Từ Washington DC: Tôi đã gặp nhiều người Mỹ buồn và hối hận

Hiệu Minh |

Hơn nửa nước Mỹ như có đám tang vào ngày 9/11, ngày mà đúng 27 năm trước, bức tường Berlin sụp đổ, Chiến tranh Lạnh kết thúc. Ngày 9/11 năm nay, Trump trở thành Tổng thống Mỹ.

Khi tôi viết bài thì đúng giờ này tuần trước cả thế giới hồi hộp theo dõi kết quả kiểm phiếu bầu Tổng thống Mỹ thứ 45.

Hai ứng viên thay nhau dẫn đầu, khi Florida về tay Trump và sau đó là Ohio, North Carolina và cả những bang xanh như Pennsylvania hay Michigan đổi màu sang giúp Trump, mọi việc đã an bài.

Sáng hôm sau có chút việc sang Washington DC, đi metro đã thấy sự ngột ngạt vì kết quả bầu cử. Văn phòng cũ nơi tôi từng làm việc, nhiều người cáo ốm hoặc xin nghỉ. Có người gọi điện đến giọng nghẹn ngào.

Hơn nửa nước Mỹ như có đám tang vào ngày 9/11, ngày mà đúng 27 năm trước đó, bức tường Berlin sụp đổ, nước Đức thống nhất, Chiến tranh Lạnh kết thúc. Thế giới đã khác hoàn toàn sau sự kiện đó.

Ngày 9/11/2016, Donald Trump trúng cử Tổng thống Mỹ, mà ông từng hứa sẽ xây bức tường 2.000 km giữa Mỹ và Mexico. Bức tường này đổ xuống thì bức tường khác dựng lên.

Nhưng bức tường ngăn Mexico cũng không nguy hiểm bằng bức tường ngăn cách do Trump và những người ủng hộ ông dựng lên có những chỉ dấu về phân biệt chủng tộc, da trắng, da đen, người nhập cư.

Từ Washington DC: Tôi đã gặp nhiều người Mỹ buồn và hối hận - Ảnh 1.

Những người biểu tình phản đối Tổng thống đắc cử Trump tại Đại học George Washington. (Ảnh: Hiệu Minh)

Ngay sau kết quả công bố, hàng ngàn người đã biểu tình chống Trump, với những khẩu hiệu "Trump không phải tổng thống của tôi", "Tình yêu chứ không phải là hận thù của Trump". Có người quá khích gọi ông là phát xít.

Giờ này CNN và các hãng thông tấn đang bàn về một bài đăng phân biệt chủng tộc trên Facebook liên quan đến Đệ nhất phu nhân Michelle Obama, dù tác giả chỉ là thị trưởng nhỏ ở West Virginia.

Nữ tác giả viết trên facebook của mình "Sẽ thật là tươi mát khi lại có một đệ nhất phu nhân xinh đẹp, đẳng cấp và sang trọng trong Nhà Trắng. Tôi mệt mỏi lắm rồi khi phải nhìn thấy một con vượn đi giày cao gót".

Như đổ thêm dầu vào lửa, Trump đề cử Stephen Bannon làm trợ lý trưởng. Bannon là người cầm đầu việc thay đổi trang tin Breitbart News thành một diễn đàn của cánh hữu, một trang mạng không chuyên của các phần tử phát xít, những người theo thuyết ưu thế của người da trắng và bài Do Thái.

Bannon bị cho rằng đã quảng bá cho chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và thù ghét phụ nữ, dường như đứng về đảng 3K (Ku Klux Klan) quá khích. Không phải bỗng nhiên nghe tin Trump trúng cử, đảng 3K đã ăn mừng ở New York.

Người da trắng một thời ngự trị nước Mỹ trong lịch sử vài trăm năm. Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 đã viết "Mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng", nhưng quốc gia thuộc hàng văn minh trên thế giới đã cần tới 232 năm để có Obama, một tổng thống da đen trong Nhà Trắng như hôm nay.

Chuyện này không phải không có nguồn cơn. Năm 1900, nước Mỹ có dân số 76 triệu người trong đó có 66,8 triệu là người da trắng, chiếm 88%, trong khi chỉ có 8,8 triệu người da đen, 90% sống ở các bang phương Nam. Người gốc Tây Ban Nha (latin) chỉ có nửa triệu.

Đến năm 2015, số dân khoảng 321 triệu, người da trắng thuần túy (không tính người latin) chỉ còn 61%, trong khi số người latin, da đen, châu Á tăng lên và chiều hướng lấn lướt người da trắng.

Dự đoán tới năm 2050, người da trắng sẽ trở thành thiểu số trong một quốc gia khoảng 400 triệu người.

Nếu người da trắng coi Mỹ là quốc gia của họ sau khi thanh toán gần hết người da đỏ, hiện chỉ còn vài triệu, thì thống kê dân số trên và dự báo là nỗi lo… da trắng.

Mới hiểu tại sao trên tivi có hình ảnh Trump cùng vợ tóc vàng, các con trai gái đều da trắng thuần túy, được một nửa dân số Mỹ bầu. Các cô chân dài vây quanh, các trợ lý, các ứng viên cho các chức danh quan trọng đều có màu da giống Trump.

Bức tường phân biệt màu da do những người ủng hộ Trump dựng lên mới đáng lo cho nhiều người Mỹ, nhất là dân mới nhập cư.

Từ Washington DC: Tôi đã gặp nhiều người Mỹ buồn và hối hận - Ảnh 2.

Cảnh sát bảo vệ an ninh quanh đoàn biểu tình (Ảnh: Hiệu Minh)

Chiều nay tôi tới World Bank cách Nhà Trắng một phố để thăm vài đồng nghiệp cũ. Lâu lâu gặp lại rất vui, thôi thì đủ chuyện. Nhưng đang vui mà hỏi về bầu cử, ai cũng buồn.

Có người đi bầu, có người kệ cho đời trôi, và không ít đã hối hận sao không ra hòm phiếu. Người đi bầu chọn Clinton chỉ vì không phải Trump và có người chọn Trump chỉ vì không phải Clinton.

Một bạn nói vui, đảng Dân chủ có chính sách thiên về CNXH, giảm thuế cho người nghèo, tăng thuế người giàu và bậc trung, chính sách ưu ái về y tế như Obamacare, nhưng lúc tranh cử lại quên đi giới cần lao được gọi là "red neck" (cổ đỏ vì phơi nắng cả ngày) tại vùng nông thôn hẻo lánh.

Giới này nhiều người da trắng đã chọn Trump vì những phát biểu kích động, phân biệt chủng tộc mà một thời da trắng đã khuynh đảo nước Mỹ. Clinton quên mất cái nền "cần lao" đã trả giá lớn.

Đang ngồi quán café Peets góc phố 17 cắt đại lộ Pennsylvania thấy ngoài phố hò reo ầm ầm. Một đoàn biểu tình chống Trump đông cỡ ngàn sinh viên trẻ đầy sinh lực, vừa đi vừa hô khẩu hiệu, rất có tổ chức. Xe cảnh sát đi trước, khóa đuôi để bảo vệ họ và dẹp giao thông đang giờ cao điểm.

Chia tay người bạn, tôi theo đoàn biểu tình về tận đại bản doanh là một tòa nhà của Đại học George Washington, trường tư nổi tiếng thế giới và giàu có nhất nhì nước Mỹ. Các phát biểu lên án Trump về phân biệt chủng tộc, coi thường phụ nữ, "thay máu" bằng da trắng. Nhiều người tỏ ra tức giận, cho rằng sự vô đạo đang ngự trị nước Mỹ.

Tuy nhiên, phản đối đến đâu thì Trump vẫn vào Nhà Trắng ngày 20/1/2017. Như Tổng thống Obama đã nói, người dân đã lên tiếng và dân chủ là thế.

Đi giữa dòng người trẻ đầy sức sống, chợt nhận ra một điều nhỏ. Dù Trump là lựa chọn không hoàn chỉnh đối với một nửa nước Mỹ, thì nửa kia là một sự tối ưu cho thay đổi.

Muốn biết sự phản đối hiện diện trên đường phố hôm nay có đúng và thay đổi được não trạng của Trump và cộng sự của ông, giúp cho nước Mỹ đi đúng hướng, thì phải đợi 4 năm nữa.

Từ Washington DC: Tôi đã gặp nhiều người Mỹ buồn và hối hận - Ảnh 3.

Như Obama và Clinton nói, hãy dành cho Trump một cơ hội. Có đơm hoa kết trái sau 4 năm thì chỉ có Trump và đảng Cộng hòa mới biết cách làm thế nào.

Người Mỹ vốn không kiên nhẫn. Vợ chồng xa nhau vài tháng có thể đưa ra tòa ly dị vì không còn tình nghĩa. Xem tivi 4-5 phút lại có quảng cáo nên hay mất tập trung. Họ không nghe ai quá 5 phút liên tục.

Cũng như vậy, 4 năm nhiệm kỳ tổng thống là quá đủ. Không người Mỹ nào cho phép người lãnh đạo cao nhất sai lầm hết năm này sang năm khác, kéo dài vài thập kỷ.

Họ đưa lên bằng lá phiếu và hạ bệ cũng bằng lá phiếu. Dân chủ Mỹ có nhiều chuyện đáng bàn nhất là khi không còn ai để so sánh.

Sau một tuần Tổng thống đắc cử Donald Trump đang ngỡ ngàng vì chiến thắng không ngờ, kéo theo những chuyện không ngờ khác. Như Tổng thống đương nhiệm Obama nói, học làm tổng thống cũng là một quá trình không có đích.

Bức tường Berlin gần 30 năm mới đổ, bức tường biên giới Hoa Kỳ - Mexico có thể đứng vững lâu hơn. Nhưng bức tường về da mầu đã mấy trăm năm vẫn còn đâu đó trong lòng người nay được Trump gợi lại.

Nước Mỹ đang cuối thu, trời mưa nắng thất thường, thời tiết lạnh hơn như nỗi lòng khó tả của người thắng kẻ thua.

HM. 15-11-2016

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại