Nga bán tài sản quý cho Trung Quốc ở thế 'chiếu dưới'?

Trung Dũng (tổng hợp) |

Nhiều dự án hợp tác quan trọng sẽ được thảo luận trong chuyến thăm lần này với Trung Quốc của tổng thống Nga Putin.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 25/6 đến Trung Quốc trong chuyến công du nhằm tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại, quân sự cũng như trao đổi lập trường về các vấn đề nóng của quốc tế hiện nay.

Nga tính bán tài sản cho Trung Quốc vì kẹt tiền

Điện Kremlin đã mô tả mối quan hệ với Trung Quốc là một sự cộng tác chiến lược. Ông Putin cũng khẳng định mối quan hệ chặt chẽ Nga-Trung “đóng góp vào sự ổn định của tình hình thế giới”.

Một trong những mục tiêu quan trọng của tổng thống Putin trong chuyến thăm lần này tới Bắc Kinh được giới phân tích chỉ ra đó là tìm kiếm các đối tác để bán 19,5% cổ phần trong Tập đoàn Dầu mỏ Rosneft hiện do chính phủ Nga nắm giữ cho các nhà đầu tư Trung Quốc.

Với những khó khăn về tài chính, thời gian qua, truyền thông Nga đã bóng gió về kế hoạch này và Trung Quốc, Ấn Độ là 2 quốc gia đang được nhắm tới.

Giới chức Nga kỳ vọng sẽ thu về ít nhất 700 tỷ Rúp, tương đương 11 tỷ USD, từ vụ bán cổ phần nói trên, và đây sẽ là một kỷ lục về tư nhân hóa doanh nghiệp ở nước này.

Chủ tịch Rosneft Andrey Belousov - một nhân vật thân cận với ông Putin - cho biết Nga muốn bán cổ phần cho hai cổ đông chiến lược.

Còn Bộ trưởng kinh tế Nga Alexei Ulyukayev vừa mới đây nói ông muốn thương vụ được tiến hành trong năm nay, phản ánh chỉ đạo của ông Putin trong tháng Tư.

Trong khi đó, người đứng đầu Điện Kremlin kêu gọi tiến hành nhanh giao dịch sau khi tìm được các cổ đông có tiềm lực tài chính mạnh.

“Chúng ta cần tiền”, ông Putin nói ngắn gọn.

Nếu Trung Quốc và Ấn Độ đầu tư vào Rosneft, điều này sẽ giúp ông Putin bù đắp vào khoản thất thu nguồn thu ngân sách, trong cùng lúc thắt chặt mối quan hệ địa chính trị với hai cường quốc hàng đầu châu Á.

Cả Bắc Kinh và New Delhi đã lên tiếng bày tỏ sự quan tâm với cổ phần Rosneft, điều sẽ giúp họ thâm nhập vào thị trường của nước xuất khẩu năng lượng lớn nhất thế giới. Tuy nhiên chưa bên nào xác nhận đang xem xét việc liên doanh cùng nhau.

Cụ thể hóa dự án đường sắt cao tốc

Một trong những dự án quan trọng được thảo luận trong chuyến thăm lần này là tuyến đường sắt cao tốc nối liền Moskva và Kazan, bên cạnh những thỏa thuận đã đạt được khi hai nhà lãnh đạo này tham dự hội nghị cấp cao Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) diễn ra tại Uzbekistan trong hai ngày 23 và 24/6.

“Ngân hàng Phát triển Trung Quốc dự kiến cung cấp một khoản cho vay 6 tỉ USD, và dự kiến 80% tuyến đường sắt này sẽ được xây dựng bởi các công ty Trung Quốc. Vật liệu và thậm chí là lực lượng lao động cũng đến từ Trung Quốc” - Alexander Gabuyev, đại diện của Nga trong Chương trình châu Á – Thái Bình Dương khẳng định.

Một số nhà phân tích cũng cho rằng hai chính phủ sẽ thúc đẩy xây dựng một nhà máy khí tự nhiên hóa lỏng ở vùng đất của Nga tại Bắc Cực, được hỗ trợ bởi khoản vay 12 tỷ USD từ hai ngân hàng nhà nước Trung Quốc.

“Tăng cường hợp tác kinh tế là vấn đề quan trọng đối với cả hai nước, đặc biệt là khi có những biến cố gần đây ảnh hưởng đến nền kinh tế Trung Quốc và Nga”, ông Chen Yurong, giám đốc nghiên cứu Âu - Trung Á của Viện Nghiên cứu Quốc tế do Bộ Ngoại Trung Quốc vận hành, nói.

“Hai nước có rất nhiều cơ hội đầu tư củng cố lẫn nhau, chẳng hạn như về năng lượng, giao thông vận tải và phát triển cơ sở hạ tầng”, vị giám đốc nói thêm .

Đẩy mạnh dự án “Một vành đai, một con đường”

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đang muốn tận dụng chuyến thăm của Tổng thống Putin để đẩy mạnh dự án “Một vành đai, một con đường” đang bị trì trệ. Đây là một tham vọng vô cùng lớn của Bắc Kinh trên con đường tơ lựa.

Dự án này liên quan đến việc xây dựng các kết nối cơ sở hạ tầng mới giữa Trung Quốc, Nga, Trung Á và Ấn Độ Dương.

Sự bổ sung các cảng biển và các dự án cơ sở hạ tầng khác trên khắp Ấn Độ Dương được gọi là "Con đường tơ lụa trên biển" giúp kết nối với các tuyến đường bộ, bao gồm Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan và Hành lang kinh tế đang được đề xuất Bangladesh - Trung Quốc - Ấn Độ - Myanmar.

Để cụ thể hóa giấc mơ này, Trung Quốc đã thành lập các thể chế tài chính lớn, bao gồm Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á và Quỹ con đường tơ lụa, để cung cấp nguồn tài chính khoảng 250 tỷ USD cho các dự án của OBOR.

Tuy nhiên thời gian gần đây Bắc Kinh liên tục gặp trục trặc với các nước ngoại bang trong khát vọng xây dựng đường sắt làm thành "con đường tơ lụa" mới. Vì vậy việc đẩy mạnh các hoạt động hợp tác và tìm kiếm thêm sự ủng hộ của điện Kremlin vào thời điểm này là cần thiết.

Quan hệ qua lại giữa Nga và Trung Quốc

Nói về mối quan hệ hợp tác giữa Nga và Trung Quốc, ông Alexander Gabuev, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Carnegie Moskva, đánh giá hội nghị thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo 2 nước được thiết kế cẩn thận như một màn thể hiện quan hệ đối tác, ràng buộc bởi các giao thức cho thấy lãnh đạo hai bên có vị thế bình đẳng.

Tuy nhiên, ông Gabuev cho rằng Nga đang ở "chiếu dưới". Các lệnh trừng phạt với Nga vẫn được giữ nguyên, môi trường đầu tư của Nga nghèo nàn và tình hình giá cả hàng hóa trong nước ngày càng tồi tệ.

 Nga bán tài sản quý cho Trung Quốc ở thế chiếu dưới?  - Ảnh 2.

Các mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc trên tinh thần đổi chác?

"Nga đang nghiêng về hướng phụ thuộc không đối xứng này, họ cần Trung Quốc nhiều hơn so với Trung Quốc cần Nga. Trong các thỏa thuận, Trung Quốc có thể là những người đàm phán thực sự rắn", ông nói.

Thực tế, Nga đã xích lại gần Trung Quốc khi phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt với Moskva năm 2014 do khủng hoảng Ukraine. Bắc Kinh đã bỏ phiếu trắng khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc kêu gọi các nước lên án Nga sáp nhập Crimea.

Các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc có thể tìm kiếm cách tiếp cận "có đi có lại" với Nga, vì những khó khăn ngoại giao Bắc Kinh đối mặt trong những tuần gần đây.

Trong khi đó, ông Alexander Korolev, một nhà nghiên cứu quan hệ Trung - Nga thuộc Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu tại Singapore, cho rằng ông Tập "sẽ muốn một cái gì đó tương tự như những gì Trung Quốc đã thể hiện với Nga trong khủng hoảng Ukraine, cụ thể là 'tỏ vẻ bình thường' trên tất cả các mặt, không chỉ trích rõ ràng và không tham gia bất kỳ biện pháp trừng phạt nào".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại