Các cường quốc đã "bó tay" với chiến lược của Triều Tiên?

Hải Võ |

Triều Tiên dường như không ngại hứng chịu thêm các biện pháp cấm vận sau vụ thử hạt nhân hôm 9/9, nhưng có vẻ Bình Nhưỡng đã bắt bài được các "ông lớn".

Trừng phạt hay đối thoại: Vấn đề Triều Tiên đã thành "nút thắt chết"

Theo tờ New York Times (Mỹ), việc giải quyết vấn đề bán đảo Triều Tiên đã trở nên khó khăn hơn sau mỗi lần Bình Nhưỡng đạt được các bước tiến mới trong chương trình hạt nhân.

Trước đó, xã hội quốc tế đánh giá Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân nhằm củng cố "không gian sinh tồn" của họ. Nhưng đến nay, giới quan sát thực sự đã tính đến khả năng nhà lãnh đạo Kim Jong Un sẵn sàng tiến hành một "cuộc chiến hạt nhân giới hạn".

Truyền thông chính thống của Trung Quốc nhiều lần nêu quan điểm rằng việc Mỹ-Hàn thúc đẩy triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trên lãnh thổ Hàn Quốc đã tạo ra rào cản lớn trong hợp tác Mỹ-Trung về vấn đề Triều Tiên, gia tăng bất ổn trên bán đảo.

NYT nhận xét, Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 9/9 kêu gọi thực hiện mạnh mẽ hơn các biện pháp trừng phạt hiện có đối với Bình Nhưỡng, cũng như áp đặt thêm các lệnh cấm vận nghiêm khắc chưa từng có. Nhưng hiệu quả của lệnh cấm vận lại phụ thuộc vào... Trung Quốc.

Ngoại trừ áp đặt cấm vận, bất kỳ phương án dài hạn nào để giải quyết vấn đề bán đảo đều cần thông qua thương lượng với các nước trong khu vực.

Trong 7 năm qua, chính quyền Obama đã theo đuổi "chiến lược kiên nhẫn" với trọng tâm là trừng phạt kinh tế, nhằm đạt mục tiêu khiến chính quyền Triều Tiên "tự tan rã".

Nhưng việc Bình Nhưỡng tiến hành đến 4 cuộc thử nghiệm hạt nhân kể từ khi ông Obama trở thành tổng thống (2009), trong đó có 3 cuộc dưới thời Kim Jong Un, khiến chính sách của Nhà Trắng bị nhận định là đã thất bại.

Victor Cha, chuyên gia về Triều Tiên thuộc Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tin rằng các biện pháp cấm vận của Washinton, Seoul và Tokyo không hề lay động được Bình Nhưỡng. Điều đó có nghĩa là người kế nhiệm ông Obama sẽ đối mặt với vấn đề vũ khí hạt nhân Triều Tiên ở nguy cơ cao hơn rất nhiều so với năm 2009.

Trong một bài phân tích khác, NYT cho rằng việc Mỹ tăng thêm biện pháp trừng phạt nhiều khả năng không ngăn cản được Triều Tiên mà sẽ rút ngắn thời gian tiến đến một cuộc xung đột vũ trang.

Mặt khác, tái khởi động đối thoại với Triều Tiên bị cho là sự lựa chọn "nhượng bộ" trước Kim Jong Un, nhưng cũng không bảo đảm nước này sẽ thỏa hiệp và từ bỏ chương trình hạt nhân.

Nhà lãnh đạo họ Kim đã tỏ rõ mục đích ông phát triển dự án hạt nhân là để "tạo mối đe dọa" chứ không liên quan đến "sự ngã giá" trên bàn đàm phán.

Tạp chí The Economist (Anh) bình luận, thái độ và chính sách đối ngoại của Kim Jong Un tiềm ẩn nhiều biến số hơn so với cha ông, cố lãnh đạo Kim Jong Il. Một trong những nguyên nhân là phương Tây vẫn mơ hồ về năng lực kiểm soát thực tế của ông Kim đối với chính quyền nước này.

Theo tờ này, việc Bình Nhưỡng thử hạt nhân 5 lần trong ba năm, bên cạnh cho thấy Triều Tiên lo lắng về an ninh thì cũng thể hiện một phần sự tự tin của họ. Mỹ, Nhật, Hàn và Trung Quốc đều chỉ trích các vụ thử, nhưng về cuối cùng các cường quốc cũng không làm gì được Kim Jong Un.

Kyodo News (Nhật Bản) đánh giá, diễn biến thực tế chứng minh bất kể sức ép đến đâu, Triều Tiên sẽ không từ bỏ phát triển vũ khí hạt nhân mà sẽ tăng tốc.

"Không thể tìm được 'át chủ bài' để ép Triều Tiên nữa. Những gì có thể làm chúng ta đã làm rồi," Kyodo dẫn lời một quan chức giấu tên trong chính phủ Nhật tiết lộ.

Các cường quốc đã bó tay với chiến lược của Triều Tiên? - Ảnh 1.

Vụ thử hạt nhân lần thứ năm của Triều Tiên hôm 9/9 gây ra vụ nổ có sức mạnh tương đương 10.000 tấn thuốc nổ TNT, lớn nhất trong các vụ thử của nước này. (Ảnh minh họa: Reuters)

Thêm một "sân chơi đổ lỗi" giữa Mỹ-Trung

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ashton Carter ngày 9/9 kêu gọi Bắc Kinh nhận trách nhiệm về vụ thử hạt nhân mà Triều Tiên tiến hành cùng ngày, đồng thời kêu gọi Trung Quốc gia tăng sức ép lên Bình Nhưỡng.

"Trung Quốc cần tận dụng vị trí địa chính trị, lịch sử và tầm ảnh hưởng của họ để thúc đẩy phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, chứ không phải nhìn tình hình phát triển theo xu hướng hiện nay," ông nói.

Đồng quan điểm với Carter, Ngoại trưởng Anh Boris Johnson nhận định "trên thế giới chỉ một quốc gia có ảnh hưởng thực sự đối với Triều Tiên, đó chính là Trung Quốc".

Ứng viên tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ Hillary Clinton cũng đề nghị chính phủ Mỹ gia tăng các biện pháp trừng phạt Triều Tiên. Bà đánh giá vụ thử hạt nhân lần thứ năm của nước này đã mở ra "cánh cửa (để Mỹ) gây áp lực với Trung Quốc".

NYT dẫn quan điểm nói rằng, Kim Jong Un không ngần ngại tiến hành thử nghiệm hạt nhân bởi nước này không hề e ngại Bắc Kinh trả đũa. Việc Trung Quốc vừa muốn làm hài lòng dư luận quốc tế, vừa không "bỏ rơi" Bình Nhưỡng đã đẩy họ vào thế tiến thoái lưỡng nan, dẫn đến mối đe dọa ngày nay.

Tuy nhiên, giới học giả Trung Quốc cho rằng phương Tây đã "đổi trắng thay đen" khi đùn đẩy trách nhiệm vụ việc hôm 9/9 cho nước này.

Nhà nghiên cứu Lữ Siêu của Viện khoa học xã hội Liêu Ninh chỉ trích giới chức và truyền thông Mỹ "chỉ biết cáo buộc Trung Quốc không phát huy vai trò trừng phạt Triều Tiên". Ông này lý giải nguồn gốc vấn đề nằm ở xung đột giữa Mỹ và Triều Tiên.

Tờ Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc ngày 12/9 đáp trả tuyên bố của Bộ trưởng Carter khi nói rằng bản chất vấn đề Triều Tiên chỉ nằm giữa nước này với Mỹ và Hàn Quốc.

Theo Hoàn Cầu, những năm vừa qua Mỹ "không đóng góp gì cho nỗ lực làm hòa dịu tình hình" và Washington mới là "người chịu trách nhiệm đầu tiên" đối với vụ thử hạt nhân mới nhất của Triều Tiên.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại