụng, chị Mỵ và 4 cháu nhỏ là trước mắt, tạm thời? Chí ít vẫn hơn những câu chuyện mà chúng tôi cho rằng nó vốn rơi vào sự bế tắc, đìu hiu. Ví như cảnh ngộ của những cụ già neo đơn như bà cụ Mông Thị Suối hay cụ Hà Thị Cầu và bà Nguyễn Thị Lộc,..

Cả ba con người có ba số phận khác nhau nhưng đâu đó lại chung sự éo le trong cuộc sống chẳng khác nhau là mấy. Bởi họ đều là những người nghèo khổ và chịu sự cô đơn, hiu quanh khi tuổi tác ngày càng cao.

Bà Nguyễn Thị Lộc (1963) sống một mình ở Làng Đèn, xã Tràng Xá, Võ Nhai. Hôm nay biết tin được nhận quà Tết nên cũng cố gượng dậy ra Ủy ban nhận quà cùng mọi người trong xóm. Trong khi nói chuyện, bà còn chỉ cho chúng tôi thấy những vết đau ở chân vẫn còn sau ca mổ gần nhất.

Vàng mười từ vùng cao ngày giáp Tết - Ảnh 3.

Hầu như bà Lộc (áo tím) không đủ sức khỏe làm được gì hết, tất cả sống nhờ vào trợ cấp của Nhà nước và sự đùm bọc của hàng xóm mà thôi.

"Suốt ngày ốm đau, không làm được gì, nước nôi, củi đuốc các cháu trong họ hàng giúp đỡ... Thấy ốm đau cũng thương lắm, tôi thường chạy qua chuyện trò rồi giúp đỡ bà ấy" bà Lê Thị Hảo, hàng xóm của bà Lộc cho biết như vậy.

Cụ bà Nông Thị Cầu (1943) ở xóm Đồng Ẻn, xã Tràng Xá, Võ Nhai vốn dĩ là cán bộ quân y. Nay đã ở cái tuổi dùng "thuốc nhiều hơn ăn cơm" (lời của nhân vật) nhưng chẳng khi trái gió trở trời nào có ai bên cạnh. Từ ngày chồng cụ mất (2014), cụ chỉ còn lại một mình bơ vơ không biết trông vào ai bởi cụ không có con cái.

Vàng mười từ vùng cao ngày giáp Tết - Ảnh 4.

Cụ bà Nông Thị Cầu đang ký tên và nhận quà từ Báo Trí Thức Trẻ.

Người cuối cùng trong câu chuyện là cụ Mông Thị Suối (1947) người dân tộc Nùng, sống một mình ở xóm Đồng Rã, xã Dân Tiến, huyện Võ Nhai.

Vàng mười từ vùng cao ngày giáp Tết - Ảnh 5.

Đằng sau nụ cười phúc hậu của cụ Mông Thị Suối là những câu chuyện dài...

Một bà lão nghèo, sống đơn độc quá nửa cuộc đời nhưng bất kể lúc nào trò chuyện cũng cho người đối diện thấy sự lạc quan, mạnh mẽ hiếm có.

Chúng tôi quan sát những bước đi của bà cụ lưng còng, mặt cúi sát đất, tay xách túi quà kiên trì từng bước đi chậm rãi từ cổng trụ sở UBND xã Tràng Xá cho đến khi bóng bà nhỏ dần cuối con đường về làng.

Và chúng tôi cũng lên đường...

Tình yêu bất tử giữa cái đói cái nghèo và bệnh tật...

Chúng tôi chia tay Tràng Xá, chia tay Sảng Mộc của Võ Nhai để tới những địa điểm mới ở Đại Từ.

Ở đó, chúng tôi cũng gặp rất nhiều những con người với những câu chuyện khác nhau, nhưng may mắn hơn hết là được gặp những câu chuyện đẹp về tình yêu cao cả mà những ông chồng nghèo dành cho người phụ nữ của họ.

Như ông cụ Nguyễn Văn Hợi (SN 1940), ở Xóm Rừng Vần, Bản Ngoại, Đại Từ vừa chăm sóc vợ bị tai biến liệt nửa người, vừa lo toan công việc trong nhà.

Ngày ngày đều đặn ông đưa bà đi châm cứu, bà bị liệt nửa người bên phải, ruộng nương nay đã cho người ta thuê.

Vàng mười từ vùng cao ngày giáp Tết - Ảnh 6.

Nguyễn Văn Hợi nhận quà Tết từ đại diện Báo Trí Thức Trẻ ngày 17/01

Ông kể rằng, năm 1959, ông bắt đầu làm công nhân đường sắt C324 Yên Bái, rồi 20/10/1963 đi làm đường thông xe vào cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa). Sau đó, năm 1964, ông về làm công nhân Gang thép Thái Nguyên. Mãi cho đến năm 1973, ông hưởng trợ cấp một lần và về cưới vợ.

Các con hiện đã lập gia đình, có cuộc sống riêng, ông không muốn phụ thuộc làm khổ con cái nên vẫn cần mẫn làm lụng rồi chăm sóc vợ vì thấy mình còn đủ sức khỏe làm những điều đó. Ông nói: "Những năm tháng thanh xuân đã cống hiến cho Tổ quốc rồi, vợ cũng hy sinh cho mình nhiều, nay mình bù đắp cho bà ấy là đúng rồi".

Có lẽ câu chuyện của cụ Hợi cũng giống với câu chuyện của anh Đặng Văn Quyết (1979) ở xóm Khuôn Ruộng, Tràng Xá, Võ Nhai. Có chăng là khác ở nhau ở tuổi tác mà thôi.

Anh Quyết lấy vợ được hơn 15 năm nhưng chỉ có được 7 năm cùng nhau làm mọi thứ, còn bây giờ mọi thứ một mình anh làm.

Năm 2009, vợ anh bị tê các đầu ngón tay cứ nghĩ là đau nhức bình thường nên chỉ đi châm cứu, không ngờ sau một trận cảm thì co quắp hết tay chân, từ đó bị liệt nửa người chỉ nằm một chỗ.

Cũng từ đó, ngày qua ngày anh Quyết đi làm kiếm tiền nuôi con rồi lại tất tả về nấu nướng, chăm sóc vợ. Từ ngày vợ nằm liệt một chỗ, mọi việc từ lớn đến nhỏ trong nhà một tay anh lo liệu. Nào là bón cơm cháo rồi tắm rửa, giặt quần áo cho vợ cũng một tay anh làm.

Vàng mười từ vùng cao ngày giáp Tết - Ảnh 7.

Anh Quyết xúc động kể về người vợ của mình

Cả gia đình trông vào hai sào ruộng trồng ngô khoai, hàng ngày anh phải đi làm thêm để có thêm tiền vừa thuốc thang cho vợ, vừa tiền học cho cậu con trai đang học lớp 7 và tiền sinh hoạt phí trong nhà.

Những lời kể bị ngắt quãng bởi cảm xúc như nghẹn lại...

"Chả bao giờ nghĩ đến chuyện thay lòng, nếu chẳng may trời bắt tội cô ấy thì mới phải chịu, không thì mình cũng sẽ luôn hết lòng hết dạ với vợ mình...", anh Quyết mím thật chặt đôi môi tím tái, giọng như run run nói chắc nịch.

Video trao quà Tết tại Đại Từ ngày 17/01/2017

Chúng tôi đã trao tặng cho những con người này những phần quà Tết cuối năm, và chính họ lại trao cho chúng tôi món quà lớn hơn thế.

Bởi qua họ, chúng tôi lại thấm thía biết bao cái tình người, tình yêu trong đó, tình cảm gia đình thiêng liêng và ở đó còn là nghị lực vươn lên từ những bão giông của cuộc sống... Những điều mà khó/không mua được bằng tiền...

Đó chắc hẳn là một thứ "vàng mười" đáng quý!

Hàng năm Qũy Thiện Tâm thuộc Tập đoàn Vingroup đều đặn dành tặng những món quà đặc biệt cho những người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở khắp nơi mỗi dịp Tết đến xuân về.

Năm nay, được sự tài trợ của Qũy Thiện Tâm, Báo điện tử Trí Thức Trẻ đã tổ chức chương trình trao tặng quà Tết sớm đến với người dân ở hai huyện Đại Từ và Võ Nhai, Thái Nguyên.

Qua hai ngày 16 và 17/01, Báo điện tử Trí Thức Trẻ đã trao tận tay 1000 suất quà Tết cho người dân nghèo tại đây, mỗi phần quà bao gồm 01 hộp bánh, 01 túi kẹo và 01 phong bì 400.000 đồng. Trị giá mỗi phần quà là 500.000 đồng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại