Đất Trung Quốc máu chảy thành sông, Đại Việt tọa sơn quan hổ đấu

Quốc Huy |

Cuộc chiến Nam Tống - Nguyên Mông kéo dài hơn bốn thập niên là một trong những cuộc chiến dai dẳng và có quy mô lớn nhất, đẫm máu nhất của nhân loại thế kỷ 13. Về góc độ của Đại Việt, triều đình nhà Trần khi quan sát, theo dõi chiến sự đã lựa chọn cho mình hướng đi ngoại giao thích hợp.

1. Đế quốc Mông Cổ từ Mông Kha đến Hốt Tất Liệt

Mặc dù sau cuộc xâm lược Đại Việt bị thất bại, nhưng thế lực của đế quốc Mông Cổ vẫn còn đà phát triển mạnh mẽ. Trong lúc quân dân Đại Việt có quãng thời gian hai thập niên hòa bình để xây dựng đất nước, thì nước Nam Tống phải chật vật chống đỡ sức tấn công mãnh liệt của đế quốc Mông Cổ.

Nam Tống lúc này đang ở thế suy, triều đình thối nát, nhiều gian thần được trọng dụng nên thường có nhiều chính sách sai lầm.

Tuy nhiên, với vị thế của một nước lớn, đông dân, đất đai màu mỡ và sở hữu một nền văn minh hàng đầu thế giới bấy giờ, Nam Tống không phải là miếng mồi dễ nuốt đối với quân Mông Cổ.

Năm 1259, Đại hãn Mông Kha (Mongke) cùng với em trai là Hốt Tất Liệt (Kubilai) và tướng Ngột Lương Hợp Thai (Uriangquatai ) chia binh tấn công mãnh liệt Nam Tống. Mông Kha cầm quân đánh vào Tứ Xuyên, Hốt Tất Liệt đánh Ngạc Châu, Ngột Lương Hợp Thai đánh Đàm Châu.

Quân Mông Cổ ngoài thành phần là kỵ binh người Mông Cổ còn có rất đông bộ binh người Trung nguyên. Với lực lượng vừa đông vừa mạnh, hầu như khắp các mặt trận quân Mông Cổ lấn lướt quân Nam Tống, việc tiêu diệt Nam Tống gần như chỉ còn là vấn đề thời gian.

Tuy nhiên, quân dân Nam Tống dưới sự chỉ huy của tướng Vương Công Kiên tại vùng Hợp Châu, Tứ Xuyên đã làm nên được kỳ tích. Vương Công Kiên và tì tướng Nguyễn Văn Lập đã chỉ huy điều động dân chúng đắp thành Điếu Ngư từ trước khi quân Mông Cổ tấn công vào vùng này, rồi dựa vào thành trì mà bẻ gãy nhiều đợt tấn công của quân Mông Cổ dưới sự chỉ huy của Mông Kha.

Việc sử dụng nhiều máy bắn đá, cung tên loại tốt và chiến thuật hợp lý đã đem lại lợi thế cho quân Tống thủ thành. Mông Kha cảm thấy bị xúc phạm khi đại quân của mình bị chặn đứng trước một tòa thành nhỏ bé nên đã quyết định đích thân ra tuyến đầu đốc thúc quân lính tấn công tổng lực.

Thế nhưng trong lúc chỉ huy trận đánh, Mông Kha đã bị đạn đá bắn trúng, trọng thương và qua đời. Cái chết của Đại hãn Mông Kha khiến nội bộ Mông Cổ lục đục, buộc phải tạm dừng cuộc xâm lược.

Bấy giờ người em út của Mông Kha là A Lý Bất Ca Arik Buka) ở kinh đô Hòa Lâm (Karakorum) biết tin, liền triệu tập một số quý tộc ở kinh đô đơn phương tổ chức hội nghị quý tộc, tôn A Lý Bất Ca làm Đại hãn.

Hốt Tất Liệt đang vây Ngạc Châu, bèn tạm hòa hoãn với Giả Tử Đạo của nước Nam Tống, đem quân về bắc tranh ngôi hãn. Năm 1261, Hốt Tất Liệt cũng triệu tập một hội nghị quý tộc ở Khai Bình, lên ngôi Đại hãn.

Như vậy thời điểm này Mông Cổ có tới hai hãn, và nội chiến tranh ngôi đã diễn ra. Với lợi thế có được từ đất đai màu mỡ vùng Hoa Bắc, nguồn nhân lực đông đảo, kinh tế vững mạnh hơn nên Hốt Tất Liệt đã giành thắng lợi trước A Lý Bất Ca trong vòng 4 năm.

Vào năm 1264, A Lý Bất Ca đầu hàng, Hốt Tất Liệt trở thành Đại hãn duy nhất của đế quốc Mông Cổ. Một số vùng đất phía tây đế quốc Mông Cổ thời kỳ này trở nên độc lập trên thực tế, đế quốc Mông Cổ bắt đầu xuất hiện sự phân liệt, cát cứ.

Tuy nhiên, Hốt Tất Liệt vẫn trực tiếp cai trị một vùng lãnh thổ rất lớn ở phương đông, cũng là vùng giàu có nhất của toàn đế quốc.

2. Hốt Tất Liệt thành lập triều Nguyên, tiêu diệt nhà Tống

Ngay từ lúc giành được nhiều lợi thế trong cuộc nội chiến tranh ngôi, quân đội của Hốt Tất Liệt đã đẩy mạnh trở lại cuộc xâm lược Nam Tống. Thành Điếu Ngư sau nhiều năm chống cự kiên cường cuối cùng đã thất thủ vào năm 1265, cùng với đó là việc Tứ Xuyên hoàn toàn rơi vào tay quân Mông Cổ.

Trong khi chiến sự diễn ra dữ dội thì nội bộ triều đình Nam Tống lại vô cùng thối nát. Gian thần Giả Tử Đạo nắm mọi quyền hành, vua Tống bị che mắt chẳng nắm được diễn biến ngoài tiền tuyến, chỉ lo ăn chơi hưởng lạc. Quân Tống tuy đông nhưng lực lượng lại phân tán, luôn ở thế yếu tại những vị trí quan trọng.

Năm 1268, quân Mông Cổ bắt đầu công phá hai thành Tương Dương, Phàn Thành. Hai thành này là điểm phòng thủ cuối cùng của vùng Tương Phàn, vị trí án ngữ sông Hán Thủy, là lối vào sông Trường Giang, giới tuyến tự nhiên che chở cho Nam Tống. Tương Dương, Phàn Thành trở thành cái nút sống còn đối với Nam Tống.

Năm 1271, Hốt Tất Liệt lấy quốc hiệu là Đại Nguyên, đóng đô tại Đại Đô (Bắc Kinh ngày nay). Cả hai phía Mông Cổ và Nam Tống đều đổ vào đây nhiều tâm sức để giành chiến thắng. Tuy nhiên do sự sai lầm về bố trí lực lượng và hậu cần không tốt, quân Nam Tống ở Tương-Phàn dần rơi vào thế phải chiến đấu đơn độc, lương thực dần cạn.

Đến đầu năm 1273, cuối cùng quân Mông Cổ cũng chiếm được Tương Dương, Phàn Thành sau khi đã phải trả giá đắt về nhân mạng và vật chất. Dân chúng Phàn Thành bị tướng A Truật ra lệnh thẳng tay tàn sát không thương tiếc.

Để bảo vệ nhân mạng thành Tương Dương, tướng giữ thành Tương Dương là Lã Văn Hoán buộc lòng phải mở cổng thành đầu hàng quân Nguyên bởi tình thế quá tuyệt vọng.

Sau khi chiếm được vị trí chiến lược Tương-Phàn, quân Nguyên tràn vào vùng lãnh thổ phía nam sông Trường Giang của Nam Tống với thế mạnh không thể ngăn cản nổi. Lần lượt nhiều vùng lãnh thổ của nhà Tống bị chiếm một cách chớp nhoáng.

Kinh thành Lâm An của Nam Tống thất thủ vào tháng 2.1276, vua Tống Cung Đế và Thái hoàng thái hậu Nam Tống bị bắt. Một số quan lại, tướng lĩnh Tống lui về mặt ven biển phía đông, lập vua mới và ra sức chiến đấu một thời gian nữa nhưng tình thế đã không thể cứu vãn nổi.

Năm 1279, hạm đội Nam Tống bị đánh bại và bị tiêu diệt gần như toàn bộ trong trận hải chiến tại Nhai Sơn (thuộc Quảng Đông). Tả thừa tướng Lục Tú Phu cõng vị vua cuối cùng của triều Tống là Tống Đế Bính nhảy xuống biển tự tử.

Rất đông quan lại, quý tộc, binh lính còn lại của Nam Tống cũng tự chết theo vua. Vài ngày sau trận chiến, có đến hơn 10 vạn xác chết người Tống nổi lên dày đặc khắp một vùng biển rộng lớn, cảnh tượng vô cùng bi thảm. Nhà Tống hoàn toàn bị diệt vong.

Cuộc chiến Nam Tống - Nguyên Mông kéo dài hơn bốn thập niên là một trong những cuộc chiến dai dẳng và có quy mô lớn nhất, đẫm máu nhất của nhân loại thế kỷ 13. Về góc độ của Đại Việt, triều đình nhà Trần khi quan sát, theo dõi chiến sự đã lựa chọn cho mình hướng đi ngoại giao thích hợp.

Đó là công nhận vị thế bá chủ của đế quốc Nguyên Mông, thực hiện đường lối bang giao nhún nhường, mềm mỏng với nước này để bảo vệ hòa bình, nhưng cũng phải tìm cách giữ vững chủ quyền đất nước, thể diện quốc gia10 phần về cuộc chiến vĩ đại chống Nguyên Mông lần thứ nhất. Nhiệm vụ đó không hề đơn giản.

Kỳ tới: Thái độ của Đại Việt trước cuộc chiến Tống - Nguyên

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại