Ông Võ Kim Cự nêu 3 vấn đề "bế tắc" trong tái cấu trúc trong nông nghiệp

Hoàng Đan |

Ông Võ Kim Cự đã nêu lên 3 vấn đề được cho là "bế tắc" trong tái cấu trúc nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới đang diễn ra.

Nêu ý kiến trước Quốc hội vào sáng nay về chương trình xây dựng nông thôn mới, ông Võ Kim Cự, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Việt Nam (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh) đánh giá cao việc Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 1980 quy định 19 tiêu chí nông thôn mới rất khoa học, thực tiễn, phù hợp với 7 vùng miền.

Ông cho rằng, việc xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp là vấn đề rất lớn, cấp bách, chiến lược, có tính lâu dài.

"Chúng tôi xác định đây là vấn đề trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị, bởi trên 70% dân số của chúng ta đang làm ở lĩnh vực nông nghiệp.

Nếu chúng ta giải quyết được vấn đề nông nghiệp tái cấu trúc gắn với nông thôn mới thì sẽ đạt được yêu cầu nâng cao đời sống vật chất, giảm nghèo, giải quyết việc làm.

Đồng thời, đạt được nông nghiệp xanh, sạch, hữu cơ, hàng hóa, công nghệ cao theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa", ông Cự nêu.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Việt Nam, trước khi tái cơ cấu nông nghiệp thành công thì chúng ta vẫn còn "bế tắc ở 3 vấn đề".

"Trước hết là tiêu thụ sản phẩm, tiêu thụ thị trường, mệnh lệnh sản xuất đều tập trung chưa cao, phân tán giữa ngành và địa phương. Ai cũng hô làm nhưng làm cho bài bản. 

Thứ hai công nghệ cao, tôi thấy rất băn khoăn, từ khoa học kỹ thuật chúng ta ưu tiên nhưng chưa đúng mức, đúng tầm, đặc biệt nhất trong giống, chế biến sâu.

Thứ ba là hình thái tổ chức sản xuất đang manh mún, thực ra đang tự cung tự cấp, siêu nhỏ. Hiện nay chỉ được 1% doanh nghiệp trong nông nghiệp có hình thức thương mại.

Hợp tác xã có 15 vạn tổ hợp tác, hơn 2 vạn hợp tác trong đó có 1 vạn HTX nông nghiệp, 50 liên hiệp nhưng nhỏ bé, chỉ trừ liên hiệp ở TP Hồ Chí Minh có hơn 1 vạn lao động, hơn 1 tỷ USD doanh thu làm khá tích cực", ông Cự thông tin.

Bên cạnh đó, theo ông Cự, có những huyện, xã không có doanh nghiệp, HTX thì không ai lo giống, công nghệ, tiêu thụ cho nông dân và như thế là thả nổi, không kiểm soát được vật tư nông nghiệp.

"Vì vậy, tôi đồng tình cao với tiêu chí 13 của Chính phủ là phải có HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị hàng hóa và kiên trì hình thái sản xuất là tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX.

Và trong Liên hiệp HTX phát triển doanh nghiệp và Tổng Công ty theo Nghị quyết 35 để chúng ta phát triển hàng triệu doanh nghiệp trong thời gian gần nhất", ông Cự nêu ý kiến.

Để thực hiện được tiêu chí thứ 13, vị đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh đã kiến nghị 3 vấn đề cần thực hiện.

Thứ nhất, theo ông Cự, phải quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch sản phẩm chủ lực nông nghiệp theo vùng, liên vùng để có vùng nguyên liệu chế biến sâu và dùng hạ tầng dùng chung, cảng, sân bay, nước…

Thứ hai, cần có đầu tư công nghệ cao những sản phẩm chủ lực của nông nghiệp để nâng cao hàm lượng giá trị về kinh tế, từ đó sẽ giúp tăng nguồn xuất khẩu có thể lên hàng chục tỷ USD và giải quyết việc làm cho hàng chục triệu lao động nông thôn.

Thứ ba, cần khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến, hỗ trợ, làng nghề trong nông nghiệp, nông thôn. Bởi theo Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, bản thân nông nghiệp không thể giải quyết được riêng họ mà phải có sự tham gia của các ngành, địa phương.

"Vai trò của địa phương, tỉnh, huyện xã sẽ quyết định bởi TƯ chỉ là cơ chế, chủ trương, xây dựng mẫu, chứ không thể làm thay địa phương được.

Đất đai, lao động, an ninh trật tự trên địa bàn là vai trò của xã, huyện, tỉnh nên nếu làm tốt vai trò của địa phương sẽ quyết định việc tái cấu trúc nông nghiệp và hợp tác xã", ông nhấn mạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại