Xoá biển xanh biển đỏ chưa chứng tỏ điều gì

Hiệu Minh |

Ở Mỹ, biển màu chỉ thể hiện đó không phải của tư nhân và để dân chúng dễ theo dõi chính quyền có sử dụng tài sản đúng mục đích không. Biển xanh, đỏ chẳng có chút "ưu tiên" nào.

Xoá biển xanh biển đỏ chưa chứng tỏ điều gì - Ảnh 1.

Một quan chức trong lĩnh vực an toàn giao thông mới đây cho rằng, biển xanh - đỏ - trắng tạo nên sự bất bình đẳng trong giao thông, và kiến nghị đưa hết về một loại biển số.

Ở nhiều nước, biển xanh hay đỏ chỉ thể hiện xe đó không phải của tư nhân, chứ hoàn toàn không mang nghĩa ưu tiên.

Bài viết của tác giả Hiệu Minh cung cấp thêm một góc nhìn từ thực tế sử dụng biển số xe ở nước Mỹ.

Biển đăng ký xe hơi tại Mỹ

Người Mỹ lái xe hơi nói chung khá an toàn và chấp hành luật lệ khá tốt. 12 giờ đêm đèn đỏ không có xe nào vẫn đợi đèn xanh mới dám chuyển bánh. Vượt thì vài ngày sau sẽ có vé phạt gửi đến vì họ chụp được hình cùng với ngày giờ. Giáo dục ý thức cộng với pháp luật giúp cho người người nghe theo tăm tắp.

Nhưng biển đăng ký thì hỗn loạn, thiên hình vạn dạng, mỗi tiểu bang một kiểu, mỗi gia đình khác nhau.

Biển bình thường thì cũng bình thường như các quốc gia khác, có tên tiểu bang, số biển bao gồm chữ và số, giá 10$.

Nếu thích ủng hộ quân đội có thêm US Army nhưng nộp 20$, thích công viên quốc gia đóng 30$. Số tiền chênh lệch được gửi cho nơi "kêu gọi".

Nhóm ủng hộ đánh bắt cá, bảo vệ môi trường, ủng hộ cựu chiến binh, vì hòa bình xanh… tự thiết kế biển đăng ký và nhờ bên đăng ký xe bán hộ.

Thích loại biển riêng của mình thì chọn vài chữ như Iloveyou (anh yêu em), TGIT (thế giới IT), thậm chí tên viết tắt như NGUYEN 8 (họ Nguyễn và số 8 may mắn), nhìn biết ngay là người Mỹ gốc Việt với giá khoảng 50$ hoặc có khi là 100$.

Chuyện có biển xe 686868 chẳng là đinh gì bên Mỹ, không thể là tin hot news trên báo.

Xoá biển xanh biển đỏ chưa chứng tỏ điều gì - Ảnh 2.

Biển màu "for official use only"

Biển xe của chính phủ, quân đội và công an cũng có màu khác với dân. Mục đích là chỉ sự khác biệt với dân thường nhưng không phải để được cảnh sát ưu ái hay phóng bừa bãi.

Mỗi tiểu bang Hoa Kỳ có qui định riêng về biển xe cho chính quyền địa phương trong khi chính quyền liên bang có biển riêng. Hầu hết các biển xe đều có chữ phía trên như "Government – Chính phủ", "Official – chính thức", "state owned – tiểu bang", "municipal – tỉnh hay huyện".

Màu của biển xe cũng khác nhau tại các tiểu bang. Có nơi chữ màu xanh trên nền trắng như Virginia trong khi Florida qui định chữ màu đen trên nền vàng.

Tương tự xe cảnh sát cũng thế, kể cả xe của FBI đều đề rõ ràng. Không rõ CIA có biển riêng hay một ký hiệu nào chứng tỏ người ngồi trong xe làm cho CIA không.

Các biển đều có đề "for official use only – chỉ dùng cho công vụ chính thức" nghĩa là không được dùng cho mục đích cá nhân.

Nếu buổi tối vị khách dùng xe công vụ đi dự lễ quan trọng do giấy mời chính thức quan chức chính phủ thì coi như công vụ.

Nếu đi lễ chùa với vợ, thăm người tình ở nhà nghỉ, anh ta đã dùng xe cho mục đích cá nhân. Đây gọi là lợi dụng chức vụ.

Khi lưu thông trên đường, các xe có quyền hạn và trách nhiệm ngang nhau và bình đẳng trước pháp luật.

Xe cảnh sát không có nhiệm vụ khẩn cấp thì không thể rú còi đi vào đường ngược chiều hay vượt đèn đỏ. Khi rú còi, hệ thống camera bật lên và nối với trung tâm theo dõi. Rú còi để đi tìm gái thì hôm sau, anh có thể mất việc và thành vô gia cư.

Biển xanh biển đỏ chẳng chứng tỏ quyền gì

Truyền thông Mỹ thỉnh thoảng "vớ" được vụ các quan chức tiểu bang bị bắt vì lái xe say rượu, bị phạt tiền, bị treo bằng cả năm. Gần như họ sẽ bị dân sa thải trong kỳ bầu cử tới.

Các vị này không thể dùng quyền miễn trừ thân thể để không bị cảnh sát còng tay cho dù các vị có dùng xe biển xanh đề US Government (xe cơ quan chính phủ).

Ở mọi quốc gia, xe hơi mang biển xanh hay biển đỏ chỉ chứng tỏ xe đó thuộc về cơ quan chính phủ, quân đội hay công an.

Nó không thể là cái thẻ chen ngang, vượt đèn đỏ, đèn vàng, đi ngược chiều hay được cảnh sát giao thông châm chước.

Trừ trường hợp quân sự khẩn cấp, công vụ quan trọng có cảnh sát dẫn đường, truy đuổi tội phạm… thì xe biển xanh đỏ lưu thông trên đường chỉ chứng tỏ xe đó không phải của tư nhân.

Người dùng xe bằng tiền thuế, hưởng lương và mọi quyền lợi do chức tước mang lại, càng phải gương mẫu trong việc tôn trọng luật hơn là ngồi xổm trên luật chỉ vì biển màu khác thường.

Một khi biển hai màu trên được ưu ái khi phạm luật nghĩa là "mọi xe sinh ra chưa có quyền bình đẳng" trước pháp luật.

Và cảnh sát giao thông sợ màu biển xe nghĩa là chưa hoàn thành nhiệm vụ mà người dân trả lương cho anh ta.

Tham nhũng, lạm quyền cũng từ những việc nho nhỏ đó mà ra. Con lái xe say rượu, gây tai nạn, bị cảnh sát bắt, một cú điện thoại của bố có thể giải quyết êm thấm.

Nếu pháp luật công minh thì không thể có chuyện đó.

Tại bang Virginia 2 năm trước, con trai cựu thống đốc Bob McDonnel lái xe khi say rượu. Cảnh sát bắt được, còng tay và phạt 1 năm không được lái xe. Chẳng có cú điện thoại nào cứu được ông trời con.

Cũng năm đó McDonnel và vợ bị buộc tội tham nhũng 130 ngàn đô la bằng quà cáp và các chuyến đi nghỉ, mất chức, suýt bị tù. Gia đình Bob McDonnel lụn bại vì pháp luật không tha bất kỳ ai.

Biển xanh biển đỏ không có lỗi

Người Mỹ không cần xoá biển xanh biển đỏ. Có biển màu khác biệt thì dân chúng dễ theo dõi hơn việc chính phủ dùng tài sản của dân như thế nào.

Yếu tố quyết định là cảnh sát - người đại diện cho công lực của nhân dân - phải được đào tạo để hành xử với mọi đối tượng lưu thông trên đường một cách công bằng.

Cảnh sát Mỹ có thể còng tay người say rượu lái xe cho dù vị đó là tổng thống hay thượng nghị sỹ, cẩu xe và giam luôn người vi phạm vào trại, để cho bên pháp luật xử.

Xoá biển xanh đỏ, nhưng vị ngồi trong xe vi phạm lại dọa gọi cho anh nọ anh kia, rồi người cảnh sát sợ mất việc vì phạm húy, thì mọi việc vẫn như nguyên.

Mọi con đường đến văn minh đều bắt đầu từ pháp luật công minh. Một khi có những vùng cấm, thì chuyện biển xanh đỏ là câu chuyện không có hồi kết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại