Tướng Trung Quốc bất ngờ ủng hộ Tập Cận Bình bằng từ cấm kỵ

Thủy Thu |

Trong khi Phạm Trường Long nhấn mạnh yếu tố "lãnh đạo cốt lõi" thì Hứa Kỳ Lượng đề cao "quyết sách sáng suốt" của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Cách ủng hộ "không bình thường"

Mới đây, quân đội Trung Quốc tổ chức một cuộc hội thảo với sự tham dự của Chủ tịch quân ủy trung ương Tập Cận Bình và các tướng lĩnh lãnh đạo cao cấp.

Điều đặc biệt, hai Phó Chủ tịch quân ủy Phạm Trường Long và Hứa Kỳ Lượng đều có bài phát biểu thể hiện lòng trung thành, ủng hộ ông Tập nhưng cách thể hiện của Hứa Kỳ Lượng lại khiến dư luận đặc biệt chú ý.

Tướng Trung Quốc bất ngờ ủng hộ Tập Cận Bình bằng từ cấm kỵ - Ảnh 1.

Phạm Trường Long (trái) và Hứa Kỳ Lượng.

Cụ thể, ngày 10/10, thông qua sự phê chuẩn của Tập Cận Bình, 8 Ủy viên Quân ủy, trong đó có Phạm Trường Long và Hứa Kỳ Lượng tham gia hội nghị chuyên đề "Nghiên cứu loại bỏ tận gốc ảnh hưởng của của Quách Bá Hùng, Từ Tài Hậu".

Tại cuộc họp, khi Phạm nhấn mạnh vào "ý thức cốt lõi", "duy trì nhận thức cao độ", "tuyệt đối trung thành", "tuyệt đối tin cậy" thì Hứa Kỳ Lượng lại có cách thể hiện đặc biệt hơn.

"Nghiêm túc xử lý và loại bỏ tận gốc ảnh hưởng nguy hại từ vụ án Quách Bá Hùng, Từ Tài Hậu là quyết sách sáng suốt của Chủ tịch Tập Cận Bình", Hứa phát biểu.

Truyền thông Hồng Kông nhận định, trong lịch sử ĐCSTQ, kể từ khi nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình lên nắm quyền, cụm từ "sáng suốt" rất ít được sử dụng.

Sau khi ông Đặng thay thế lãnh tụ Trung Quốc Hoa Quốc Phong - người kế nhiệm Mao Trạch Đông, Trung Nam Hải đã cấm dùng những cụm từ như "vĩ đại", "sáng suốt"... để nói về các lãnh đạo.

Hứa Kỳ Lượng sinh năm 1950, quê Sơn Đông, Trung Quốc. Hứa hiện là Thượng tướng Không quân, Phó chủ tịch Quân ủy Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc.

Phạm Trường Long sinh năm 1947, quê ở Liêu Ninh, Trung Quốc. Phạm hiện là Thượng tướng Lục quân, Phó Chủ tịch Quân ủy Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc.

Hai ông đều là ủy viên Bộ chính trị Trung Quốc khóa XVIII ĐCSTQ.

Hé lộ mục đích sâu xa?

Theo giới quan sát, đây không phải lần đầu tiên Hứa Kỳ Lượng công khai ủng hộ Tập mà trong rất nhiều các văn kiện, phát biểu trước đây, viên tướng không quân đều đề cao phương án cải cách quân đội của nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Hứa cũng được đánh giá là một trong những trợ thủ đắc lực của ông Tập trong quá trình cải cách quân đội, đặc biệt khi không quân và hải quân Trung Quốc là những lực lượng hưởng lợi lớn nhất từ cuộc cải tổ do nhu cầu hiện đại hóa quân đội.

Đa chiều (Mỹ) phân tích, ngay tại thời điểm quan trọng - trước thềm Đại hội XIX của ĐCSTQ sắp diễn ra vào mùa thu năm 2017, phát biểu của Hứa Kỳ Lượng thực sự rất đáng chú ý.

Nhất là khi càng gần đến Đại hội XIX, công cuộc sắp xếp nhân sự của ông Tập càng trở nên khẩn trương như chỉ từ cuối tháng 8 đến trung tuần tháng 9, Trung Quốc đã có 7 Bí thư mới tại các địa phương.

Đặc biệt, Hội nghị toàn thể lần thứ 6 khóa XVIII ĐCSTQ sắp tới (24-27/10) là bước đi tiền trạm giúp nhà lãnh đạo sắp xếp củng cố nhân sự bước đầu cho cuộc chuyển giao quyền lực năm tới. Danh sách 25 ủy viên Bộ chính trị khóa XVIII sẽ thay đổi ra sao sau Đại hội XIX luôn được đặc biệt quan tâm.

Với trường hợp của Hứa Kỳ Lượng, giới phân tích cho rằng, ông nhiều khả năng sẽ ở lại và có thể "tiến sâu hơn" sau Đại hội XIX nhờ "quy tắc bất thành văn" về vấn đề tuổi tác đối với 7 Ủy viên Ban thường vụ Bộ chính trị.

Sang năm 2017, Hứa bước sang tuổi 67 còn Phạm Trường Long đã 70 tuổi - độ tuổi phải "về hưu".

Hơn nữa, tướng Hứa Kỳ Lượng hiện là Tổ phó thường trực thứ nhất của Tiểu tổ lãnh đạo cải cách Quân giải phóng Trung Quốc, trong khi Phạm chỉ là Tổ phó thường trực thứ hai.

Đối với 7 Ủy viên thường vụ của Bộ chính trị Trung Quốc, "7 lên 8 xuống" là một quy tắc ngầm, tức cán bộ 67 tuổi có thể được bầu vào vị trí này, nhưng một người 68 tuổi sẽ "không đủ tiêu chuẩn".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại