Vị vua Việt Nam có sức mạnh nâng bổng vạc dầu như Sở Bá Vương Hạng Vũ

S.T |

Chiến công lưu truyền sử sách được vị vua đất Đường Lâm (Hà Nội) thực hiện năm 41 tuổi, nhưng ngay từ khi mới sinh ra ông đã có những đặc điểm khác lạ của người mang mệnh đế vương.

Trong Đại Nam quốc sử diễn ca của Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái có câu:

Dương Công xưa có rể hiền,
Đường Lâm hào hữu tên Quyền họ Ngô.

Người được khen là rể hiền của Dương Đình Nghệ trong câu thơ trên, không ai khác chính là anh hùng nức tiếng của nước ta buổi đầu độc lập: Ngô Quyền.

Được biết đến với chiến thắng Bạch Đằng oanh liệt năm Mậu Tuất (938), được sử gia đời sau ngợi ca là: "Võ công lớn ấy còn vĩ đại đến nghìn năm, chứ có phải chỉ rạng rỡ một thời mà thôi đâu!" (Trích lời Ngô Thì Sĩ).

Còn cụ Phan Bội Châu trong Việt Nam quốc sử khảo thì tôn xưng anh hùng họ Ngô là "Tổ Trung hưng".

Tài năng của Ngô Quyền được biết tới trong chiến trường nơi con sông sóng bạc đầu ấy là khi ông ở được 41 tuổi ta (sinh năm Mậu Ngọ 898). Nhưng ngay từ khi mới sinh ra, ở chàng trai đất Đường Lâm đã có những đặc điểm khác lạ mà chỉ có những người ở mệnh đế vương mới có.

Cha Ngô Quyền là châu mục ở châu Đường Lâm (nay thuộc Hà Nội). Gia đình họ Ngô thuộc dòng họ hào trưởng có thế lực, đời đời là quý tộc.

Trong http://www.vietnamgiapha.com viết rằng: nguyên quán tổ tiên nhà họ Ngô ở Châu Ái (Thanh Hóa). Từ đời trước vị thủy cao tổ là Ngô Nhật Đại lấy việc làm ruộng khởi nghiệp. Sau con là Ngô Nhật Dụ tính hiếu học, nghe tin Sĩ Vương (tức Sĩ Nhiếp) Thái thú Giao Chỉ lấy văn tự giáo hóa, ông phấn khởi đi theo.

Người Trung Quốc thấy ông nói: "Người này mắt đẹp, lưng đầy, để phục lại đời sau ngày càng thịnh". Sau này ông là người giúp việc cho Sĩ Vương. Từ đó, họ Ngô trở lên một họ lớn và đến đời Ngô Quyền thì điều ấy càng hiển hiện.

Năm Mậu Ngọ, Ngô Quyền ra đời. Khi mới sinh "có ánh sáng lạ đầy nhà, trạng mạo khác thường". Việt sử diễn âm có ghi lại:

Vốn xưa người đất Đường Lâm,
Sinh ra thấy có quý cách lạ đời.
Đầy nhà tử ký nhiễu vây,
Rạng bằng đuốc sáng gẫm hay là trời.
Mới có ba mươi nốt ruồi,
Đến cả nên người tài mạnh tiếng khen.

Vị vua Việt Nam có sức mạnh nâng bổng vạc dầu như Sở Bá Vương Hạng Vũ - Ảnh 1.

Ngô Quyền phá giặc. Ảnh: Tranh dân gian Đông Hồ

Đời sau, cụ Sào Nam Phan Bội Châu cũng chép lại việc sinh hạ "ông tổ trung hưng nước ta" (lời cụ Phan) trong Việt Nam quốc sử diễn ca rằng:

Thuở sinh cậu có điềm lạ,

Đầy một nhà rực rỡ thần quang;
Sinh ra trạng mạo phi thường,
Vít ròi ba nốt mọc dường sau lưng.

Ông bà Ngô Mân thấy lạ, liền mời thầy về xem tướng số cho con. Nhìn thấy chú bé có tướng mạo khác người, thầy tướng vận dụng hiểu biết về lý số mà nhẩm, rồi phán rằng: "Đứa bé này sau lớn lên, tất làm chủ một phương".

Cha mẹ mừng lắm, nên mới đặt tên cho con là Quyền. Ngay ở tên gọi đã thể hiện được uy dũng trong tương lai của một con người.

Đến khi Ngô Quyền lớn lên, vẻ mặt khôi ngô đĩnh đạc, mắt sáng như chớp, dáng đi thong thả như cọp, lời nói việc làm đều toát lên sự uy dũng. Có lần tập luyện võ nghệ, cao hứng, Quyền dùng sức có thể nâng luôn cả chiếc vạc lớn rồi giơ lên cao, mọi người đều lấy làm kinh ngạc vì sức vóc của chàng trai họ Ngô. Đúng là:

Chân đi khoan bước nanh hùm,
Những hay gánh vạc tài gồm mạnh thay.
(Trích Việt sử diễn âm)

Việc ấy làm người ta nhớ đến việc Hạng Vũ từng một mình nhấc chiếc vạc lớn trước miếu vua Hạ Vũ, hay Quan Vũ thuở hàn vi đi bán đậu xanh đã nhấc tảng đá nghìn cân đặt trên giếng để lấy thịt lợn của Trương Phi vậy.

Đến khi trưởng thành, tài trí, dũng lực của Ngô Quyền cứ dần thể hiện qua hành động, nào giết nghịch thần Kiều Công Tiễn, phá được giặc mạnh Hoằng Thao, dựng nước, xưng vương, đặt ra cấp bậc các quan văn võ, định chế độ luật lệ y phục, thực là bậc tài giỏi cứu đời, được Tế văn hầu Lê (Nguyễn) Trãi trong Dư địa chí trân trọng ghi lại: "Vua Tiền Ngô dẹp quân Hán, khôi phục nước nhà; đất đai thu được".

Cũng nhờ vị Quan Võ nước Nam này mà nước dựng lên, có quốc hiệu rõ ràng phân biệt với phương Bắc, như Dư địa chí chép rõ: "Ngô gọi nước là Tiền Ngô, đóng đô ở Loa thành" (người dẫn ngờ rằng tên nước như dẫn trong Dư địa chí là không có thực).

* Nguồn sưu tầm: Trần Đình Ba, Kể chuyện lịch sử Việt Nam: Những điều lạ thời Ngô – Đinh – Tiền Lê, trang 60-63, NXB Văn hóa – Thông tin.

* Tiêu đề bài viết đã được tòa soạn đặt lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại