Tạp chí The Diplomat cho hay phát biểu hôm 23/8, ông Duterte tuyên bố sẽ không nhắc lại những tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông cũng như việc Tòa trọng tài quốc tế ra phán quyết phủ nhận chủ quyền phi lý “đường chín đoạn” mà phía Trung Quốc từng tuyên bố trong hai cuộc họp sắp tới là Hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) diễn ra tại Lào và một số cuộc họp khác bao gồm Hội nghị thượng đỉnh Đông Á.
Còn theo Reuters, Tổng thống Philippines chia sẻ với báo giới rằng “tốt hơn hết là thuyết phục Trung Quốc đối thoại ngoại giao thay vì chọc tức giới chức Bắc Kinh”.
Mặc dù trong chiến dịch tranh cử, ông Duterte từng mạnh miệng nhắc tới chủ đề Biển Đông.
Còn hiện tại, ông Duterte đang triển khai các biện pháp tiếp cận mềm dẻo để giải quyết tranh chấp chủ quyền.
Về phần mình, Trung Quốc đã bác bỏ phán quyết của Tòa trọng tài và khẳng định các tranh chấp trên Biển Đông nên được giải quyết theo con đường đối thoại song phương.
Kể từ khi lên nắm quyền hồi tháng Sáu, chính quyền của ông Duterte đã tìm cách xoa dịu căng thẳng với Bắc Kinh. Cụ thể, Tổng thống Duterte đã cử cựu Tổng thống Fidel Ramos tới Trung Quốc để đối thoại chính thức.
Chuyến thăm của ông Ramos đặt nền tảng cho việc Philippines và Trung Quốc tổ chức thêm các cuộc đối thoại trong tương lai song không thể phủ nhận tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông hiện vẫn còn rất căng thẳng.
Bởi ngay cả khi Philippines không nhắc lại phán quyết của Tòa trọng tài trong cuộc họp sắp tới tại Lào, chắc chắn các quốc gia khác sẽ đưa ra hàng loạt câu hỏi liên quan tới Biển Đông.
Hiện tại chính quyền Tổng thống Duterte chưa tiết lộ mục tiêu mà quốc gia này muốn theo đuổi trong các phiên đối thoại với Trung Quốc.
Song phán quyết hôm 12/7 của Tòa trọng tài vốn mang lại ưu thế cho Philippines chắc chắn sẽ khiến quốc gia này không chịu bất cứ sự khoan nhượng nào trước Trung Quốc trong các vòng đối thoại trực tiếp.
Điển hình, các cuộc đàm phán của cựu Tổng thống Ramos không hề nhắc tới việc cho phép Trung Quốc khai thác nguồn tài nguyên tại bãi Cỏ Rong và Scarborough.
Hai khu vực này vẫn đang là điểm nóng được giới chức Philippines và Trung Quốc đưa ra bàn thảo song phương.
Tuy nhiên, kể từ năm 2012, Trung Quốc đã giành quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough từ tay Philippines.