Không phải thiên thạch, đây mới là nguyên nhân gây ra vụ nổ trên không khủng khiếp tại Nga

S.T |

Trái với các quan điểm lâu nay cho rằng: Tai họa thiêu trụi một phần Siberia năm 1908 là do thiên thạch, nhà địa chất Nga Vladimir Epifanov tuyên bố: Vụ nổ có nguyên nhân từ...

Cách đây gần 100 năm, khu vực Tunguska ở Siberia đã trải qua một tai họa bất ngờ. Buổi sáng ngày 30/6/1908, một tiếng nổ với sức công phá tương đương 10-15 triệu tấn TNT đã thiêu trụi cả một khu vực rộng lớn.

Tuy nhiên đến nay, nguyên nhân của vụ nổ này vẫn còn là câu hỏi với nhiều nhà khoa học.

Những lý giải khoa học về vụ nổ Tunguska

Gần đây, các nhà khoa học Italy cho rằng, một thiên thạch nhỏ là thủ phạm gây tai họa này. Nhưng nay theo ông Vladimir Epifanov Viện Nghiên cứu địa chất Novosibirsc ở Siberia, thì giả thuyết của nhà khoa học Italy có nhiều điểm không thỏa đáng.

Không phải thiên thạch, đây mới là nguyên nhân gây ra vụ nổ trên không khủng khiếp tại Nga - Ảnh 1.

Khung cảnh hoang tàn sau vụ nổ.

Thứ nhất, nếu quả thực một thiên thạch đâm xuống Siberia, thì nó đã phải để lại một hố sâu như cái hồ tại trung tâm vụ nổ, hoặc ít ra người ta cũng phải tìm thấy các mảnh vỡ của thiên thạch.

Thứ hai, cây cối tại trung tâm va chạm phải bị nát hoàn toàn (thực tế còn những khúc gỗ khá nguyên vẹn).

Thứ ba, khi phân tích các vết gãy, xước của các cây gỗ, Epifanov thấy rằng, chúng không giống như bị một thiên thạch từ trên cao lao xuống làm gẫy, mà có vẻ như bị chém ngang bởi vụ nổ từ dưới đất gây nên.

Dựa trên các luận điểm này, Epifanov kết luận: Tai họa này không phải do thiên thạch gây ra.

Theo Epifanov, quang cảnh ở Tunguska nhìn giống một hiện trường sau vụ nổ bom nguyên tử, dù không hề có phóng xạ.

Không phải thiên thạch, đây mới là nguyên nhân gây ra vụ nổ trên không khủng khiếp tại Nga - Ảnh 2.

Hình minh họa.

Theo ông, một vụ nổ như vậy có lẽ đã xuất hiện từ trong lòng đất: Khí metan phụt lên, bùng cháy, tạo ra một quả cầu lửa khổng lồ kèm theo tiếng nổ.

Tunguska là khu vực có cấu tạo địa chất đặc biệt. Dưới lớp đất bazan dày, người ta tìm thấy số lượng dầu lửa và khí đốt rất lớn. Tại đây còn có các rãnh nứt chạy trong lòng đất.

Theo giả thuyết của Epifanov, năm 1908, một trận động đất trung bình làm hỗn hợp khí và dầu lửa bị nén mạnh. Hỗn hợp này chạy dọc theo khe nứt trong lòng đất rồi phụt lên.

Đồng thời, các đám bụi từ khe nứt cũng theo đà thoát lên, tụ ở khí quyển , tạo ra các đám cháy bụi tích điện. Rất có thể một tia lửa điện mạnh đã phóng xuống lớn hỗn hợp khí và dầu lửa dưới đất, tạo ra vụ nổ khủng khiếp.

Giả thuyết của Epifanov có thể giải thích vì sao không có một hố khổng lồ hay mảnh vỡ của thiên thạch xung quanh tâm nổ.

Tuy nhiên, những người theo thuyết "thiên thạch" vẫn bảo vệ quan điểm của mình. Theo họ, thiên thạch trước khi đâm vào trái đất đã bị vỡ vụn ở độ cao vài km trên không khí, nên đã không để lại dấu vết gì.

Nguồn sưu tầm: Cuốn "Bí ẩn của nhân loại", trang 168-170, NXB Từ điển bách khoa.

Tiêu đề bài viết đã được tòa soạn đặt lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại