Putin, Duterte và Trump có điểm gì chung khiến nhiều người say mê?

Linh Nguyễn |

Duterte khiến một số người sợ chết khiếp. Trump thì bị không ít chính khách Mỹ khinh thường ra mặt. Nhưng họ lại nhận được tỷ lệ ủng hộ không nhỏ của người dân.

Tuần trước, hàng trăm triệu khán giả ở Mỹ và trên thế giới đã đón xem buổi tranh luận Tổng thống đầu tiên trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2016, trông chờ được thấy màn "lời qua tiếng lại" giữa Donald Trump và Hillary Clinton. Chẳng có ai nghĩ đêm tranh luận sẽ diễn ra trong không khí văn minh, lịch sự.

Số lần Trump cắt lời Clinton nhiều gấp ba số lần Clinton ngắt lời ông. Trump còn đem cả sức khỏe của đối thủ ra để chỉ trích bà, thái độ của ông quay ngoắt từ thô lỗ sang phân biệt giới tính - theo Trump, cứ là "phái yếu" thì không đủ sức khỏe.

Trong lịch sử bầu cử tổng thống Mỹ, một hành vi thô lỗ nhỏ nhất cũng có thể khiến một ứng cử viên phải trả giá đắt Thế nhưng, người ủng hộ Trump vẫn không thiếu lý do biện minh cho ứng cử viên đảng Cộng hòa, kết quả khảo sát tỷ lệ ủng hộ của Clinton và Trump vẫn đuổi bám khá sít sao.

Trong khi đó, ở châu Á, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte xuất hiện dày đặc trên các tít báo với những lời lẽ "chợ búa" dành cho TT Mỹ Obama, cùng loạt phát ngôn mà Bộ trưởng Quốc phòng và một số quan chức chính phủ khác phải thay ông đính chính.

Duterte còn chỉ đạo cuộc càn quét tội phạm ma túy đẫm máu: Hàng ngàn người thiệt mạng dưới họng súng cảnh sát và các nhóm sát thủ, những người khác sống trong nơm nớp lo sợ. Cáo buộc Duterte đứng sau (và thậm chí tự tay thực hiện) việc ám sát đối thủ vì lợi ích cá nhân cũng không gây quá nhiều sự chú ý, mặc dù điều tra vẫn đang tiếp diễn.

Trong một cuộc khảo sát mới nhất, 64% người Philippines được hỏi cho biết họ hài lòng và đánh giá "rất tốt" về ông Duterte trong thời gian 90 ngày đầu nhậm chức.

Với Putin, phong cách lãnh đạo cứng rắn và nhiều phát ngôn gay gắt của ông lại thu hút tỷ lệ ủng hộ trong nước ấn tượng, kèm theo đó là chuỗi bất đồng quan điểm với Mỹ dẫn đến tình trạng quan hệ song phương tồi tệ nhất trong hàng thập kỷ qua.

Putin, Duterte và Trump có điểm gì chung khiến nhiều người say mê? - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Nga Dimitry Rogozin từng đăng bức ảnh này lên Twitter cá nhân để chế giễu Tổng thống Mỹ Barack Obama, người mà ông cho là quá mềm yếu khi so sánh với một Putin "mạnh mẽ"

Xu thế mới trong phong cách lãnh đạo?

Những người luôn phải sống trong tình trạng vô luật pháp tưởng chừng bất tận chắc chắn sẽ có quan điểm về lãnh đạo trái ngược với người dân các nước có tình trạng an ninh tốt, không lo sợ bạo lực.

Tại Philippines, người dân tung hô Tổng thống Duterte, chính trị gia được không ít người coi là biểu tượng của sự mạnh mẽ, với lý do thực dụng: Họ kỳ vọng ông có khả năng mang lại nền an ninh tốt hơn.

Ông Duterte nhậm chức trong thời điểm kinh tế Philippines khởi sắc, do đó, công ăn việc làm không phải là thứ đầu tiên mà người dân muốn Tổng thống đáp ứng. Trong khi đó, bằng hàng loạt chính sách tiêu diệt tệ nạn ma túy, và phong cách "nói là làm" sắt đá, ông đã "gãi đúng chỗ ngứa" của Philippines, là tình trạng an ninh tồi tệ, xã hội bất an.

Mạng sống của một bộ phận nhỏ bên lề xã hội, hay thậm chí vấn đề quyền con người là cái giá chấp nhận được đối với nhiều người. Khi sống trong cảnh nghèo khó, bị bọn tội phạm đe dọa và bóc lột, một nhà lãnh đạo chủ trương ôn hòa không phải điều người dân mong mỏi.

Putin, Duterte và Trump có điểm gì chung khiến nhiều người say mê? - Ảnh 2.

Đối với những xã hội cấp tiến hơn, người dân lại có xu hướng tìm đến nhà lãnh đạo chủ trương đặt lợi ích dân tộc và quốc gia lên hàng đầu. Tại Mỹ, một kỷ nguyên tương đối ổn định sắp kết thúc khi TT Obama và gia đình rời Nhà Trắng.

Về câu hỏi, tại sao Trump vẫn giành được khá nhiều sự ủng hộ, thậm chí có thời điểm còn vượt cả Clinton, dù trong con mắt giới chính trị (kể cả nhiều người thuộc phe Cộng hòa), Trump là "một gã hề" dối trá, thô lỗ, câu trả lời có thể nằm chính trong phong cách của ứng cử viên này.

Trump luôn nói những thứ giới bình dân muốn nghe, hứa hẹn thay đổi  mọi thứ. Cách nói của Trump bỗ bã, nhưng dễ hiểu đối với họ. Trong khi đó, bà Clinton bị nhiều người thuộc giới này coi là đại diện của  tầng lớp nhận đặc quyền, "người còn sót lại" của chính phủ cũ, với các tuyên bố có vẻ quá vĩ mô, xa vời, khó hiểu.

Với cục diện thế giới ngày càng trở nên khó đoán, và nhiều nước lớn tiệm cận thời điểm chuyển giao quyền lực, có thể phong cách lãnh đạo lỗ mãng sẽ lên ngôi trong tương lai gần khi bản thân nhà cầm quyền phải lựa chọn bảo vệ lợi ích quốc gia hay giữ gìn an ninh khu vực và thế giới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại